GEF 6 tìm phương án phát triển bền vững đất khô cằn
Đất đai - Ngày đăng : 06:51, 29/06/2018
(TN&MT) - GEF muốn hình thành một chiến lược và chương trình hành động chung của toàn bộ máy trong việc quản lý và phát triển bền vững các vùng đất khô cằn.
Trong khuôn khổ kỳ họp lần thứ 6 Đại hội đồng Quỹ môi trường toàn cầu (GEF 6) đang tổ chức tại Đà Nẵng, ngày 28/6 đã diễn ra phiên thảo luận bàn tròn cấp cao song song với chủ đề: “Đất khô cằn bền vững”.
Phiên điều hành do ông Dennis Garrity- đại sứ Drylands- UNCCD (Công ước của Liên hợp quốc về chống sa mạc hóa) đảm nhiệm, cùng nhiều đại biểu và khách mời đến từ hơn 180 quốc gia, các tổ chức trên thế giới...
Theo các đại biểu, những khu vực đất khô cằn bao gồm đồng cỏ, đất nông nghiệp và rừng khô, bụi cây, là một phần quan trọng trong môi trường tự nhiên; chiếm khoảng 40% diện tích đất của thế giới và là nơi cư trú của hai tỷ người - 90% sống ở các nước đang phát triển.
Các vùng đất khô cằn nhất thế giới chứa 1,11 tỷ ha đất lâm nghiệp, 27% diện tích rừng toàn cầu, ước tính vào khoảng 4 tỷ ha. 2/3 diện tích rừng trong khu vực khô cằn có thể được đánh giá là dày đặc, có nghĩa là chúng được đặc trưng bởi tán kín.
Ngoài ra, các đồng cỏ hiện diện nhiều thứ hai ở những vùng đất khô cằn (31%), tiếp theo là rừng (18%) và đất canh tác (14%). Các loại “đất khác” chiếm 34% diện tích vùng đất khô cằn toàn cầu.
Các khu vực này cung cấp nước ngọt, thực phẩm, nhiên liệu và chất xơ, lọc không khí và nước, điều tiết khí hậu và môi trường sống cho động vật hoang dã. Tuy nhiên quản lý sử dụng đất thiếu hiệu quả đang gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các vấn đề về sức khỏe, thực phẩm cho cư dân khu vực.
“Cộng đồng quốc tế đang làm việc để ngăn chặn và đảo ngược điều này thông qua việc ban hành một cam kết chống suy thoái đất (land degradation neutrality -LDN), xác định những ưu tiên quan trọng để lồng ghép các ưu tiên LDN với an ninh lương thực và nước, giảm nghèo, tạo thu nhập và an ninh sinh kế. Bàn tròn này sẽ thảo luận các cơ hội tiềm năng để giúp các quốc gia vùng đất khô hạn tận dụng LDN”, ông Dennis Garrity nhấn mạnh.
Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã tập trung vào những vấn đề chính như: Cách cân bằng phát triển kinh tế và đạt mục tiêu chống tàn phá tài nguyên đất: xác định mức độ tàn bị tàn phá của đất, đề xuất các giải pháp thích hợp; xác định rõ cơ cấu phân bố tài chính, đầu tư, sáng kiến để đạt được hiệu quả cao nhất; thành lập các mục tiêu công việc cụ thể cho từng vùng cũng như mục tiêu chung toàn cầu; xây dựng hệ thống quản lý các vấn đề liên quan môi trường, biến đổi khí hậu; tìm kiếm giải pháp cho vấn đề thu hút tài chính từ chính phủ, từ khu vực tư nhân...
Nhận thức vai trò cộng đồng địa phương, xác lập phương pháp thích hợp trong tiêp cận với từng khu vực dân cư cụ thể, duy trì nền văn hóa bản địa trong tuyên truyền giáo dục; cung cấp các trang thiết bị và kiến thức cho người nông dân tại các khu vực khô hạn, đảm bảo sinh kế; thành lập hệ thống chia sẻ thông tin, dữ liệu quốc gia...
Khôi phục và sử dụng đất
Cũng trong khuôn khổ GEF 6, phiên thảo luận bàn tròn cấp cao song song với chủ đề: “Lương thực, khôi phục và sử dụng đất” cũng đã được tổ chức.
Theo các đại biểu, thế giới cần một hệ thống thực phẩm bền vững hơn nhằm tạo ra các mặt hàng nông nghiệp không bị phá rừng và phục hồi đất cũng như các khu vực bị suy thoái. Các can thiệp ở quy mô cảnh quan, dựa trên quy hoạch sử dụng đất toàn diện là cần thiết để thúc đẩy một sự chuyển đổi trong hệ thống thực phẩm và sử dụng đất.
GEF đã thúc đẩy các phương pháp tiếp cận toàn diện để giúp các nước hòa giải các mục tiêu về xã hội, kinh tế và môi trường cạnh tranh trong quản lý đất đai.
Hội thảo đã xem xét các cơ hội mới nổi để đạt được một hệ thống sử dụng đất và thực phẩm bền vững, vai trò mà các chính phủ và khu vực tư nhân có thể quản lý và đề ra một số phương pháp nhằm khôi phục lại đất đai cung như cải thiện môi trường sống.
“Tại kỳ họp lần này, có nhiều giải pháp nhằm thức đẩy việc cải tiến nông nghiệp, cách mà các doanh nghiệp, doanh nhân hay thương nhân cùng đưa ra chiến lược hợp tác nhằm duy trì sự ổn định, cân bằng nguồn đất, tạo tiềm năng phát triển đa dạng thực phẩm. Nhờ đó, thu hút thêm nhiều nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp, cũng như là dân nhập cư từ các quốc gia khác. Cùng chung tay đề cao khẩu hiệu “giữ cho nguồn đất xanh sạch/an toàn...”, ông Paul Polman – Tổng giám đốc điều hành của Unilever chia sẻ.