Điện Biên: Sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp giảm trên 52.000ha

Đất đai - Ngày đăng : 20:26, 07/06/2018

(TN&MT) – Sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên là 707.901,99ha, chênh lệch giảm 52.547,83ha  

Ngày 7/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tỉnh Điện Biên thông qua báo cáo tóm tắt kết quả rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng, tỉnh Điện Biên đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
 

Một góc rừng đặc dụng Mường Phăng
Một góc rừng đặc dụng Mường Phăng

Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh Điện Biên sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng là: 707,901,99ha (chiếm 74,2% tổng diện tích tự nhiên). Kết quả diện tích rừng sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch lần này có sự chuyển dịch tương đối lớn về cơ cấu 3 loại rừng. Trong đó, rừng phòng hộ là 424.731,81ha (chiếm 60% tổng diện tích đất lâm nghiệp); rừng đặc dụng là: 51.664,55ha (chiếm 7,3%); rừng sản xuất là 231.505,63ha (chiếm 32,7%) và diện tích đất có rừng là 372.621,8ha (chiếm 52,6% tổng diện tích đất lâm nghiệp); diện tích đất chưa có rừng là 335,280,19ha (chiếm 47,4% tổng diện tích đất lâm nghiệp). So với kết quả quy hoạch 3 loại rừng năm 2008 theo Quyết định số 76/QĐ-UBND ngày 14/1/2008 của UBND tỉnh Điện Biên thì chênh lệch giảm 52.547,83ha, tỷ lệ chệnh lệch là: 6,91%.

Như vậy, quá trình rà soát điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng lần này đã chuyển ra ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 134.138,65ha là những diện tích đất lâm nghiệp không có rừng, thuộc các dự án đã được quy hoạch hoặc gần khu dân cư tập trung…; đồng thời chuyển vào trong quy hoạch 3 loại rừng là: 65.249,63ha.

Nguyên nhân cần thực hiện rà soát, điều chỉnh là do lần quy hoạch trước thực hiện chưa chi tiết, nhiều diện tích đất khác như: đất nhà ở, làng bản, mặt nước, xây dựng cơ sở hạ tầng, đất sản xuất nông nghiệp ổn định tập trung như: ruộng lúa, ruộng bậc thang, cây nông nghiệp khác…

Mặt khác, đối tượng quản lý rừng chưa được giao quản lý diện tích rừng phòng hộ tương xứng, nhiều khu rừng phòng hộ tập trung chưa giao cho chủ quản lý. Nhiều diện tích đất rừng phòng hộ, có nhiều hộ gia đình cá nhân canh tác, những diện tích này chưa có cơ chế để thực hiện giao đất giao rừng cụ thể cho các đối tượng yên tâm công tác, gây khó khăn cho công tác quản lý phát triển rừng. Một số diện tích rừng phòng hộ không còn phù hợp với các tiêu chí theo quy định. Nhiều khu dân cư được hình thành, nhu cầu mở đường xây dựng các hồ thủy lợi, thủy điện được quy hoạch, xây dựng chồng lấn diện tích rừng.

Đa phần ý kiến tán thành với nội dung báo cáo Dự án, tuy nhiên một số ý kiến khác đề nghị đơn vị tư vấn, làm rõ những nội dung: vì sao diện tích rừng đặc dụng sau rà soát, điều chỉnh quy hoạch giảm? Chênh lệch về chỉ tiêu phân bổ và chỉ tiêu quy hoạch kế hoạch sử dụng đất đến 2020…

Sau giải trình, tiếp thu ý kiến, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Điện Biên sẽ hoàn thiện báo cáo Dự án, xin ý kiến Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và trình HĐND tỉnh thông qua tại kỳ hợp tới.