Đà Nẵng: Bất cập quy hoạch đất đai ven biển
Đất đai - Ngày đăng : 15:51, 19/07/2018
Dày đặc các dự án
Trên tuyến đường ven biển Hoàng Sa, Võ Nguyên Giáp và Trường Sa có 37 dự án đã được thành phố giao đất và cho thuê đất để thực hiện các công trình, dự án khách sạn, resort cao cấp. Hiện nay đã có 19 dự án đã đưa vào hoạt động, 05 dự án đang triển khai và 13 dự án đã được bàn giao đất nhưng triển khai dự án chậm tiến độ và chưa triển khai.
Việc hình thành các dự án với mật độ khá dày đã phá vỡ cân bằng sinh thái, rừng dương phòng hộ ven biển bị biến mất, làm suy giảm khả năng phòng chống gió bão; áp lực từ hoạt động xây dựng, chất thải sinh hoạt đã gây nên tác động xấu đến môi trường biển. Do thiếu các không gian mở ra hướng biển, một số khu vực đã hạn chế sự nối kết liên thông giữa các không gian cảnh quan và giảm khả năng thông gió cho đô thị. Ngoài ra, phần lớn diện tích ven biển dành cho phát triển kinh tế, khai thác dịch vụ du lịch khiến các lối xuống biển, bãi tắm công cộng và rừng dương tự nhiên trước đây bị xóa bỏ, hạn chế khả năng tiếp cận biển của người dân mà còn làm giảm đi tiện ích đô thị của thành phố biển.
Dọc tuyến ven biển từ Nam Ô cho đến Hòa Hải, nhất là đoạn từ giao lộ Võ Nguyên Giáp - Hồ Xuân Hương cho đến hết đường Trường Sa (giáp địa phận tỉnh Quảng Nam), chỉ toàn thấy các resort đi vào hoạt động. Còn một số dự án thì bên ngoài lập hàng rào bằng tôn, hoặc xây tường gạch nhưng bên trong vẫn bị bỏ hoang.
Hàng chục km ven biển bị rào kín, bít lối xuống biển khiến cho người dân và du khách vô cùng bức xúc. Chị Nguyễn Thị Lành, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cho biết, gia đình chị sống ở đây từ bao đời nay. Nhiều năm trước đây, vào mỗi buổi sáng hay chiều, người dân ở đây đều đi bộ xuống biển tắm thỏa thích nhưng phải đi đường vòng rất xa vì đường xuống biển đã bị các chủ dự án rào kín, bít hết lối đi.
Theo HĐND TP. Đà Nẵng, một trong những nguyên nhân của thực trạng trên là do muốn thúc đẩy nhanh kinh tế địa phương, thành phố đã “vội vàng” thu hút đầu tư, chưa sàng lọc kỹ năng lực nhà đầu tư và trong nhiều trường họp đã nhanh chóng tạo điều kiện, “rút gọn” về mặt thủ tục cho các doanh nghiệp dẫn đến tình trạng giao đất, cho thuê đất tràn lan, không tuân thủ quy hoạch. Nhiều dự án đầu tư đã được giao đất, cho thuê đất nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc chậm tiến độ so với dự án đầu tư đã được xét duyệt; tình trạng một số nhà đầu tư năng lực tài chính yếu nhưng vẫn được giao đất thực hiện dự án có quy mô lớn nên dẫn đến tình trạng đầu cơ “chiếm chỗ” rồi chuyển nhượng lại dự án để hưởng lợi chênh lệch.
Thu hồi dự án chậm tiến độ
Nhận thấy những bất cập trong việc quy hoạch đất đai ven biển, Đà Nẵng đang triển khai thực hiện quyết liệt Thông báo 331 của Thường vụ Thành ủy lập lại trật tự các dự án ven biển, đặc biệt các dự án chậm triển khai. Theo đó, thành phố quyết định thu hồi 11 dự án thuộc khu vực ven biển để phục vụ công cộng.
Ông Nguyễn Nho Trung - Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng nhấn mạnh: Vấn đề quy hoạch khu vực ven biển là một trong những vấn đề sống còn của Đà Nẵng. Phải bảo vệ môi trường biển, nghiên cứu định hướng quy hoạch phù hợp thì mới phát triển kinh tế biển, đặc biệt là du lịch biển bền vững.
Ông Trung cũng chia sẻ lại quyết tâm của Đà Nẵng hiện nay là thu hồi đất các dự án không triển khai, để đầu tư cho các công trình phục vụ dân sinh. Trước mắt là các dự án mở lối xuống biển và bãi tắm công cộng cho người dân và du khách.
“Trong năm 2018 hoàn thành 2 lối xuống biển tại quần thể du lịch Quốc tế Ariyana và cuối đường Hồ Xuân Hương. Sớm bổ sung cơ chế quản lý kiến trúc cảnh quan ven biển theo đúng chỉ thị 20 của Thủ tướng Chính phủ. Ban hành hành lang bảo vệ bờ biển theo Luật Tài nguyên - Môi trường biển”- ông Nguyễn Nho Trung, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng cho biết.
Mới đây, UBND TP. Đà Nẵng đã ra quyết định sẽ thu hồi 6.680 m2 đất của dự án Khu biệt thự nghỉ dưỡng du lịch cao cấp Sunrise (quận Ngũ Hành Sơn) để xây dựng lối đi xuống biển với lộ giới khoảng15 m. Đồng thời, UBND TP. Đà Nẵng cũng ban hành Quyết định số 1504/QĐ - UBND, ngày 13/4/2018 phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng lối xuống biển - khu vực giữa khách sạn Furama và quần thể Khu đô thị du lịch Ariyana với tổng diện tích là 12.782 m2.
Bên cạnh đó, Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng tiếp tục phối hợp cùng các Sở, ngành tham mưu cho UBND thành phố ban hành quy định về hành lang bảo vệ bờ biển, quy chế quản lý kiến trúc cảnh quan đặc thù khu vực ven biển làm cơ sở triển khai các dự án ven biển, quản lý hoạt động đầu tư, xây dựng cũng như đảm bảo các quyền lợi của người dân địa phương theo đúng quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo năm 2015.
Việc giao đất một cách ồ ạt mà không thẩm định, xem xét một cách tổng thể, đánh giá tác động môi trường là bài học kinh nghiệm quý báu không những đối với thành phố Đà Nẵng mà còn đối với với tỉnh, thành phố ven biển. Do vậy, cần kiên quyết thu hồi những dự án chưa triển khai, hoặc chuyển đổi mục đích trái với quy định của pháp luật, mới đảm bảo hài hòa lợi ích của người dân và doanh nghiệp.