Bình Định: Rừng trong lòng phố

Đất đai - Ngày đăng : 18:16, 03/05/2018

(TN&MT) - Rừng ngập mặn ven đầm Thị Nại trên địa bàn TP Quy Nhơn không chỉ được xem như là tấm bình phong vững chãi chở che con người trước cơn thịnh nộ của thiên tai mà còn góp phần cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, để có thêm nhiều hơn nữa những cánh rừng ngập mặn, cần phải có sự chung sức của cả cộng đồng.
bd1
Những ngôi nhà ven đầm Thị Nại ở phường Nhơn Bình được bao bọc xung quanh những khu rừng đước

Theo Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại, trên địa bàn TP Quy Nhơn, hiện có hơn 12ha rừng ngập mặn (RNM) được trồng, phát triển xanh tốt, tập trung chủ yếu ở 2 phường Nhơn Bình và Đống Đa. Hầu hết, diện tích RNM này được trồng qua nguồn kinh phí hỗ trợ từ Dự án Nâng cấp hệ thống đê và trồng RNM ứng phó với biến đổi khí hậu với diện tích hơn 7ha, do Ban quản lý Dự án NN&PTNT làm chủ đầu tư và công trình trồng RNM thuộc Dự án “lá chắn xanh” với diện tích 5ha do Văn phòng Điều phối về biến đổi khí hậu tỉnh làm chủ đầu tư. Sau thời gian trồng, những rừng bần, mắm và đước sinh trưởng, phát triển tốt. Màu xanh của RNM đã trở lại trên dải đất ven đầm Thị Nại này.

bd2
Sau hơn 5 năm thự hiện trồng RNM thuộc Dự án “lá chắn xanh”, màu xanh RNM ở phường Nhơn Bình đã trở lại

“Bức tường xanh” chắn sóng

Với vị trí địa lý tiếp giáp với khu vực đầm Thị Nại; vì thế, trước đây, mỗi khi mùa mưa lũ đến người dân sống ven đầm thuộc 2 phường Đống Đa và Nhơn Bình (TP Quy Nhơn) luôn phải sống chung với cảnh triều cường, nhiều diện tích đất nông nghiệp, các khu nuôi trồng thủy sản bị tàn phá, cuốn trôi. Nhưng nhờ hưởng lời từ nhiều dự án, trong đó có dự án khôi phục, trồng RNM, đến nay, màu xanh RNM nơi đây đã trở lại.

Ông Ngô Thanh Hoàng Song, Giám đốc Ban quản lý Khu sinh thái Cồn Chim - đầm Thị Nại, đánh giá: “Trước đây, những cánh RNM ở ven đầm Thị Nại qua 2 phường Nhơn Bình và Đống Đa bị xâm hại khá nhiều do quá trình nuôi tôm của người dân. Song, thời gian gần đây, RNM đã hồi phục xanh tốt. Bên cạnh các giá trị về đa dạng sinh học, RNM nơi đây còn đóng vai trò quan trọng trong việc điều hoà khí hậu, hạn chế bão lũ, triều cường. RNM có khả năng hạn chế xâm nhập mặn và bảo vệ nước ngầm”.

Theo ông Song, RNM đang đóng vai trò rất quan trọng, nhất là đối với các địa phương ven biển nói chung và TP Quy Nhơn nói riêng. Rừng đã và đang giúp cư dân giữ đất, chống xói lở, bảo vệ hệ sinh thái. Đồng thời, góp phần xử lý chất thải. RNM ven đầm Thị Nại phát triển xanh tốt là cơ sở để các loài sinh vật sinh trưởng một cách tự nhiên, tạo nên một quần thể đa dạng. Một trong những yếu tố giúp RNM phát triển là nhờ sự chuyển biến về ý thức của người dân, sự vào cuộc nghiêm túc của chính quyền các cấp. Bên cạnh đó, sự chung tay bảo vệ của các doanh nghiệp hoạt động du lịch tại đây cũng đã góp phần hồi sinh RNM nơi đây.

bd3
RNM ven đầm Thị Nại ở TP Quy Nhơn được xem như là tấm bình phong vững chãi chở che con người, góp phần cải thiện môi trường, chống biến đổi khí hậu

“Điểm tựa” cuộc sống mưu sinh của cư dân

Qua khỏi cầu Hà Thanh 1 trên đường Quy Nhơn - Nhơn Hội, nhìn về phía đầm Thị Nại, mọi người có thể thấy ngay màu xanh bạt ngàn của RNM đang soi bóng nước. Anh Trần Hoàng Minh - chủ một hồ tôm rộng gần 1ha có 3 mặt tiếp giáp với đầm Thị Nại, ở phường Nhơn Bình - cho biết: “Mỗi mùa nuôi tôm trước đây, tôi bỏ ra chục triệu đồng để đắp lại các bờ bao do sóng đánh vỡ. 5 năm gần đây, các “bờ kè” cây mắm, đước khép tán, rễ mọc ken dày, đã giảm thiểu đáng kể tình trạng sạt lở. Ngoài ra, các loại cây này còn tạo bóng mát và có nơi trú ẩn cho tôm cá”.

Một số chủ bờ tôm, ao đìa ở phía Nam cầu Thị Nại thuộc phường Đống Đa còn tận dụng “rừng” đước của mình để làm du lịch sinh thái. Mùa hè, khách có thể đến đây câu cá (trong hồ nuôi hoặc ngoài đầm), thưởng thức các loại hải sản tươi sống tại các “nhà hàng sạp gỗ” ngay trong khu RNM. Các bờ bao dưới tán đước còn được các chủ vườn đước đặt các sạp gỗ và mắc võng làm nơi nghỉ ngơi cho du khách. Gió nồm mát rượi từ đầm Thị Nại cứ thế thổi về,...

Nhận thức được vai trò quan trọng và những lợi ích RNM mang lại nên khoảng 10 năm nay, cư dân sống ven đầm Thị Nại đã quan tâm bảo vệ những diện tích RNM. RNM vì thế cũng bảo vệ đê, đời sống và phục vụ nhu cầu nuôi trồng thủy sản cho người dân. Chưa kể, các khu rừng bần, đước ngập mặn dọc đầm Thị Nại còn góp phần rất tích cực vào việc cải tạo độ phì nhiêu cho đất, bảo vệ nguồn gen và đa dạng sinh học, nâng cao năng lực phòng ngừa và ứng phó với thiên tai.
 

bd4
Nhiều “nhà hàng sạp gỗ” được dựng giữa khu RNM để phát triển du lịch sinh thái

Cần duy trì, phát triển rừng ngập mặn

Tuy vậy, thời gian gần đây, một số diện tích RNM ở phường Nhơn Bình có biểu hiện bị xâm hại sau khi một số dự án nằm phía Bắc cầu Thị Nại được triển khai. Thực tế cho thấy với sự phát triển nhanh chóng của kinh tế - xã hội địa phương, việc tác động đến RNM là không thể tránh khỏi. Điều cốt yếu là trước khi triển khai các dự án về kinh tế, nhất là trong lĩnh vực du lịch ở những nơi gần RNM, cần phải được tính toán kỹ lưỡng, đặc biệt là khâu đánh giá tác động môi trường. Bên cạnh đó, Nhà nước cần phải hoàn thiện quy định về quản lý và quy hoạch RNM, nhưng mặt khác, cần huy động sự tham gia và đóng góp của cộng đồng dân cư và các bên liên quan vào việc bảo tồn, phát triển quản lý và khai thác sử dụng RNM.

Theo Sở TN-MT Bình Định, giá trị RNM là rất lớn, trong khi ở tỉnh ta diện tích RNM còn không nhiều nên cần phải bảo tồn nhằm phục hồi, bảo vệ. “RNM vừa tạo cảnh quan, vừa làm trong lành môi trường, tạo ra sự đa dạng sinh học. Mặt khác, nó cũng là nền tảng để phát triển du lịch và nuôi trồng hải sản bền vững cho thành phố biển Quy Nhơn”, ông Đặng Trung Thành, Giám đốc Sở TN-MT Bình Định, nhận xét.

RNM với các loại cây: sú, mắm, vẹt, đước, bần,… đóng vai trò quan trọng trong việc điều hòa khí hậu. Hệ rễ của cây ngập mặn góp phần làm giảm tốc độ dòng chảy của thủy triều, chống sạt lở, bảo vệ vùng ven bờ; là nơi sinh sản và trú ẩn của nhiều giống loài thủy hải sản có giá trị kinh tế cao. RNM còn có giá trị cải tạo môi trường nước, làm phân hóa các chất hữu cơ lắng đọng. Nếu như dưới tán rừng ngập mặn là cá, tôm,… thì trên tán rừng có các loài chim, thú,… có yếu tố quan trọng trong việc góp phần bảo vệ và tái tạo đa dạng sinh học.