Thái Nguyên: Người dân hoang mang vì sụt lún đất núi Tán

Đất đai - Ngày đăng : 17:23, 29/04/2018

(TN&MT) - Theo nguồn tin từ cơ sở, một vết nứt kéo dài khoảng 1km, kèm theo sụt lút đất đã được người dân địa phương phát hiện trên đỉnh núi Tán, thuộc khu vực giáp ranh 3 xã Cù Vân, Hà Thượng, Phục Linh huyện Đại Từ. Vết nứt lớn kèm sụt lún nằm cách khu dân cư không xa. Nhiều người dân địa phương đang hoang mang, lo lắng mất an toàn tính mạng và tài sản bởi ngu cơ sạt trượt núi có thể xảy ra trong mùa mưa lũ bất cứ lúc nào.
1
Ông Nguyễn Văn Mạnh ở xóm 3, xã Cù Vân, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đang chỉ vết nứt, sụt lún đất trên đỉnh núi Tán.

 

2
Một vị trí rãnh nứt, sụt đất sâu khoảng 2m so với bề mặt núi Tán.

Sau khoảng 1h leo núi, theo chân người dân địa phương, chúng tôi đến được địa điểm người dân phát hiện ra vết nứt kèm theo sụt lún đất. Vết nứt xảy ra tại khu vực đỉnh Núi Tán, nơi giáp danh của 3 xã Cù Vân, Hà Thượng, Phục Linh huyện Đại Từ. Ông Nguyễn Văn Mạnh ở xóm 3, xã Cù Vân là người đầu tiên phát hiện ra việc sụt lún cũng chính là chủ nhân khu rừng keo nằm trên đỉnh núi này.

3 (1)
Một khe nứt dài và có hố sụt không đáy trên đỉnh núi Tán.

 

5
Rừng keo sản xuất của gia đình ông Vũ Văn Công, xóm Cẩm 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ bị đổ ngả nghiêng tự nhiên.

Theo ông Mạnh cho biết: “Vào khaỏng tháng 6/2017, khi gia đình tôi thu hoạch rừng keo và rọn bãi để trồng mới thì phát hiện nhiều khe nứt, hố sụt lớn không thấy đáy. Vết nứt lớn nhất kéo dài hơn 1km chạy dài dọc từ phía Bắc đến phía Nam núi Tán. Diễn tích khu vực sụt lún đất rộng khoảng 5000m2. Từ bề mặt đỉnh núi đã tụt xuống khoảng 2m. Đó là không tính những khe nứt, hố sụt sâu riêng lẻ. Điều này khiến gia đình tôi rất lo lắng khi canh tác trên khoảnh rừng này. Ngay sau khi phát hiện ra sụt lún đất, tôi có báo tin đến chính quyền địa phương nhưng đến nay chưa thấy động thái gì ngoài việc cắm vài chiếc biển cảnh báo khu vực nguy hiểm ở vùng bìa rừng. Tôi đề nghị chính quyền và ngành chức năng của tỉnh sớm vào cuộc xác định rõ nguyên nhân công khai để người dân yên tâm phòng tránh sạt núi cũng như yên tâm sinh sống, sản xuất.”
 

Từ khi phát hiện đến nay, hiện tượng, rạn nứt, sụt lún đất trên đỉnh núi Tán vẫn phát triển mở rộng sang sườn phía đông bắc nhưng chậm hơn. Theo dấu vết các vết nứt ra nhiều phía, chúng tôi đã chứng kiến hiện tượng rất lạ là 2ha rừng keo chưa thu hoạch của gia đình ông Vũ Văn Công, xóm Cẩm 1, xã Phục Linh, huyện Đại Từ đổ ngả nghiêng tự nhiên như bị đánh sóng đất. Bởi rất nhiều cây keo 5m bị đánh bộc gốc lên khỏi mặt đất mặc dù gia đình ông công đã có buộc dây chằng néo cẩn thận. Theo ông Vũ Văn Công cho biết: “Mới đây, gia đình lên thăm bãi keo đến tuổi thu hoạch thấy cây đổ nhiều hơn. Điều lạ là nhiều vết nứt rịa chân chim mở rộng khắp bãi cây và có hướng kéo về phía moong than Phấn Mễ sâu hơn 200m. Người dân quanh vùng rất lo lắng vì mưa to, nước lớn đều chảy hết xuống rãnh, xuống hố sụt. Nguy cơ sạt trượt núi có thể xảy ra sẽ đe dọa khu dân cư ở chân núi Tán.”

Ngay sau khi được người dân địa phương thông báo, ngày 26/9/2017 đoàn kiểm tra liên ngành do Sở TN&MT chủ trì đã tiến hành kiểm tra và ghi nhận việc sụt lún đỉnh Núi Tán. Biên bản nêu rõ: “Hệ thống các vết nứt phát triển chủ yếu theo hướng Đông Bắc- Tây Nam. Vết nứt lớn nhất dài khoảng 1000 mét, một phần diện tích ở đỉnh núi đã sụt lún rộng khoảng 6000 m2, một số vị trí lún sâu đến 2m. Khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng gồm các xóm 3,4 xã Cù Vân, xóm Cẩm 1 xã Phục Linh và xóm 1 xã Hà Thượng”.

Ông Phạm Quang Bình, Chủ tịch UBND xã Cù Vân, huyện Đại Từ, Thái Nguyên cho biết: “Hiện tượng sụt lún, nứt đất núi Tán là có thật. Chính quyền địa phương đã có kiểm tra thực tế, báo cáo cấp trên rồi. Việc xác định nguyên nhân gây sụt lún là rất cần thiết. Chính quyền xã đã làm biển cắm đầu đường lên rừng để cảnh báo người dân không đưa gia súc lên chăn thả vùng sụt lún. Người làm nương bãi phải chủ động đề phòng tai nạn do sụt đất gây nên. Đồng thời đưa vào phương án phòng chống thiên tai của xã để chủ động ứng cứu khi sự cố xảy ra.”

7
Chính quyền xã Cù Vân cắm biển cảnh báo khu vực sụt lún đất, nguy hiểm trên núi Tán.

 
Cũng theo xác định của đoàn kiểm tra liên ngành, khu vực xảy ra sụt lún thuộc phạm vi cấp phép quy hoạch của mỏ than Phấn Mễ.  Mặc dù vị trí khai thác nằm ở khá xa khu vực sụt lún bởi nơi gần nhất cách khoảng 230 mét, song Mỏ than Phấn Mễ cũng đã tích cực phối hợp với các cấp các ngành để xác định nguyên nhân và xây dựng phương án khắc phục.

Ông Hoàng Hải Dương, Trưởng phòng Kỹ thuật – An toàn, Mỏ than Phấn Mễ đã khẳng định: “Mỏ than Phấn Mễ đã lập phương án, lên kế hoạch phòng chống thiên tai mùa mưa bão năm 2018, trong đó có sự phối hợp với chính quyền địa phương và ngành chức năng rất chặt chẽ để đề phòng mọi sự cố trong khu vực mỏ đang hoạt động khai thác. Việc nứt đất trên núi Tán cần được các cơ quan bộ tài nguyên, tỉnh Thái Nguyên khẩn trương vào cuộc xem xét, nghiên cứu, xác định nguyên nhân rõ ràng để công bố công khai với dân. Mỏ có hoạt động khai thác than một phần dưới chân núi Tán nhưng đảm bảo không ảnh hưởng gì đến kết cấu địa chất của khu vực này. Theo tài liệu và thông tin để lại, trước đây, thời kì Pháp thuộc đã xảy ra hoạt động khai thác than bằng hầm lò ở khu vực làng Cẩm dưới chân núi Tán. Hiện nay vẫn còn nhiều giếng đứng sâu hàng trăm met… ”

 

8
Một khu khai thác than của mỏ than Phấn Mễ dưới chân núi Tán.

Theo thông tin của ông Dương, chúng tôi đã đến xóm Cẩm 3 để tìm hiểu về cửa lò than được đào từ thời Pháp thuộc khoảng 100 năm trước đây. Những cửa giếng đứng sâu từ 100m đến 150m vẫn còn nguyên vẹn. Từ cửa lò này sẽ tạo các đường hầm sâu vào lòng đất hàng trăm mét theo đường đi của các vỉa than. Cũng theo ông Hoàng Hải Dương Trưởng phòng Kỹ thuật – An toàn, Mỏ than Phấn Mễ chia sẻ thì hiện mỏ cũng không giữ lại được tài liệu bản đồ khai thác hầm lò của Pháp nên không biết họ có đào than chạy vào núi Tán hay không. Nếu mà trước đây, họ đã đào than vào núi Tán thì rất có thể do trải qua hàng trăm năm và có sự biến động địa chất dẫn đến sụt lún, nứt rạn trên bề mặt núi Tán. Đây mới chỉ là suy đoán chưa có cơ sở chính xác.
 

Mới đây, Văn phòng thường trực Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên cùng chính quyền địa phương đã đến hiện trường kiểm tra thực tế tình trạng sụt, lún nứt đất bất thường tại núi Tán. Tuy nhiên theo cơ quan này cho biết, để xác định rõ được nguyên nhân gây sụt lún rất cần được sự vào cuộc của bộ ngành liên quan. Có xác định được nguyên nhân chính thức mới có thể xem xét trách nhiệm và phương án hỗ trợ di rời khi cần thiết. Trước mắt, Văn phòng thường trực đã có phương án cảnh báo và kế hoạch phòng chống sụt sạt đất trong mùa mưa bão năm nay.
 

Dưới chân núi Tán là hàng chục hộ dân đang sinh sống. Việc trên đỉnh núi Tán có vết nứt to, dài hơn 1km đang như một mối đe dọa tính mạng, tài sản đang ngày đêm rình rập người dân nơi đây. Do vậy, rất cần sự tích cực có trách nhiệm của chính quyền tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan chuyên môn liên quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm vào cuộc làm rõ nguyên nhân và xử lí sớm tránh tai nạn rủi ro cho nhân dân.