Ninh Bình: Doanh nghiệp thuê đất cùng sản xuất

Đất đai - Ngày đăng : 11:11, 11/05/2018

(TN&MT) - Theo Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình, những năm qua, việc tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã diễn ra với các hình thức và bước đi khá...
(TN&MT) - Theo Sở TN&MT tỉnh Ninh Bình, những năm qua, việc tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình đã diễn ra với các hình thức và bước đi khá đa dạng và sáng tạo, cần được nghiên cứu, tổng kết, đánh giá, từ đó xây dựng các mô hình phổ biến và nhân rộng.
Ninh Bình Doanh nghiệp thuê đất cùng sản xuất
Tích tụ, tập trung ruộng đất trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cần xây dựng các mô hình phổ biến và nhân rộng. Ảnh: MH
Theo Sở TN&MT, thời gian qua, trên địa bàn đã có một số hình thức tích tụ, tập trung ruộng đất đó là: “Dồn điền - Đổi thửa”: Là hình thức phổ biến ở nước ta. “Dồn điền - Đổi thửa” đã tạo ra những thửa ruộng lớn của cùng một hộ gia đình, cá nhân, tiện cho canh tác. Tính đến nay, tỉnh đã tiến hành 2 lần “Dồn điền - Đổi thửa” kết quả lớn nhất là người nông dân đã tự nguyện hiến một phần đất để chỉnh trang đồng ruộng (nâng cấp bờ vùng, bờ thửa, kênh mương…) thuận lợi cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất và cũng đã làm giảm số thửa đất sản xuất nông nghiệp trung bình của một hộ gia đình từ 4 thửa xuống còn 2 thửa.
 
Góp ruộng đất là hình thức tích tụ, tập trung đất đai thông qua việc những người nông dân tự nguyện góp đất cùng tiến hành tổ chức sản xuất, kinh doanh và cùng hưởng lợi thành quả sản xuất. Cũng có thể là người nông dân góp đất, góp vốn, công sức vào trang trại, doanh nghiệp và được hưởng lợi nhuận theo quy chế thỏa thuận, phù hợp với pháp luật của Nhà nước (thông thường theo tỷ lệ góp đất, góp vốn). Người nông dân được quyền thể hiện ý kiến thông qua bầu Ban Lãnh đạo trang trại, doanh nghiệp. Đây có thể được coi là mô hình Tổ hợp tác. Mô hình này trên địa bàn tỉnh Ninh Bình cũng đã có nhưng chưa nhiều.
 
Nhận chuyển nhượng (mua) hoặc thuê ruộng đất, nông dân chuyển nhượng, thuê đất của nhau để mở rộng quy mô sản xuất, hoặc doanh nghiệp nhận chuyển nhượng, thuê lại ruộng đất của nông dân. Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn được tiến hành theo thỏa thuận thông qua thị trường chuyển nhượng đất đai. Nhưng đối tượng nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp để sử dụng vào mục đích nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất ít (xã Gia Phương, huyện Gia Viễn; xã Văn Hải, huyện Kim Sơn…).
 
Trên địa bàn tỉnh chủ yếu, tập trung, tích tụ đất đai dưới hình thức doanh nghiệp thuê đất nông nghiệp của các hộ gia đình, cá nhân để sản xuất nông nghiệp được địa phương đánh giá là giải pháp tối ưu nhất, nông dân được hưởng lợi nhiều nhất. Hình thức trả tiền thuê ruộng có thể theo từng vụ, từng năm hoặc cho cả thời gian thuê để bảo đảm thuận tiện cho cả người thuê và người cho thuê.
 
Theo đó, thời gian cho thuê được thỏa thuận ổn định (thường là 5 - 10 năm) để người thuê có thời gian bỏ vốn, đầu tư, triển khai áp dụng các kỹ thuật mới trong sản xuất. Khi Nhà nước thu hồi hoặc chuyển mục đích sử dụng đất, bên thuê sẽ hưởng tiền đền bù hoa lợi, bên cho thuê được hưởng tiền đền bù giá trị quyền sử dụng đất, tiền hỗ trợ tạo việc làm, ổn định đời sống theo quy định chung.
 
Do đó, phương thức thuê đất trực tiếp của người nông dân là ưu việt hơn cả, bởi đối với người có ruộng cho thuê sẽ được: Thu nhập cho thuê ruộng bằng thu nhập mà mình trực tiếp sản xuất trước đây mà không phải bỏ công sức, giống vốn đầu tư; cái quan trọng là không bị mất đất, mất đi cái “bảo hiểm trọn đời cho con cháu” vẫn có ruộng đất “phòng cơ”; không phải đầu tư vào nông nghiệp, chuyển vốn sang đầu tư các lĩnh vực khác và người nông dân vẫn có thể trực tiếp làm nghề nông trên ngay mảnh đất của mình - nếu yêu, gắn bó với đồng ruộng có thể làm thuê cho người thuê ruộng của mình để lấy công hoặc chuyển sang làm dịch vụ, thương mại, công nhân.
 
Đối với doanh nghiệp thuê đất sản xuất nông nghiệp cũng được hưởng lợi, có cơ hội tốt là có đất để sản xuất hàng hóa nông sản mà nhu cầu xã hội đang cần; có đất rộng để đưa cơ giới hóa, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến nhất của thế giới vào sản xuất, làm giảm giá thành, hình thành nên quy mô hàng hóa lớn, đủ tiêu chuẩn để hội nhập.