TP.HCM: Còn nhiều khó khăn khi liên thông thuế điện tử trong xử lý hồ sơ đất đai

Đất đai - Ngày đăng : 14:06, 08/08/2018

(TN&MT) - Sau hơn 3 năm triển khai quy chế phối hợp giữa Cục Thuế TP.HCM và Sở TN&MT TP.HCM, việc liên thông kê khai thuế điện tử trong việc cấp “sổ đỏ” và các hồ sơ đất đai khác cho người dân và các tổ chức bước đầu đã mang lại nhiều tiện ích, giúp giảm bớt nhiều thủ tục trung gian. Tuy nhiên, đến nay, việc thực hiện liên thông thuế điện tử còn gặp nhiều khó khăn cả về hạ tầng và công tác phối hợp giữa ngành Thuế và ngành TN&MT.
thue1
Người dân chỉ phải đến bộ phận “một cửa” để nhận thông báo nộp thuế mà không cần phải đến cơ quan Thuế
 

Nâng cao hiệu quả cơ chế “một cửa”

Năm 2015, trên cơ sở Luật Đất đai năm 2013 quy định việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (Giấy chứng nhận) do Văn phòng Đăng ký đất đai thực hiện. Ngày 06/5/ 2015, Cục Thuế TP.HCM và Sở TN&MT đã thông qua Quy chế phối hợp trao đổi thông tin giữa cơ quan Thuế và cơ quan TN&MT, nhằm hướng đến thực hiện cơ chế “một cửa” liên thông, giảm thời gian thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận trên địa bàn Thành phố.

Theo Quy chế này, khi người dân nộp hồ sơ cấp Giấy chứng nhận sẽ không phải đến cơ quan Thuế để kê khai thuế mà công đoạn này sẽ được cơ quan TN&MT phối hợp với cơ quan Thuế bằng phần mềm điện tử để xác định nghĩa vụ thuế mà người dân phải nộp. Người dân chỉ cần đến bộ phận “một cửa”  để nộp hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận, nhận thông báo số thuế phải đóng và nhận Giấy chứng nhận. 

Tiếp sau đó, ngày 17/8/2017, UBND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND Quy định phối hợp giải quyết thủ tục giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất; đăng ký đất đai; tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trên địa bàn Thành phố. Theo đó, cơ quan Thuế có trách nhiệm tiếp nhận và kiểm tra hồ sơ do Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai chuyển đến thông qua hình thức điện tử.

Thực hiện Quy chế phối hợp, cơ quan Thuế và  cơ quan TN&MT đã có những bước triển khai, đầu tư hạ tầng và cụ thể hóa các bước phối hợp. Theo đó, cả hai bên đều  triển khai ứng dụng quản lý chung để thực hiện kết nối, trao đổi thông tin. Cụ thể, Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng và Chuyển giao Công nghệ Địa chính Phía Nam cài đặt ứng dụng liên thông Thuế và triển khai thực hiện thí điểm liên thông Thuế điện tử cho 24 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai (ứng dụng ViLIS); còn  cơ quan Thuế là xây dựng ứng dụng Quản lý trước bạ nhà.

Đồng thời, cơ quan Thuế và cơ quan TN&MT đã tổ chức nhiều buổi tập huấn ứng dụng để thực hiện các chức năng trao đổi thông tin giữa hai bên. UBND các quận huyện, Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai và Chi cục Thuế tại các quận, huyện triển khai thí điểm phối hợp tốt trong việc trao đổi, có tổ chức cuộc họp hai bên để đóng góp ý kiến xây dựng ứng dụng liên thông.

Tuy nhiên, đến nay, việc liên thông thuế điện tử chỉ còn được duy trì tại 8 Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai, gồm: quận 10, 11, 12, 1, 3, 6, Bình Tân, Tân Bình. Các Chi nhánh còn lại đã thực hiện liên thông giai đoạn đầu, sau đó ngưng vì điều kiện khó khăn, gồm: quận 2, 4, 5, 7, 8, 9, Tân Phú, Gò Vấp, Phú Nhuận, Thủ Đức, Bình Thạnh, huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Nhà Bè, Củ Chi, Hóc Môn.

thue2
Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM - đơn vị chủ trì thực hiện quy chế liên thông với cơ quan Thuế
 

Nhiều khó khăn, bất cập

Ông Dư Huy Quang, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai TP.HCM cho biết, trong công tác thực hiện liên thông thuế điện tử đã gặp phải rất nhiều khó khăn, bất cập. Trong đó, đường truyền dữ liệu chậm, chưa ổn định, đường truyền dùng chung với UBND quận, huyện, tốc độ thấp, thường xuyên bị lỗi, thực hiện lập và gửi thông tin phiếu chuyển mất nhiều thời gian (thực hiện thao tác gửi một hồ sơ là hơn 5 phút), có khi còn thất lạc các file tài liệu kèm theo  phiếu chuyển trong khi truyền dữ liệu.

Mặt khác, trang bị hạ tầng công nghệ thông tin tại cơ quan TN&MT còn thiếu, lại không đồng bộ: cấu hình máy tính yếu, không có đủ máy chủ,  không có đủ máy scan mà phải chụp hình nên hình ảnh truyền đi không được rõ, trang thiết bị hạ tầng mạng không đủ…

Dẫn tới, khi cơ quan TN&MT gửi thông tin hồ sơ qua cơ quan Thuế, thì cơ quan Thuế báo nhận không đủ dữ liệu trong khi ứng dụng tại cơ quan TN&MT đã xác nhận gửi thành công toàn bộ hồ sơ và ngược lại. Phiếu chuyển thuế gửi đến cơ quan Thuế, khi truyền qua Tổng cục Thuế bị tách riêng phần chữ ký số và phần dữ liệu nên sau đó chuyển tiếp về đến Chi cục Thuế không có chữ ký số. Để khắc phục, phải kết hợp thêm thao tác thủ công là cơ quan TN&MT  scan phiếu chuyển thuế có chữ ký số và chuyển bổ sung file này sang cơ quan Thuế.

Đặc biệt, khối lượng tài liệu phải scan nhiều, mất thời gian cho việc chờ chuyển đi chuyển lại nhiều lần giữa hai cơ quan (đối với hồ sơ thừa kế, tặng cho phải xác định mối quan hệ giữa bên cho và bên nhận). Đối với trường hợp này, phiếu chuyển thuế bị Chi cục thuế trả lại nhiều lần do scan thiếu thành phần hồ sơ nên không tính thuế được, có khi một hồ sơ phải scan chuyển đến 4 - 5 lần mới đủ hồ sơ hoặc mất 2 - 3 ngày cơ quan thuế mới nhận được và ngược lại.

Ngoài ra, cơ quan Thuế yêu cầu phải gửi file *.pdf của nhiều thành phần hồ sơ (thậm chí là hầu hết các thành phần của một hồ sơ, tương ứng trung bình là 30MB/hồ sơ). Khi thực hiện liên thông Thuế điện tử, các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai phải gửi dữ liệu cho Tổng cục Quàn lý Đất đai, rồi Tổng cục Quản lý Đất đai gửi dữ liệu Tổng cục Thuế bằng đường truyền Internet, sau đó, Tổng cục Thuế truyền dữ liệu cho Cục Thuế Thành phố, rồi Cục Thuế Thành phố truyền dữ liệu cho các Chi cục Thuế để xử lý (nội bộ cơ quan Thuế truyền dữ liệu bằng đường truyền Metronet).

Cách truyền dữ liệu như vậy dẫn đến tình trạng mất thông tin, hoặc hiển thị không đầy đủ thông tin nên cơ quan Thuế lại yêu cầu Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai gửi lại thông tin, việc này làm mất thời gian giải quyết hồ sơ. Do đó, các Chi nhánh vẫn phải thực hiện song song hồ sơ thuế bằng hình thức giấy và điện tử để kịp tiến độ giải quyết hồ sơ.

Để thực hiện tốt việc liên thuế điện tử trên địa bàn TP.HCM theo Quyết định số 36/2017/QĐ-UBND, Văn phòng Đăng ký đất đai Thành phố kiến nghị, Thành phố khẩn trương đầu tư hạ tầng Công nghệ thông tin cho các Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai quận-huyện, nhất là máy scan, đường truyền; nâng cấp phần mềm Liên thông thuế tại cơ quan TN&MT.

Ông Dư Huy Quang cũng đề nghị, Thành phố bổ sung thêm quy định trong Quy chế phối hợp giữa hai cơ quan TN&MT và Thuế như thành phần hồ sơ của mỗi loại hồ sơ cần trao đổi thông tin để tính thuế, có báo cáo số lượng hồ sơ đã chuyển, nhận từ mỗi cơ quan.