Quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch các ngành, lĩnh vực: Khắc phục “điểm vênh”

Đất đai - Ngày đăng : 18:14, 14/06/2018

(TN&MT) - Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất,...
(TN&MT) - Sau khi Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận (GCN). Đồng thời, khắc phục tình trạng giao, cho thuê tràn lan, không đưa vào sử dụng, gây lãng phí. Tuy vậy, hiện nay, công tác này đối với một số quy hoạch ngành, lĩnh vực khác còn bất cập chưa thống nhất, đồng bộ. Do đó, trên cơ sở được Chính phủ giao về việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Bộ TN&MT đang sửa đổi, bổ sung về công tác này.
đất đai
Công tác quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đã tạo hành lang pháp lý quan trọng trong việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất và cấp Giấy chứng nhận . Ảnh: MH
Thực tế, công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất là một trong những công cụ quản lý quan trọng, đã được quy định trong Luật kể từ ngày có Luật Đất đai đầu tiên năm 1987. Sau 4 lần thay đổi, trong Luật Đất đai, công tác này đã được từng bước, hoàn thiện bổ sung và được cụ thể hóa tại 17 Điều trong Luật Đất đai năm 2013. Các quy định về công tác này đã mang lại nhiều kết quả quan trọng như: Hoàn thành việc lập và điều chỉnh về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tuy vậy, hiện nay, mối quan hệ phối hợp giữa quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác; giữa quy hoạch sử dụng đất của các cấp hành chính với quy hoạch đất quốc phòng, an ninh vẫn còn nhiều bất cập và chưa đồng bộ, thống nhất. Mặt khác, Quốc hội đã thông qua Luật Quy hoạch và Luật này sẽ có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2019. Do đó, cần thiết phải rà soát, sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến quy hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai để đảm bảo sự đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch.
 
Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Cục trưởng Cục Quy hoạch đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai), mục tiêu của việc sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong Luật Đất đai năm 2013 nhằm phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 và định hướng đổi mới chính sách về pháp luật đất đai của Ban Chấp hành Trung ương; sửa đổi, bổ sung nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được giao tại Phụ lục III Luật Quy hoạch (12 Điều); Sửa đổi, bổ sung một số điều về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của Luật Đất đai (ngoài 12 Điều được giao tại Phụ lục III Luật Quy hoạch).

Cụ thể là cải cách, rút ngắn quy trình lập, xét duyệt và phân bổ chỉ tiêu quy hoạch sử dụng đất; bảo đảm mục tiêu an ninh lương thực quốc gia, quốc phòng, an ninh... Đồng thời, nâng cao chất lượng quy hoạch, sử dụng đất đai có hiệu quả, tránh lãng phí; khắc phục các bất cập hiện nay về quan hệ phối hợp giữa quy hoạch sử dụng đất với quy hoạch của các ngành, lĩnh vực khác; giữa quy hoạch sử dụng đất của các cấp hành chính với quy hoạch đất quốc phòng, an ninh.

Theo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Đất đai của Bộ TN&MT gửi Chính phủ, Bộ đã đưa ra 3 giải pháp thực hiện là: Giải pháp 1, sửa đổi bổ sung các điều, khoản đã giao tại Phụ lục III Luật Quy hoạch; giải pháp 2, sửa đổi, bổ sung các điều khoản tại Phụ lục III Luật Quy hoạch, bổ sung quy hoạch vùng và các nội dung liên quan đến trình tự, nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
 
Giải pháp 3 là sửa đổi bổ sung các điều khoản tại Phụ lục III Luật Quy hoạch; bổ sung quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất chi tiết cấp xã và các nội dung liên quan đến trình tự, nội dung lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
 
Theo đó, Bộ TN&MT đã đề nghị lựa chọn giải pháp 2, nhằm vừa thực hiện nhiệm vụ tại Phụ lục III Luật Quy hoạch, vừa rà soát chỉnh sửa, bổ sung các điều, khoản khác trong Luật Đất đai có liên quan đến quy hoạch sử dụng đất như: Điều 36 về hệ thống quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều 37 về kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Điều 38 quy định về chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia phải phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp tỉnh; Khoản 2 Điều 39 về nội dung quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh; Điều 49 thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;... Giải pháp này sẽ đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung đồng bộ, thống nhất giữa Luật Đất đai và Luật Quy hoạch.

Mặt khác, sự cần thiết phải lập quy hoạch sử dụng đất vùng đã được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết số 134/2016/QH13 ngày 9/4/2016 của Quốc hội; quy hoạch sử dụng đất của các vùng sẽ giải quyết và điều hòa các nhu cầu sử dụng đất có tính chất liên tỉnh, thành phố; đảm bảo khai thác tổng hợp và bền vững các tài nguyên quan trọng của vùng.

Ngoài ra, việc lập quy hoạch sử dụng đất chi tiết của cấp xã trong phương án 3 sẽ được xem xét và lồng ghép khi quy định nội dung lập quy hoạch đất cấp huyện nhằm đảm bảo việc quy hoạch sử dụng đến từng thửa đất, phục vụ cho công tác quản lý chặt chẽ, hiệu quả.