Phản hồi các góp ý về xử phạt hành chính lĩnh vực đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 14:08, 20/10/2018

Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản giải trình các góp ý đối với dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực...

 

 

Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa có văn bản giải trình các góp ý đối với dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được đăng tải lấy ý kiến nhân dân trên Cổng TTĐT Chính phủ.
 

đất đai


Không cần thiết tách riêng quy định xử phạt hành vi lấn và chiếm đất
 

Ông Lê Văn Châu (Phòng Tư pháp huyện Đăk Pơ, tỉnh Gia Lai) đề nghị xem xét tách hành vi lấn đất và hành vi chiếm đất tại Điều 14 dự thảo Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thành các điều luật riêng.
 

Qua thực tiễn công tác ở địa phương, ông Châu thấy các hành vi lấn đất, chiếm đất diễn ra khá nhiều và thường xuyên. Tuy nhiên, trong quá trình xử lý theo Nghị định 105/2009/NĐ-CP trước đây và Nghị định 102/2014/NĐ-CP hiện nay còn lúng túng, do cách hiểu về hành vi lấn đất, hành vi chiếm đất còn chưa rõ. 
 

Theo khái niệm lấn đất tại Điều 3 của dự thảo Nghị định có thể hiểu là người vi phạm chỉ có hành vi mở rộng diện tích bằng cách tự ý chuyển dịch mốc giới của thửa đất (hàng rào...) nhưng chưa có hành vi khai thác thửa đất đó (sử dụng đất). Hành vi chiếm đất là hành vi khai thác, sử dụng đất khi chưa được phép...
 

Như vậy, trường hợp một người sau khi đã thực hiện hành vi dịch chuyển mốc giới, sau đó canh tác, khai thác sử dụng thửa đất đã lấn thì sẽ bị xử lý như thế nào? Hoặc chỉ xử phạt về hành vi lấn đất; hoặc xử phạt về cả hành vi lấn đất và hành vi chiếm đất.
 

Nếu hành vi lấn đất chỉ là hành vi tự chuyển dịch mốc giới để mở rộng diện tích đất mà chưa khai thác đất, thì về tính chất hành vi này ít nghiêm trọng hơn hành vi chiếm đất. 
 

Nếu hành vi lấn đất gồm cả hành vi tự chuyển dịch mốc giới để mở rộng diện tích đất và hành vi khai thác, sử dụng đất, vậy thì, xét về tính chất hành vi này nghiêm trọng hơn hành vi chiếm đất. 
 

Từ những phân tích trên, ông Châu đề nghị xem xét tách hành vi lấn đất và hành vi chiếm đất thành các điều luật riêng.
 

Tổng cục Quản lý đất đai trả lời: Mục đích của việc lấn đất là để sử dụng nên cho dù đất lấn đã sử dụng hay chưa sử dụng đều có tính chất, mức độ nghiêm trọng như nhau. Do đó, tính chất và mức độ của hành vi này cũng như hành vi chiếm đất nếu có cùng diện tích đất vi phạm. Vì vậy, việc tách xử phạt hành vi lấn đất thành điều riêng là không cần thiết.
 

Không quy định xử phạt vi phạm xây dựng công trình trên đất 
 

Theo ý kiến của ông Nguyễn Hoàng Long (Ninh Thuận), trong thực tế, các cá nhân hoặc tổ chức hầu như không thực hiện một hành vi lấn, chiếm đất. Mà hầu hết là thực hiện hai hành vi cùng lúc đó là “lấn, chiếm đất” và “xây dựng công trình trên đất”. Do đó, ông Long đề nghị bổ sung điều khoản quy định chi tiết, rõ hơn về mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả và thẩm quyền của UBND các cấp, các bộ ngành trong việc xử lý hai hành vi nói trên, đồng thời quy định rõ trình tự nếu áp biện pháp cưỡng chế đối với hai hành vi nói trên (trong trường hợp này là cưỡng chế phá bỏ công trình trên đất, chủ yếu là nhà ở, trang trại và trả lại đất đã lấn, chiếm).
 

Tổng cục Quản lý đất đai trả lời: Trường hợp lấn, chiếm đất mà xây dựng công trình trái phép thì ngoài việc xử phạt theo Nghị định này còn bị xử phạt hành vi xây dựng công trình theo quy định tại Khoản 7, Điều 15 của Nghị định số 139/2017/NĐ-CP ngày 27/11/2017 của Chính phủ. Do đó, việc bổ sung điều khoản quy định việc xử phạt hành vi xây dựng công trình trên đất không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này, dẫn đến chồng chéo trong xử phạt vi phạm giữa Nghị định này với Nghị định số 139/2017/NĐ-CP.
 

Về giải thích thuật ngữ “khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất”
 

Ông Nguyễn Văn Vinh (Nghệ An) đề nghị bổ sung vào Điều 3 về giải thích từ ngữ: “Khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất là việc yêu cầu người vi phạm trả lại hiện trạng như ban đầu như trước khi vi phạm, do làm thay đổi hiện trạng của đất như hạ mặt bằng, đào bới hoặc đắp đất”.
 

Tổng cục Quản lý đất đai trả lời: Biện pháp khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trong dự thảo Nghị định được quy định đối với các hành vi chuyển mục đích sử dụng đất trái phép; lấn, chiếm đất; hủy hoại đất; gây cản trở việc sử dụng đất của người khác và chuyển quyền sử dụng đất không đủ điều kiện. 
 

Sự thay đổi hiện trạng sử dụng đất sau khi vi phạm đối với các hành vi nói trên trong thực tế là rất đa dạng; nếu giải thích cụ thể việc khôi phục tình trạng ban đầu của đất sẽ không thể thể hiện được đầy đủ từng trường hợp và dẫn đến vướng mắc trong quá trình thực hiện; hơn nữa việc quy định cụ thể còn dẫn đến việc hiểu cứng nhắc và làm cho việc khắc phục hậu quả bị kéo dài, tăng thêm chi phí không cần thiết. 
 

Vì vậy, Tổng cục Quản lý đất đai không đề xuất bổ sung nội dung giải thích thuật ngữ này mà để người có thẩm quyền xử phạt xem xét quyết định mức độ khôi phục đối với từng trường hợp cụ thể cho phù hợp với thực tế cần khôi phục.