Di dân ra khỏi Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu
Đất đai - Ngày đăng : 15:02, 21/03/2018
(TN&MT) - Theo thống kê, hiện còn 760 hộ dân đang sống và sử dụng đất rừng trong khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) khiến cho việc quản lý rừng gặp nhiều khó khăn. Di dời toàn bộ các hộ dân này ra khỏi khu bảo tồn là chủ trương lớn của tỉnh BR-VT nhằm ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, đồng thời thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, trồng mới và khôi phục rừng tự nhiên của khu bảo tồn.
ĐẤT RỪNG BỊ LẤN CHIẾM
Khu bảo tồn thiên nhiên Bình Châu – Phước Bửu (KBTTN BC-PB) có tổng diện tích khoảng 10.366,18 ha chia làm 3 phân khu: Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt (5.017ha); phân khu phục hồi sinh thái (5.286,37ha) và phân khu dịch vụ hành chính (62,81ha). Qua điều tra, thống kê của BQL Khu bảo tồn, UBND các xã Bình Châu, Bưng Riềng, Bông Trang, Phước Thuận và Chi cục Kiểm lâm cho thấy diện tích đất rừng các hộ dân đã sản xuất, lấn chiếm từ trước năm 1978 đến năm 2014 là 1.668,77 ha với 760 hộ. Diện tích đất bị lấn chiếm chủ yếu nằm trong phân khu phục hồi sinh thái, người dân chủ yếu dùng đất rừng để trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày như tiêu, điều, tràm… và một số loại cây ăn trái.
Ông Nguyễn Đăng Quan, Phó Giám đốc KBTTN BC-PB cho biết, tình trạng người dân vào khu bảo tồn để chặt phá cây rừng, chiếm đất canh tác đã diễn ra thường xuyên, liên tục trong nhiều năm qua làm cho diện tích rừng và đất lâm nghiệp bị suy giảm nghiêm trọng. Thời gian gần đây, tình trạng đó vẫn còn diễn ra, nhưng đa số diện tích các hộ dân vào chặt phá cây rừng, lấn chiếm đất rừng đều là những diện tích đã chặt phá, chiếm trước đây đến nay vào để tái chiếm canh tác.
Đi sâu vào trong rừng, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng vì ngoài những chòi dựng tạm trong rừng để trông coi cây trồng còn có cả những ngôi nhà kiên cố, rộng rãi được xây dựng trong rừng phòng hộ bị người dân bao chiếm. Cán bộ của KBTTN BC –PB cho biết, hiện nay trong khu bảo tồn có 120 căn nhà ở đã xây dựng trên diện tích 4.328m2 trong đó có 26 nhà kiên cố, còn lại là nhà tạm.
Anh Phan Văn Thành hiện có 6ha đất ở ấp 4, xã Bưng Riềng nằm trong địa phận của KBTTN BC – PB đang trồng điều, tràm và lúa. Trên diện tích này, năm 1992, anh Thành dành gần 160m2 để xây nhà bằng tường gạch kiên cố. Phía sau nhà là cả một trang trại với đủ loại vật nuôi như gà, vịt, heo… Anh Thành cho biết, anh từ Tây Ninh về đây tiếp nhận phần đất này từ thời ông bà nội khai hoang từ khoảng 40 năm trước. Hiện gia đình anh có 5 người sinh sống và ở hẳn trong rừng. Theo anh Thành, toàn bộ diện tích đất này là chỗ ở và cũng là “nồi cơm” của cả gia đình.
Theo KBTTN BC-PB, nhiều hộ dân nằm trong diện lấn chiếm đất rừng nhưng khi hỏi hộ nào cũng tự nhận là đất khai phá từ trước năm 1975 hoặc đất từ đời cha, đời ông để lại. Gia đình bà Đặng Thị Bình ở ấp Thèo Nèo, xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc hiện đang canh tác trên 2,2ha diện tích đất rừng của Khu Bảo tồn để trồng mì. Theo bà Bình, đây là đất của cha ông khai phá, đến đời con cháu, bà vẫn tiếp tục sản xuất trên mảnh đất này là không có gì vi phạm. Khi được hỏi nguồn gốc về mảnh đất, bà Bình nói: “Trước giải phóng, chúng tôi đã vào rừng làm rồi nên đất này là đất của chúng tôi”.
DI DỜI DÂN ĐỂ BẢO VỆ RỪNG
Phân tích những nguyên nhân dẫn đến tình trạng lấn chiếm đất rừng, theo KBTTN BC-PB, khu vực tiểu khu 22, 23 và 24 (tiếp giáp xã Bình Châu, Bưng Riềng) trước đây quy hoạch là rừng sản xuất và do Lâm trường Xuyên Mộc (nay là Công ty TNHH MTV Lâm Nghiệp BR-VT) quản lý. Thời điểm đó đã có nhiều hộ dân canh tác, sử dụng làm nhà hoặc làm chòi để ở. Sau khi quy hoạch thành đất rừng đặc dụng và bàn giao cho BQL KBTTN BC-PB quản lý theo Quyết định số 1124/QĐ-UBND ngày 10-11-1992 của UBND tỉnh BR-VT, từ đó đến nay người dân vẫn ra vào chăm sóc, thu hoạch sản phẩm. Lợi dụng tình hình này, một số đối tượng đã chặt phá cây rừng, lấn chiếm và mở rộng thêm diện tích. Một số khu vực trước đây có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống (chủ yếu là dân tộc Châu Ro). Họ sống theo tập tục du canh, du cư phá rừng làm nương rẫy, sau khi các hộ đồng bào dân tộc thiểu số di dời ra khỏi rừng thì một số hộ dân đi xây dựng kinh tế mới vào những khu vực này để khai hoang, phục hóa (có những hộ được chính quyền địa phương cấp giấy cho phép). Một phần diện tích thuộc tiểu khu 22 trước đây là khu vực giáp ranh giữa 2 tỉnh BR-VT và Bình Thuận nên UBND huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đã cấp GCNQSDĐ cho một số hộ dân, dẫn tới việc ngày càng nhiều các hộ dân vào rừng chiếm đát canh tác.
Trước những khó khăn, bất cập trong việc quản lý rừng, đặc biệt là tình trạng lấn chiếm đất rừng ngày càng khó kiểm soát, ngày 12-3-2018, UBND tỉnh đã có tờ trình số 26/TTr-UBND gửi HĐND tỉnh về đề án “Ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại KBTTN BC-PB giai đoạn 2018-2022” với tổng kinh phí thực hiện đề án dự kiến là hơn 894 tỷ đồng. Đồng chí Lê Tuấn Quốc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, mục tiêu của đề án là di dời các hộ dân đang sinh sống, sử dụng đất ổn định, sử dụng đất lấn chiếm trong KBTTN BC –PB ra khỏi rừng để ngăn chặn, khắc phục cơ bản tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, phát huy chức năng bảo tồn rừng tự nhiên ven biển, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời thu hồi diện tích đất rừng bị lấn chiếm, trồng mới 1.200ha rừng và khôi phục rừng tự nhiên của KBTTN BC-PB.
Theo đề án này, giải pháp quan trọng để di dời dân ra khỏi khu bảo tồn là hỗ trợ đào tạo việc làm, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm cho những đối tượng có liên quan đến việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng. Đối với các hộ đã nhận khoán, để quản lý bảo vệ và phát triển rừng thì phải thực hiện trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng theo sự hướng dẫn của BQL KBT. Đối với các hộ dân đã sản xuất, lấn chiếm đất rừng để canh tác được xử lý hỗ trợ đất, cây trồng tùy theo từng thời điểm họ sử dụng đất rừng. Trong đó, đối với diện tích đất do các hộ đã sử dụng ổn định từ trước ngày 26-5-1978 (được xem là hợp pháp) thì Nhà nước có định hướng hỗ trợ 100% khi di dời ra khỏi rừng. Theo đó, tỉnh có chính sách hỗ trợ về đất ở và tiền thuê nhà cho nhà cho các hộ dân sử dụng đất rừng từ ngày 13-5-1978 đến ngày 1-7-2004. Nếu hộ dân nào không nhận đất ở thì sẽ nhận tiền mặt với đơn giá 492.000 đồng/m2 theo Quyết định 65/2014/QĐ-UBND tỉnh ngày 19-12-2014. Riêng những trường hợp lấn chiếm đất rừng từ năm 2015 đến nay thì không được hỗ trợ kể cả đất và cây trồng mà buộc họ phải di dời ra khỏi diện tích rừng thuộc quản lý của KBT. “Nếu kỳ họp HĐND tỉnh tới đây đề án được thông qua thì dự kiến quý II-2018 việc di dời dân ra khỏi rừng sẽ được thực hiện. Khi tiến hành di dời, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng đo đạc, thẩm tra nguồn gốc đất, diện tích canh tác, kiến trúc, cây trồng… trên đất để có chính sách hỗ trợ hợp tình hợp lý. Những hộ nào không đồng tình, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động… chấp hành; nếu không thực hiện mới áp dụng đến các biện pháp chế tài theo quy định”, ông Trần Văn Quan cho biết.
Trong khi đó, những hộ dân hiện đang có sinh sống và sản xuất trong rừng phòng hộ thì cho rằng, nếu đó là chủ trương của tỉnh thì họ sẽ chấp hành. “Tuy nhiên, chúng tôi cần có những chính sách bồi thường và hỗ trợ thỏa đáng. Đặc biệt là tạo công ăn việc làm cho chúng tôi khi ra khỏi rừng”, ông Hoàng Di An (ấp Láng Gân, xã Bình Châu) nói.
Ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết: "Một trong những nội dung quan trọng của việc di dời dân ra khỏi khu bảo tồn là bố trí chỗ tái định cư cho người dân. Do đó, Sở NN-PTNT sẽ tập phối hợp cùng các sở, ngành và địa phương liên quan tiến hoàn thực hiện các nội dung để hoàn thành thủ tục triển khai xây dựng khu tái định cư tại địa điểm đã được chọn là 10ha ấp 4, xã Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc). Khi bảo đảm có chỗ ở ổn định thì mới tiến hành di dời người dân ra khỏi rừng. Và có như thế mới tiến hành được các giai đoạn tiếp theo trong lộ trình ngăn chặn, khắc phục tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng KBTTN BC-PB đến năm 2020".
Còn ông Đặng Thanh Minh, Chủ tịch UBND huyện Xuyên Mộc cho rằng: "Để giải quyết những khó khăn trên, tạo thuận lợi trong việc quản lý rừng thì phải di dời hết toàn bộ dân ra khỏi diện tích thuộc quản lý của KBTTN BC-PB. Theo tôi, nếu hỗ trợ bằng tiền cho các hộ dân thì có thể sau khi sử dụng hết số tiền được hỗ trợ các hộ dân lại tái chiếm. Do đó, tỉnh cần nghiên cứu phương án xem xét đúng đối tượng được hỗ trợ thì nên giao đất cho các hộ dân nhằm giúp họ ổn định sản xuất sau khi di dời họ ra khỏi rừng. Đồng thời, sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế để trồng rừng trên những diện tích bị lấn chiếm sau khi đã hỗ trợ di dời"./.