Bảo đảm thực thi quyền sử dụng đất nông nghiệp
Đất đai - Ngày đăng : 15:30, 17/10/2018
Chế định quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đã được quy định từ Luật Đất đai năm 1987 đến Luật Đất đai năm 1993, năm 2003 và nay là Luật Đất đai năm 2013. Theo đó, Luật Đất đai năm 2013 đã mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Luật cũng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Quyền sử dụng đất nói chung và quyền sử dụng đất nông nghiệp nói riêng là một chế định cơ bản trong Luật Đất đai của Việt Nam. Theo quan niệm của các nước, đặc biệt là các nước theo hệ thống châu Âu lục địa, tquyền sử dụng là một trong ba quyền năng của quyền sở hữu. Do đặc thù của Việt Nam, quyền sử dụng đất phát sinh trên cơ sở quyền sở hữu toàn dân về đất đai thông qua Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu. Thực chất, thông qua các hành vi của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền mới làm phát sinh quyền sử dụng đất của hộ gia đình và cá nhân. Điều 1 Luật Đất đai năm 1987 quy định: Nhà nước giao đất cho các nông trường, lâm trường, hợp tác xã... hộ gia đình và cá nhân, gọi là người sử dụng đất ổn định, lâu dài.
Theo Quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp ban hành kèm theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ: “Hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp để sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp. Toàn bộ đất nông nghiệp đang được sử dụng, giao hết cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp, trừ đất giao cho các tổ chức, đất dùng cho nhu cầu công ích của xã theo Quy định này” (Điều 1); “Đất nông nghiệp giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp bao gồm đất nông nghiệp trồng cây hàng năm, đất nông nghiệp trồng cây lâu năm, đất có mặt nước nuôi trồng thủy sản, các loại đất này gồm cả đất làm kinh tế gia đình trước đây hợp tác xã giao, đất vườn, đất xâm canh, đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa được xác định để sản xuất nông nghiệp…” (Điều 2).
Luật Đất đai năm 1993 kế thừa các quy định của Luật Đất đai năm 1987, có sửa đổi, bổ sung, theo đó, Điều 1 của Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Nhà nước giao đất cho các tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, xã hội (gọi chung là tổ chức), hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài… Tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong Luật này gọi chung là người sử dụng đất”.
Luật Đất đai năm 1993 quy định 3 nội dung chính bảo đảm cho người sử dụng đất kể cả đất nông nghiệp, theo đó, người sử dụng đất ổn định, được UBND xã, phường, thị trấn xác nhận thì được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; Nhà nước không thừa nhận việc đòi lại đất đã giao cho người khác sử dụng trong quá trình thực hiện chính sách đất đai của Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Nhà nước có chính sách bảo đảm cho người làm nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp có đất sản xuất.
Luật Đất đai năm 2003 kế thừa các quy định của Luật Đất đai năm 1993 và mở rộng hơn quyền cho người sử dụng đất nông nghiệp là hộ gia đình và cá nhân gồm các vấn đề như thời hạn sử dụng đất đối với đất nông nghiệp trồng cây hàng năm là 20 năm, đối với đất trồng cây lâu năm là 50 năm; hạn mức giao đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 3 héc ta đối với mỗi loại đất. Hạn mức giao đất trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá 10 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng; không quá 30 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân được giao nhiều loại đất bao gồm đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối, tổng hạn mức giao đất không quá 5 héc ta. Chính phủ quy định cụ thể hạn mức giao đất đối với từng loại đất của từng vùng. Điều 116 Luật Đất đai năm 2003 quy định thêm biện pháp bảo đảm cho người có quyền sử dụng đất, theo đó hộ gia đình, cá nhân trước đây đã cho cơ quan Nhà nước mượn đất, nay có nhu cầu sử dụng gửi hồ sơ đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất cho mượn.
Luật Đất đai năm 2013 đã quy định cụ thể hóa các quyền, nghĩa vụ của Nhà nước đối với người sử dụng đất như: Quy định về những bảo đảm của Nhà nước đối với người sử dụng đất; trách nhiệm của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người trực tiếp sản xuất nông nghiệp; trách nhiệm của Nhà nước trong việc cung cấp thông tin đất đai cho người dân. Người sử dụng đất nông nghiệp có quyền chuyển nhượng, chuyển đổi, thừa kế, thế chấp, cho thuê quyền sử dụng đất của mình.
Luật Đất đai năm 2013 mở rộng thời hạn giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, nâng thời hạn giao đất nông nghiệp trong hạn mức đối với hộ gia đình, cá nhân từ 20 năm lên 50 năm. Luật cũng mở rộng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đáp ứng yêu cầu tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng hiện đại phù hợp với đường lối phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cho phép hộ gia đình, cá nhân tích tụ với diện tích lớn hơn (không quá 10 lần hạn mức giao đất nông nghiệp). Luật quy định cụ thể và đầy đủ từ việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư bảo đảm một cách công khai, minh bạch và quyền lợi của người có đất thu hồi, đồng thời khắc phục một cách có hiệu quả những trường hợp thu hồi đất mà không đưa vào sử dụng, gây lãng phí, trong khi nông dân lại không có đất để sản xuất.
Mặc dù, Luật Đất đai đã quy định người sử dụng đất nông nghiệp có các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, tặng cho và góp vốn bằng quyền sử dụng đất. Tuy vậy, hoạt động trên thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp vẫn yếu ớt, nhất là thị trường cho thuê quyền sử dụng đất. Để thúc đẩy tích tụ đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp tập trung, quy mô lớn, cần tạo cơ chế đồng bộ để thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp phát triển.
Trong đó, cần sớm hoàn thành việc cấp Giấy chứng nhận đối với đất nông nghiệp; giải quyết dứt điểm việc cấp Giấy chứng nhận sau khi dồn điền, đổi thửa; rà soát, hoàn thiện các quy định về quyền của người sử dụng đất như quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, góp vốn, thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản hợp pháp gắn liền với đất; bổ sung cơ chế để giải quyết đối với trường hợp người sử dụng đất không đồng thuận chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp tập trung; sớm ban hành các chính sách khuyến khích việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án sản xuất nông nghiệp; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính trong việc thực hiện các quyền của người sử dụng đất, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân và doanh nghiệp tổ chức thực hiện; thiết lập cơ chế tạo quỹ đất để phục vụ phát triển nông nghiệp tập trung, quy mô lớn…