Chính sách đất đai đối với đồng bào dân tộc thiểu số

Đất đai - Ngày đăng : 15:37, 23/08/2018

(TN&MT) - Đất đai là tài nguyên quốc gia vô cùng quý giá, là tư liệu sản xuất đặc biệt, là thành phần quan trọng hàng đầu của môi trường sống, nơi hoạt động của các khu dân cư, xây dựng các cơ sở kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh và quốc phòng. Với vai trò quan trọng như thế, chính sách pháp luật đất đai, ngày càng được quan tâm xây dựng nhằm quản lý chặt chẽ và điều phối hài hòa; đặc biệt, ngày càng hướng đến việc giải quyết tư liệu sản xuất cho các đối tượng ở vùng khó khăn, các chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số.
T7
Hỗ trợ đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh: MH

Tại Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương (khóa IX) đã ra Nghị quyết số 24-NQ/TW về công tác dân tộc thể hiện rõ chủ trương, định hướng và những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, ổn định đời sống, phát triển kinh tế - xã hội cho khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số, đặc biệt là giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số: “Giải quyết cơ bản tình trạng thiếu đất sản xuất, đất ở và vấn đề tranh chấp đất đai ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là ở Tây Nguyên, Tây Bắc và vùng đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ”.

Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định về trách nhiệm của Nhà nước về đất ở, đất sản xuất nông nghiệp đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể, Điều 27 ghi nhận cần có chính sách về đất ở, đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng. Đồng thời, phải xây dựng chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp.

Ngoài ra, ngày 31/10/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2085/QĐ-TTg Phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020. Trong đó, nêu mục tiêu cụ thể là giải quyết đất sản xuất, chuyển đổi nghề cho trên 80% số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở vùng đặc biệt khó khăn thiếu đất sản xuất. Song song đó, hoàn thành các dự án định canh định cư tập trung theo kế hoạch được duyệt để tiếp tục bố trí sắp xếp dân cư nhằm ổn định đời sống, phát triển sản xuất cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số du canh, du cư còn lại theo Quyết định số 1342/QĐ-TTg ngày 25/8/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Gần đây nhất, Ủy ban Dân tộc vừa ban hành Thông tư số02/2017/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017 - 2020; Thông tư có hiệu lực thi hành từ ngày 7/7/2017.

Theo đó, Thông tư này hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, tín dụng ưu đãi và chính sách bố trí sắp xếp ổn định dân cư cho hộ dân tộc thiểu số còn du canh du cư theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg ngày 31/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ. Đối tượng áp dụng các chính sách cụ thể như sau:

Đối tượng áp dụng chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt: Là hộ đồng bào dân tộc thiểu số (kể cả vợ hoặc chồng là người dân tộc thiểu số) ở các thôn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; hộ nghèo (gồm cả dân tộc Kinh) ở xã khu vực III, thôn, bản, buôn, làng, ấp, phum, sóc, xóm…(thôn) đặc biệt khó khăn theo tiêu chí hộ nghèo quy định tại Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg của Chính phủ ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 - 2020, có trong danh sách hộ nghèo đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; sinh sống bằng nghề nông, lâm nghiệp; chưa có hoặc thiếu đất ở, đất sản xuất theo hạn mức đất bình quân chung do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định; thiếu nước sinh hoạt; chưa được hưởng các chính sách của nhà nước hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Riêng các hộ đã được hưởng các chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP của Chính phủ về cơ chế, chính sách bảo vệ phát triển rừng gắn với chính sách giảm nghèo nhanh, bền vững và hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015 - 2020, không được hưởng chính sách hỗ trợ đất sản xuất và chuyển đổi nghề.

Đối tượng áp dụng chính sách tín dụng ưu đãi: Là đối tượng chưa có hoặc thiếu đất sản xuất theo mức bình quân chung của địa phương như quy định nêu trên được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để tạo quỹ đất hoặc chuyển đổi nghề; đối tượng là hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo ở xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn có phương án sử dụng vốn vay sản xuất kinh doanh được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh.

Đối tượng áp dụng chính sách bố trí sắp xếp ổn định dân cư: Thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 06/2013/TTLT-UBDT-BTC hướng dẫn thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số đến năm 2015.

Là một quốc gia nông nghiệp, đất đai đóng một vai trò nền tảng quan trọng đối với đời sống sản xuất của người nông dân nói chung và đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng. Do đó, thực hiện tốt các chính sách về đất đai một mặt giúp cho đồng bào phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, hạn chế tình trạng du canh, du cư.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu định canh định cư, tái định cư được quy hoạch, đầu tư đồng bộ, bố trí đất sản xuất... đã đáp ứng phần nào nhu cầu sinh hoạt, sản xuất của đồng bào trong thời gian qua. Đây là những kết quả quan trọng và cần thiết nhằm góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, tăng cường khối đoàn kết các dân tộc, củng cố niềm tin của đồng bào đối với lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.