Điện Biên: Mở rộng khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang
Đất đai - Ngày đăng : 14:32, 15/05/2018
(TN&MT) - Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang được tỉnh Điện Biên xác định là một trong những chỉ tiêu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nhằm mở rộng...
(TN&MT) - Khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang được tỉnh Điện Biên xác định là một trong những chỉ tiêu đột phá trong xây dựng nông thôn mới, nhằm mở rộng diện tích lúa nước, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định dời sống cho nhân dân.
Với chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang cho đối tượng hộ nghèo ở huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn, để sản xuất nông nghiệp là: 15 triệu đồng/ha khai hoang, 10 triệu đồng/ha phục hóa, 15 triệu đồng/ha cải tạo thành ruộng bậc thang. Việc mở rộng khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang là một hướng đi giúp xoá đói giảm nghèo và phát triển cộng đồng ở vùng nông thôn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số một cách bền vững nhưng vẫn bảo tồn được văn hoá và bảo vệ môi trường sống lẫn môi trường tự nhiên.
Điện Biên là tỉnh có điều kiện địa hình phức tạp, chia cắt, độ dốc lớn. Ngoài cánh đồng Mường Thanh nằm trong khu vực lòng chảo thì các địa phương khác có diện tích đất sản xuất, đặc biệt là đất trồng lúa nước ít, manh mún, nhỏ lẻ. Một số vùng thiếu đất sản xuất, dẫn đến cuộc sống bà con nông dân còn gặp nhiều khó khăn. Xác định rõ vấn đề đó, những năm qua UBND tỉnh Điện Biên đã tích cực chỉ đạo các địa phương tuyên truyền, vận động bà con khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện, nhằm mở rộng diện tích trồng lúa nước với mục tiêu nâng cao năng suất, sản lượng lương thực, ổn định cuộc sống cho nhân dân.
Tỉnh Điện Biên đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành, UBND các huyện triển khai, thực hiện nghiêm túc các chính sách hỗ trợ khai hoang ruộng bậc thang. Quy hoạch, xác định vùng khai hoang ở từng xã, thôn, bản tránh tình trạng khai hoang vào đất rừng hoặc khai hoang vào những nơi không phù hợp điều kiện sản xuất lúa, thiếu nguồn nước. cùng với đó, chỉ đạo Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành Quy trình khai hoang ruộng bậc thang. Nhờ đó, việc khai hoang, phục hóa, tạo ruộng bậc thang trong những năm gần đây được bà con nông dân hưởng ứng nhiệt tình.
Bằng nguồn vốn Chương trình 30a, Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, của Chính phủ, giai đoạn 2015-2017, trên địa bàn tỉnh Điện Biên đã thực hiện khai hoang, phục hóa được 1.383,12ha (trong đó, khai hoang được 1.047,41ha, phục hóa là 335,71ha), với tổng kinh phí là 15.029,98 triệu đồng (nguồn chương trình 30a là 7.227,76 triệu đồng, nguồn vốn theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP là 7.802,22 triệu đồng).
Đối với ruộng bậc thang, từ năm 2014 - 2017, tỉnh Điện Biên khai hoang được 642,18ha, trong đó diện tích đã canh tác được 2 vụ lúa là 430ha, chiếm khoảng 66%; còn lại là diện tích canh tác 1 vụ lúa, 1 vụ hoa màu các loại. Tính riêng chính sách hỗ trợ khai hoang theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, năm 2017, tỉnh Điện Biên tổ chức khai hoang được 115,35ha.
Nhờ làm tốt công tác khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang ở những nơi có điều kiện, cùng với việc kiên cố hóa kênh mương thủy lợi mà diện tích đất trồng lúa từ năm 2014 đến 2017 tăng lên 1.733ha; trong đó diện tích lúa Đông Xuân tăng 238ha, diện tích lúa Mùa tăng 889ha; sản xuất nông nghiệp bền vững, năng suất ổn định, góp phần đưa sản lượng lúa từ 170.557 tấn năm 2014 lên 177.881 tấn năm 2017.
Tuy nhiên, khó khăn chung của toàn tỉnh Điện Biên là quỹ đất thuận lợi để khai hoang trồng lúa còn ít; đa số diện diện tích còn lại độ dốc cao. Cùng với đó, suất đầu tư cho khai hoang lớn(khoảng 100 triệu/1ha), mức hỗ trợ còn thấp trong khi đa số người dân điều kiện kinh tế còn khó khăn nên việc đầu tư để khai hoang ruộng bậc thang còn hạn chế.
Ông Hà Văn Quân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Điện Biên, cho biết: Thời gian tới, cùng với thực hiện các nội dung tái cơ cấu nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và PTNT sẽ tiếp tục chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố ưu tiên nguồn vốn để thực hiện sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi phục vụ cho việc khai hoang, mở rộng ruộng nước ở những khu vực phù hợp. Tăng cường quản lý, tu sửa, nạo vét kênh mương, đảm bảo sử dụng nguồn nước hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả.
Chính sách hỗ trợ khai hoang, phục hóa phù hợp với nguyện vọng của phần lớn người dân ở những địa bàn khó khăn, thiếu đất sản xuất, được nhân dân đồng tình ủng hộ và thực hiện tích cực. Phần lớn diện tích khai hoang, phục hóa đến nay đã được đưa vào sản xuất và phát huy hiệu quả. Khai hoang, phục hóa ruộng bậc thang góp phần giảm diện tích lúa nương, tăng diện tích lúa nước, tăng năng suất, sản lượng trên cùng 1 đơn vị diện tích, đảm bảo tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân, đồng thời góp phần bảo vệ rừng trước nguy cơ bị tàn phá.