Hậu Giang: Hàng ngàn hecta đất sản xuất nông nghiệp đang bị thoái hóa

Đất đai - Ngày đăng : 15:28, 10/03/2018

(TN&MT) - Theo các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua xuất phát từ các hoạt động cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, lạm dụng sử dụng...

 

(TN&MT) - Theo các cơ quan chức năng tỉnh Hậu Giang, trong thời gian qua xuất phát từ các hoạt động cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, lạm dụng sử dụng phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật,... trong trồng trọt đã làm cho phần lớn diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Hậu Giang bị thoái hóa, ảnh hưởng không nhỏ đến năng suất, chất lượng cây trồng.
 

chú thích ảnh nông dân hậu giang đang phun xịt thuốc diệt trừ sâu bệnh trên cây lúa
 Việc người dân sử dụng ngày càng nhiều thuốc bảo vệ thực vật đã góp phần làm cho diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị thoái hóa.

 

Trong tổng diện tích 81.414,52ha đất chuyên trồng lúa nước của tỉnh tỉnh Hậu Giang thì chỉ có 0,15% diện tích là không bị thoái hóa, còn lại thoái hóa nhẹ chiếm 20,86%, thoái hóa trung bình chiếm 48,54%; thoái hóa nặng chiếm 30,45%...
 

Không chỉ có đất trồng lúa mà đất trồng cây hàng năm, cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản cũng đang bị thoái hóa. Cụ thể, trong tổng diện tích trên 13.800ha đất trồng cây hàng năm được điều tra thì hơn 11% diện tích đất bị thoái hóa nặng; đất bị thoái hóa nhẹ chiếm 59,08%, thoái hóa trung bình chiếm 32,22%; đất không bị thoái hóa chỉ chiếm 0,02%. Đối với đất trồng cây lâu năm, trong tổng số 40.753,11ha đất được điều tra thì tỉ lệ diện tích đất không bị thoái hóa là 11,17%, diện tích đất bị thoái hóa nhẹ chiếm 44,94%, diện tích thoái hóa trung bình chiếm 32,22%; thoái hóa nặng chiếm 11,67%. Đối với đất rừng, tổng diện tích điều tra là 4.312,98ha, trong đó diện tích bị thoái hóa nhẹ chiếm 81,88%, thoái hóa trung bình chiếm 12,12% và thoái hóa nặng chiếm 6%.
 

Diện tích đất nuôi trồng thủy sản, trong tổng diện tích điều tra là 730,75ha thì diện tích đất không bị thoái hóa chiếm 2,81%, diện tích bị thoái hóa nhẹ chiếm 48,68%, thoái hóa trung bình chiếm 34,46% và thoái hóa nặng chiếm 14,05%.
 

Để giảm diện tích đất thoái hóa, tăng độ màu mỡ cho diện tích đất nông nghiệp các cơ quan chức năng cho rằng, cần phải thực hiện những giải pháp như xới, đắp bờ, trồng cây che phủ đất trong thời kỳ canh tác,... bên cạnh đó ưu tiên bố trí kinh phí thực hiện các chương trình, dự án nghiên cứu cải tạo và phục hồi đất thoái hóa, hoàn thiện xây dựng hệ thống cống, bờ bao, bờ kè có đủ năng lực để ngăn mặn trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng khó lường.
 

Được biết, thực hiện theo quy định của Luật Đất đai năm 2013 và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường, tháng 11/2016, UBND tỉnh Hậu Giang đã đầu tư hơn 2,3 tỉ đồng để thực hiện dự án điều tra, đánh giá thoái hóa đất.Sau gần 1 năm triển khai, tháng 10/2017 đơn vị tư vấn đã đưa ra kết quả bước đầu trong việc điều tra, đánh giá tình hình thoái hóa đất trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, diện tích đất bị thoái hóa nhẹ là 47.349,18ha, diện tích đất bị thoái hóa trung bình là 57.502,51ha, thoái hóa nặng là 31.488,47ha...