Nam Đàn (Nghệ An): Không được cấp đất, hàng chục hộ dân vạn chài phải đi “ở nhờ”

Đất đai - Ngày đăng : 17:52, 12/03/2018

(TN&MT) - Dự án tái định cư làng chài Tân Lam ở xã Nam Lộc - huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được triển khai từ năm 2007. Đến nay, có hơn 50 hộ đã an cư còn 11 hộ...
(TN&MT) - Dự án tái định cư làng chài Tân Lam ở xã Nam Lộc - huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An được triển khai từ năm 2007. Đến nay, có hơn 50 hộ đã an cư còn 11 hộ vẫn chưa được cấp đất. Trong khi nhiều hộ vạn chài chưa có đất ở thì một phần diện tích đất quy hoạch tái định cư theo dự án đã được điều chỉnh quy hoạch và tổ chức đấu giá khiến cho người dân bức xúc.
 
Nỗi niềm của người “ở nhờ”
 
Tìm đến nhà bà Nguyễn Thị Hiền, một trong những hộ dân thuộc làng chài Tân Lam đã lên bờ sinh sống nhiều năm. Trong căn nhà cấp bốn ẩm thấp, sập sệ, chỉ rộng hơn 40 m2 là không gian trú ngụ của 6 con người. Rời thuyền chài chật hẹp lên bờ sống nhiều năm nay vẫn chưa được cấp đất ở, bà cùng với 4 người con và đứa cháu đang ở “ké” trong vườn của mẹ ruột ở xóm 4 - xã Nam Lộc. Bà Hiền có em trai là liệt sỹ Nguyễn Văn Đức, hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Khi chúng tôi đặt vấn đề cấp đất tái định cư, bà Nguyễn Thị Hiền tỏ thái độ thất vọng và bức xúc kể: Bà cùng những người thân trong gia đình rời thuyền chài lên bờ được gần 10 năm nay. Nghe thông tin có tên gia đình mình trong danh sách cấp đất ở dự án tái định cư, trong danh sách này có hộ ông Nguyễn Văn Trọng (chồng bà Hiền) mang số thứ tự lô đất là 35 nên bà yên tâm ở nhờ trong vườn mẹ ruột để chờ đợi. Thế nhưng đến nay, chồng bà đã mất 5 năm nay, người mẹ ruột cũng tuổi già sức yếu đã quy tiên được mấy tháng nhưng chỗ ở mới vẫn chưa thấy đâu.
Diện tích đất tái định cư làng chài Tân Lam nay đã điều chỉnh quy hoạch bán đấu giá xây nhà ở
Diện tích đất tái định cư làng chài Tân Lam nay đã điều chỉnh quy hoạch bán đấu giá xây nhà ở
Nhiều năm nay, bà đã gõ cửa UBND xã Nam Lộc nhiều lần nhưng không có kết quả. “Tôi đem đơn có xác nhận của xóm lên xã nhưng lãnh đạo xã cứ hứa để từ từ giải quyết. Nhiều hôm đến cổng ủy ban, chỉ biết khóc nghẹn chứ không biết nói gì. Đến nay, lãnh đạo xã hứa việc giải quyết đất vườn nay phải chờ chỉ đạo của huyện mới giải quyết được” - bà Hiền than thở.
Bà Nguyễn Thị Hiền (áo đen) đang chia sẻ những khó khăn trong việc xin đất ở nhiều năm qua.
Bà Nguyễn Thị Hiền (áo đen) đang chia sẻ những khó khăn trong việc xin đất ở nhiều năm qua
Theo hướng đường dây điện hạ thế từ trung tâm xã ra bãi sông, chúng tôi tìm nơi tạm cư của gia đình ông Nguyễn Văn Thọ - một cư dân của làng chài Tân Lam nay phải “ở nhờ” trên đất trang trại của người em con cậu ở sát bờ sông. Ngôi nhà cấp 4, được xây tạm trên đất nông nghiệp để trông nom vườn cây và nuôi gà. Nhiều năm nay, tuy đã “lên bờ”, rời xa cảnh thuyền chài quần cư lên xuống dập dềnh cùng con nước nhưng gia đình ông hàng ngày vẫn phải dùng thuyền nhỏ để bắt cá tôm bán lấy tiền sinh sống qua ngày.
Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ngày ngày vẫn “ở nhờ” trong ngôi nhà tạm của người em họ làm trang trại sát bờ sông Lam
Gia đình ông Nguyễn Văn Thọ ngày ngày vẫn “ở nhờ” trong ngôi nhà tạm của người em họ làm trang trại sát bờ sông Lam
Mỗi đêm, hai vợ chồng ông buông lưới trên sông cũng kiếm được một khoản vài trăm ngàn đồng để trang trải cuộc sống. Thoăn thoắt thu xếp những tay lưới vừa mới phơi khô, ông Thọ chia sẻ với chúng tôi: “Gia đình tôi có danh sách trong dự án tái định cư của dự án. Tôi có hai người con trai, đứa đầu đi làm thợ mộc nên tích góp đươc một khoản tiền, gia đình mua được miếng đất ở xã bên cạnh hết 32 triệu và đứng tên con là Nguyễn Văn Giáp. Sau khi xã tìm hiểu và thấy nhà tôi có đất ở xã Nam Tân đứng tên con nên họ cắt không cấp đất tái định cư thuộc dự án”.
Nhiều hộ dân bức xúc vì chờ đợi mỏi mòn nhưng chưa được cấp đất
Nhiều hộ dân bức xúc vì chờ đợi mỏi mòn nhưng chưa được cấp đất
Nhiều năm nay, ông Nguyễn Văn Thọ đã làm đơn kiến nghị lên UBND xã, huyện, rồi xuống UBND tỉnh. Gần 5 năm nay, xã Nam Lộc hứa sẽ giải quyết kiến nghị của ông nhưng càng ngày ông Thọ càng thấy thất vọng vì cách giải quyết sự việc của các cấp chính quyền địa phương nơi đây.
 
Ông Nguyễn Văn Thọ bức xúc: “Trước Tết Nguyên đán vừa rồi tôi viết đơn lên huyện kêu tiếp nhưng huyện lại trả lời việc giải quyết thuộc về UBND xã, cứ vòng tròn như vậy nên đến nay chưa giải quyết”.
 
Đến nay, miếng đất ở xã Nam Tân đứng tên con trai ông, do hoàn cảnh khó khăn nên anh Nguyễn Văn Giáp đã bán cho người khác để lấy tiền đi xuất khẩu lao động. Ông Thọ cũng lo lắng một ngày không xa, khi hết thời gian người em cho mượn nhà ở, đình ông lại phải khăn gói xuống thuyền sống cảnh trôi dạt trên sông nước như ngày trước.
Mặt bằng quy hoạch khu tái định cư vạn chài đã được điều chỉnh bán
Mặt bằng quy hoạch khu tái định cư vạn chài đã được điều chỉnh bán
Nam Lộc là xã khó khăn của huyện Nam Đàn nằm dưới chân dãy núi Thiên Nhẫn, bên khu vực hữu ngạn sông Lam. Nơi đây, có nhiều hộ gia đình làm nghề chài lưới, quanh năm nổi trôi theo con nước tập hợp lại thành làng chài Tân Lam. Từ năm 2007, Chính phủ đã phê duyệt Dự án xây dựng khu tái định cư cho làng chài Tân Lam có tổng diện tích 5 ha với số vốn đầu tư là 7 tỷ đồng. Trong quy hoạch, Dự án  được xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ dân sinh như: hệ thống điện nước, đường giao thông, nhà văn hoá cộng đồng… Đến nay đã có 54 hộ được cấp đất ở và đã chuyển về khu tái định cư làm nhà sinh sống. Còn 11 hộ hiện nay chưa được cấp đất.
 
Chính quyền “đủng đỉnh”?
 
Ông Nguyễn Cảnh Lộc - Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho biết: Tại thời điểm rà soát để triển khai dự án do không tính đến trường hợp trong một gia đình thuyền chài có nhiều thế hệ ở chung vì chỉ có một hộ khẩu, không ở tách ra nên danh sách chốt ở thời điểm đó chỉ có một gia đình. Vài năm sau, khi thực hiện dự án, nhiều gia đình xin tách khẩu nên xảy ra tình trạng thêm gia đình nhưng không có trong danh sách cấp đất nên vướng mắc ở chỗ đó. Trước mắt, xã sẽ có báo cáo với huyện, tỉnh để có cách giải quyết theo quy định của pháp luật. Hiện nay, trong quá trình chờ cấp trên giải quyết.
Một trong những lô đất được bán đấu giá đang được xây dựng
Một trong những lô đất được bán đấu giá đang được xây dựng
Ông Lộc cũng cho biết thêm: Tại khu đất vừa mới đấu giá vẫn còn hơn 10 lô đất chưa tiến hành đấu giá. Hiện nay, điều kiện về quỹ đất ở của xã ngày càng khó khăn, không riêng các hộ dân làng chài mà nhiều hộ dân ở trong khu dân cư lâu nay gia đình đông con nên nhu cầu đất ở rất lớn. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác giải quyết đất ở và đảm bảo an sinh xã hội của địa phương.
 
Mặc dù có hơn 10 hộ dân chưa được cấp đất theo diện tái định cư, nhưng huyện Nam Đàn đã cho điều chỉnh quy hoạch khu tái định cư, tiến hành đấu giá đất ở. Cuối tháng 1/2018, xã Nam Lộc đã tiến hành đấu giá rộng rãi đất từ lô số 12 đến lô số 23, thuộc tờ bản đồ số 25. Giá khởi điểm lô cao nhất là 562 triệu, lô thấp nhất có giá 404,6 triệu đồng. Việc tổ chức đấu giá đất tại xã khiến cho nhiều hộ dân lo lắng gửi đơn lên huyện để kiến nghị xin cấp đất.
Cuộc sống của nhiều hộ dân vạn chài sau khi được tái định cư vẫn chưa được “lạc nghiệp” khi họ vẫ sống nhờ nghề sông nước
Cuộc sống của nhiều hộ dân vạn chài sau khi được tái định cư vẫn chưa được “lạc nghiệp” khi họ vẫ sống nhờ nghề sông nước
Tuy nhiên, ngày 30/1/2018, UBND huyện Nam Đàn trả lời kiến nghị các hộ dân làng chài chưa được giao đất với nội dung vòng vo, thiếu trách nhiệm và ủy thác cho UBND xã Nam Lộc: Năm 2007, thực hiện dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn cho các hộ gia đình làng chài, UBND huyện Nam Đàn đã thành lập Ban quản lý dự án để giao đất cho 54 hộ dân ở làng chài ở xã Nam Lộc. Đến nay, dự án kết thúc và Ban quản lý dự án cũng đã giải thể. Vì vậy, việc xét giao đất ở theo dự án bố trí dân cư vùng đặc biệt khó khăn là không có cơ sở để thực hiện.
 
Trường hợp các hộ có nhu cầu về đất ở, thuộc các đối tượng quy định tại Điều 6, Quyết định số 78/2014/QĐ-UBND ngày 27/10/2014 của UBND tỉnh khi có chủ trương giao đất không qua đấu giá tại xã Nam Lộc thì nộp đơn tại UBND xã để được xem xét giao đất ở. Đề nghị UBND xã Nam Lộc (Chủ đầu tư) quy hoạch đất theo hình thức không qua đấu giá để xem xét giao đất cho các hộ dân thuộc các đối tượng quy định tại Điều 6, Quyết định số 78 của UBND tỉnh.
 
Tuy nhiên, nhiều ý kiến người dân lo lắng đất tái định cư đang còn chưa cấp hết đã bị đem đấu giá. Còn cách trả lời của chính quyền vẫn chung chung nên các hộ dân vẫn không thỏa mãn với cách trả lời của UBND huyện và cho biết sẽ tiếp tục kiến nghị để huyện có cách giải quyết cụ thể và sớm hơn.
 
Đồng thời, văn bản trả lời này của UBND huyện Nam Đàn cũng không nhận được sự đồng tình của xã Nam Lộc khi ông Nguyễn Cảnh Lộc - Chủ tịch UBND xã Nam Lộc cho rằng, văn bản trả lời này của UBND huyện Nam Đàn là “chung chung, ai cũng trả lời được”!
 
Ông Lê Trung Hòa - Chánh văn phòng UBND huyện Nam Đàn cho chúng tôi biết: “Hiện, xã Nam Lộc vẫn chưa có văn bản nào liên quan tới việc xin ý kiến chỉ đạo của huyện về vấn đề rà soát cấp đất cho hơn 10 hộ dân làng chài. Do vậy, chúng tôi sẽ báo cáo với thường  trực UBND huyện và giao cho phòng TN - MT tham mưu làm rõ vẫn đề này”.
 
Việc kiến nghị cấp đất theo diện tái định cư của hàng chục hộ dân vạn chài ở xã Nam Lộc là có cơ sở. Trong khi người dân đang lo lắng, bức xúc kiến nghị để được giải quyết vấn đề thì các cấp chính quyền huyện Nam Đàn, xã Nam Lộc lại “vội vàng” điều chỉnh quy hoạch số đất còn lại của dự án trước đây để tổ chức đấu giá, thu tiền là điều bất hợp lý. Vì vậy, người dân lo lắng, bức xúc về cách giải quyết sự việc của cơ quan chúc năng là điều khó tránh khỏi. Đề nghị UBND huyện Nam Đàn, UBND tỉnh Nghệ An cần phải nhanh chóng vào cuộc, giải quyết vấn đề thấu tình, đạt lý để người dân sớm được an cư, ổn định cuộc sống!