Kiên Giang: "Cơn sốt" đất nền “đảo ngọc” Phú Quốc hạ nhiệt

Đất đai - Ngày đăng : 11:07, 11/05/2018

Sau lệnh của UBND huyện Phú Quốc tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất phân lô, tách thửa dưới 500m2, tình trạng sốt đất nền ở “đảo ngọc” Phú Quốc đã hạ nhiệt…

Xã Cửa Dương, Cửa Cạn, Dương Tơ… là những địa phương được cho là “lò lửa” của cơn sốt đất "địa chấn" vừa qua. Vào thời điểm cách nay khoảng 15 ngày, dọc theo tuyến đường Búng Gội, ấp Cây Thông Trong, cây Thông Ngoài (xã Cửa Dương)… không còn tình trạng che lều, đặt võng… làm trạm giao dịch mua bán đất nền như trước.

Anh Bình – một tài xế taxi ở thị trấn Dương Đông, cho biết: “Trước đây có khi một ngày tôi chạy 5-6 cuốc chở khách đi lên xã Cửa Dương, Cửa Cạn mua đất. Còn một tuần nay, chỉ chở được một ông khách nhưng ông này đến xem rồi về vì thấy đất nền chỉ là đất trồng cây lâu năm”.

dAT PQ
Ông Võ Văn Dũng cho biết, khu vực ông sinh sống là đất nông nghiệp nhưng không hiểu sao nhiều người, DN san ủi, phân lô bán nền được?

Ông Võ Văn Dũng - ấp Lê Bát, xã Cửa Cạn, dẫn PV đến một khu đất nông nghiệp được phân lô, xẻ nền nằm cạnh tuyến đường Dương Đông – Cửa Cạn, cho biết: “ Khoảng một tuần nay, tình hình mua bán đất nền khu vực này trở nên yên lặng, không còn cảnh ô tô xe máy tranh mua tranh bán như thời gian trước nữa”.

Theo ông Dũng, dọc tuyến đường này toàn bộ là đất nông nghiệp, đất rừng phòng hộ. Từ năm 2004, toàn bộ hàng trăm ha đất khu vực này nằm trong dự án khu du lịch sinh thái nhưng đến nay không thấy công ty triển khai. Bà con khổ sở vì không sang bán đất, vay ngân hàng để làm ăn gì được… Nhưng chẳng hiểu sao, nhiều doanh nghiệp vào đây sang ủi đất, phân lô bán nền?

Chị H. – một cò đất giàu lên từ nghề môi giới đất, lắc đầu cho biết: “Sau khi báo chí phản ánh tình trạng phân lô bán nền trái pháp luật, có nguy cơ bị thu hồi thì cảnh mua bán không còn xôm tụ như trước nữa. Nhiều cò đất đã bàn tới chuyện học nghề hay mở cửa hàng tạp hóa mua bán sinh sống”.

DAT PQ 2
Tuy nhiên, tại phòng TN-MT huyện Phú Quốc, lúc nào cũng đông nghịt người đến giao dịch.

Ngoài ra, chị H. còn cho biết, cách đây vài ngày, một vài người làm cò đất như chị còn bị công an kinh tế mời làm việc. Nội dung, cán bộ chỉ hỏi thăm việc mua bán đất thế nào, dân nào đến mua, giá đất… rồi cho về.

Nhiều công ty bất động sản ở Phú Quốc cho biết, sau đợt báo chí phản ánh và nhất là từ khi UBND huyện Phú Quốc có lệnh tạm ngưng chuyển đổi mục đích sử dụng đất đối với đất phân lô, tách thửa dưới 500m2, cơn sốt đất giảm hẳn. Tuy nhiên, giá đất không giảm, người rao bán đất rất nhiều, nhưng người mua thì ít.

Theo ghi nhận của PV Dân trí, dọc tuyến đường Dương Đông – Cửa Cạn, các tuyến đường Búng Gội, ấp Cây Thông Trong, Cây Thông Ngoài, giá đất nền vẫn dao động từ 700 -1,2 tỷ đồng/nền, diện tích từ 90 -150m2. Tất cả các loại đất này đa phần là đất nông nghiệp, đất trồng cây lâu năm…

Dù tại các điểm nóng – các khu đất nền không còn nóng nhưng ghi nhận của PV Dân trí tại Phòng Tài nguyên - Môi trường và hai phòng công chứng số 1 và số 2 ở Phú Quốc, tình trạng quá tải tại các cơ quan này chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Cuối năm 2017, kết quả rà soát của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Kiên Giang về việc kiểm tra, rà soát các dự án đầu tư xây dựng và việc tách thửa các lô đất của tổ chức, cá nhân trên địa bàn xã Cửa Dương, Gành Dầu, Cửa Cạn, Dương Tơ và Hàm Ninh (huyện Phú Quốc) cho thấy, đoàn kiểm tra đã phát hiện hàng trăm công trình của cá nhân, tổ chức thực hiện không đúng các quy định của pháp luật xây dựng. Trong đó, có đến trên 90% công trình nhà ở riêng lẻ không có giấy phép xây dựng, không phù hợp với quy hoạch xây dựng...

Riêng 3 tháng đầu năm 2018, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang và huyện Phú Quốc đã phát hiện hơn 50 tổ chức và cá nhân xây dựng trái phép 540 công trình trên “đảo ngọc”. Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang ban hành 6 quyết định xử phạt vi phạm hành chính hơn 318 triệu đồng, buộc tháo dỡ 4 công trình.