Bà Rịa - Vũng Tàu: DN mong sớm có quỹ đất sạch để phát triển nông nghiệp công nghệ cao
Đất đai - Ngày đăng : 15:54, 08/08/2018
Doanh nghiệp kêu khó
Theo thông tin từ UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, để thực hiện Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có chủ trương phát triển dự án trên phần đất nhận bàn giao từ Công ty CP Cao su Bà Rịa, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp tỉnh và CP Cao su Thống Nhất. Đến nay, UBND tỉnh đã thống nhất chủ trương thu hồi 1.033ha đất tại huyện Châu Đức của Công ty CP Cao su Bà Rịa để đầu tư phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.
Tuy nhiên, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có chủ trương, trong thời gian kiểm đếm, thỏa thuận phương án bồi thường và hỗ trợ thiệt hại khi thu hồi đất giao cho các DN đầu tư và thực hiện các công việc có liên quan, thì tại các khu đất thu hồi của Công ty CP Cao su Bà Rịa tạm thời chưa tổ chức thẩm định chủ trương đầu tư, cho đến khi thực hiện hoàn tất các thủ tục thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và phân vùng sản xuất… UBND tỉnh sẽ tổ chức xem xét quyết định chủ trương đầu tư theo quy định.
Theo ông Võ Thành Tài, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng và Phát triển đô thị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (UDEC), đầu tư nông nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực hoàn toàn mới đối với DN. Song, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, cũng như đảm bảo lượng thực phẩm sạch cho người tiêu dùng, từ tháng 10/2017, Công ty đã quyết định thuê 02ha đất tại huyện Châu Đức để đầu tư mô hình trồng dưa lưới, các loại hoa lan... ứng dụng công nghệ cao. Sau 10 tháng đầu tư, hiện nay sản phẩm đã có đầu ra ổn định. Thời gian tới, DN tiếp tục thuê 100ha đất đầu tư nhà màng để nhân trồng chuối cấy mô.
Cũng theo ông Võ Thành Tài, việc tìm đất sạch hiện là vấn đề khó khăn: “100 ha này chỉ riêng của Công ty UDEC thôi, còn định hướng nhân rộng mô hình để liên kết với nông dân thì phải cần 1.000 ha. Do đó, Công ty rất mong muốn các ngành chức năng sớm hoàn tất các thủ tục thu hồi đất để DN có điều kiện tiếp cận quy đất sạch nhằm phát triển, nhân rộng mô hình sản xuất, đồng thời dễ tiếp cận được nguồn vốn vay từ ngân hàng để đầu tư."
Tương tự, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Vifarm cũng là một trong những đơn vị đi đầu trong đầu tư công nghệ cao trong nông nghiệp tại Bà Rịa - Vũng Tàu. Sau 4 năm đầu tư phát triển mô hình nhà màng với gần 30 chủng loại rau củ quả như: dưa lưới, cà chua, rau muống, cải xanh... sản phẩm của Vifarm đã có mặt khắp vùng miền của cả nước. Sắp tới DN tiến hành ký hợp tác sản xuất với DN Singapore để xuất khẩu.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu của thị trường, DN mong muốn mở rộng quy mô sản xuất và được tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ của ngân hàng. Ông Cao Xuân Mạnh, Phó Giám đốc Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ cao Vifarm cho biết: “Đầu tư nông nghiệp công nghệ cao thì chi phí vốn rất cao nhưng thu về thì rất lâu nên Công ty cũng mong muốn được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.xem xét bố trí quỹ đất để phát triển mở rộng đầu tư”.
Sớm có quỹ đất sạch
Theo báo cáo của UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tính tới thời điểm hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 40 nhà đầu tư nộp hồ sơ xin chủ trương đầu tư dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích sử dụng đất khoảng hơn 3.000ha. Do quỹ đất dành cho phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao không nhiều. Vì vậy, nhằm đem lại hiệu quả cao về mặt kinh tế - xã hội, UBND tỉnh đã giao cho Sở NN&PTNT xây dựng tiêu chí xét chọn dự án để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm ứng dụng công nghệ khoa học tiên tiến, đáp ứng các tiêu chí công nghệ ứng dụng trong phát triển nông nghiệp.
UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng đã giao cho các sở, ban, ngành chức năng rà soát xây dựng quy chế phối hợp trong việc giao, cho thuê đất, cũng như sớm hoàn tất các tủ tục pháp lý để có quỹ đất sạch nhằm thu hút và lựa chọn DN tham gia vào phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, yêu cầu các ngành chức năng, địa phương có đất thu hồi làm dự án phải rà soát quỹ đất và thực hiện việc giao đất để phát triển nông nghiệp công nghệ cao phải đúng mục đích; phải có biện pháp xử lý cụ thể đối với DN sử dụng đất không đúng mục đích, chậm đưa vào sản xuất…
Cung với đó, giao Sở TN&MT chủ trì, phối hợp với huyện Xuyên Mộc, Châu Đức đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân tại địa bàn, nhất là đối với phần đất Nông Lâm trường giao lại cho địa phương quản lý. Riêng đối với địa bàn huyện Châu Đức, hiện đang vướng mắc về ranh giới sử dụng đất giữa các tổ chức với hộ gia đình, cá nhân nên UBND tỉnh giao cho Sở TN&MT tham mưu, xây dựng kế hoạch đo đạc bổ sung, cập nhật bộ hồ sơ địa chính đối với khu vực biến động lớn và một số khu vực đất do Công ty Cao su giao trả cho địa phương quản lý để có cơ sở xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ dân…