Gia Lai: Nhiều hệ luỵ sau khi nông dân cho thuê đất sản xuất

Đất đai - Ngày đăng : 09:05, 28/02/2018

(TN&MT) – Đang có đất sản xuất ổn định, nhưng vì thiếu tiền trong sinh hoạt hàng ngày nên nhiều người dân tộc thiểu số trên đại bàn tỉnh Gia Lai đã cho người...

 

 

(TN&MT) – Đang có đất sản xuất ổn định, nhưng vì thiếu tiền trong sinh hoạt hàng ngày nên nhiều người dân tộc thiểu số trên đại bàn tỉnh Gia Lai đã cho người khác thuê đất của mình. Khi không còn “tư liệu sản xuất” trong tay, cuộc sống khó khăn nên họ lại phải đi làm thuê trên chính mảnh đất đó và để lại nhiều hệ lụy sau này.
 

Anh Y Giới đang làm thuê trên mảnh đất của mình
Một nông dân đang làm thuê trên chính mảnh đất của mình 

 

Có mặt tại nhà anh Y Giới (ngụ làng Ia Gri, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Pah, tỉnh Gia Lai), khi anh đang đứng trên chính mảnh đất mà mình cho thuê với ánh mắt tiếc nuối. Anh Giới cho 1 người tên Thủy ở xã Chư Zô thuê 5 sào đất sản xuất vào năm 2004, với giá 1 sào là 500.000 đồng/năm, thời hạn thuê 15 năm. Việc thuê đất giữa anh và hộ bà Thủy được xác thực bởi 1 tờ giấy viết tay giữa 2 bên.
 

“Nhận được toàn bộ 25 triệu đồng, nhà mình dùng để kéo nước về sử dụng. Đất của mình cho thuê màu mỡ lắm, người đi thuê trồng đủ thứ cây trên đó. Trước kia, gia đình mình trồng hoa màu, 5 sào kia có năm trúng mùa cũng được khoảng 50 triệu đồng. Tuy nhiên, năm đó khó khăn quá nên mình cho thuê để lấy tiền mặt. Giờ thì cả gia đình lỡ cho thuê, thiếu đất sản xuất, phải đi làm thuê. Mình giờ nghĩ lại cảm thấy tiếc vì đã lỡ cho thuê quá nhiều năm” – anh Y Giới tiếc nuối.
 

Hầu hết những hộ người DTTS cho thuê đất ở huyện Chư Păh nằm trong diện hộ nghèo và quỹ đất trước đây chủ yếu là do bà con tự khai hoang để sản xuất. Tuy nhiên, dần dần theo thời gian, nhiều hộ đã cho thuê hết đất. Trong khi đó những người thuê đất trả với giá rất rẻ nhưng thu được từ sản phẩm rất lớn. Nhiều người thuê đất, sau khi thấy quá “hời” đã không có ý định trả lại, phù phép đất đó thành đất của mình luôn.
 

Mới đây, ông Siu An (ngụ làng Kó, xã Chư Đăng Ya) có làm đơn gửi chính quyền địa phương để nhờ can thiệp, đòi lại đất đã cho thuê. Cụ thể, vào năm 2002, gia đình ông Siu An có cho gia đình ông Hổ và bà Diễm (ngụ ở xã Chư Zô) thuê 5ha đất, thời gian thuê là 10 năm. Theo như cam kết giữa 2 bên, đến năm 2012 gia đình ông Hổ và bà Diễm phải trả lại đất cho gia đình ông An. Tuy nhiên, trong thời gian dài, ông Siu An quên mất thời gian để lấy lại đất. Chỉ đến khi ông nhớ lại và đi làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa đỏ) cho mảnh đất 5ha đó, thì mới té ngửa ra là đất đã bị làm bìa đỏ đứng tên ông Hổ. Rất may, gia đình ông Siu An còn giữ được giấy viết tay về việc cho thuê đất, UBND huyện Chư Păh căn cứ vào đó đã ra quyết định hủy quyết định cấp quyền sử dụng đất cho ông Hổ.
 

Chư Đăng Ya là 1 trong những xã có nhiều diện tích đất của người DTTS cho thuê ở huyện Chư Păh. Theo số liệu của UBND xã báo cáo với đoàn giám sát Hội đồng Nhân dân tỉnh Gia Lai, đến nay, người đồng bào DTTS thuộc diện nghèo cho thuê đất là 80 hộ, với gần 26,5ha. Trung bình các hộ cho thuê đất với giá 7.000.000 đồng/ha/năm. Cũng theo báo cáo, xã Chư Đang Ya có 29 hộ đã chuyển nhượng quyền sử dụng đất, với diện tích gần 35ha. Tuy nhiên, theo UBND xã Chư Đăng Ya, đây mới chỉ là thống kê hộ nghèo, còn số liệu thực tế lớn hơn nhiều.
 

Ông Nguyễn Văn Nội - Chủ tịch UBND xã Chư Đăng Ya cho biết: Cách đây khoảng 15 năm đã có hiện tượng người DTTS cho thuê đất. Tại các thời điểm đó, người thuê và người cho thuê đất chỉ thỏa thuận bằng miệng hoặc chỉ viết tờ giấy bằng tay mà không qua chính quyền địa phương. Người dân chủ yếu cho thuê theo thời hạn từ 5 năm đến 20 năm, thậm chí có hộ cho thuê lên đến 30 năm. Người cho thuê nhận tiền 1 lần để mua sắm, làm 1 số việc gia đình. Lo ngại nhất hiện nay, khi đến hạn trả đất sẽ xảy ra hiện tượng tranh chấp giữa người cho thuê và người đi thuê. Người thuê giờ đã lỡ đầu tư vào mảnh đất đó nên tìm mọi cách được tiếp tục sản xuất.
 

“Những hộ cho thuê đất, phần lớn là người DTTS đã không còn đất sản xuất. Người dân phải đi làm thuê lại chính mảnh đất của mình nên cuộc sống khó khăn càng thêm khó. Việc cho thuê đất sẽ làm cho công tác xóa đói, giảm nghèo của xã trở nên phức tạp. UBND xã sẽ cho ra thông báo tới các thôn làng, tuyên truyền người dân giữ đất để sản xuất. Với những hộ lỡ đã cho thuê, nhắc nhở đến hết hạn cho thuê phải lấy lại đất để sản xuất” – ông Nguyễn Văn Nội cho biết thêm.
 

Không chỉ ở huyện Chư Păh, tại huyện Đắk Đoa tình trạng người DTTS cho thuê đất cũng diễn biến phức tạp. Theo báo cáo của UBND huyện Đắk Đoa, từ tháng 7-2014 đến 30-9-2017, có 412 hộ người DTTS cho thuê đất sản xuất, với diện tích gần 264ha. Chu kỳ tho thuê đất kéo dài từ 5 đến 30 năm. Trong khi đó, số hộ người DTTS chuyển nhượng đất là 510 hộ, với diện tích hơn 255ha. Dẫn đến, có tới 478 hộ người DTTS trong huyện thiếu đất sản xuất, với gần 255ha.
 

Trong báo cáo, UBND huyện Đắk Đoa lý giải nguyên nhân dẫn đến tình trạng người DTTS cho thuê, sang nhượng đất là do gặp khó khăn trong cuộc sống, nhu cầu về mua sắm, trả nợ…. Ngoài ra, còn có nguyên nhân do một số địa phương buông lỏng quản lý nhà nước về đất đai, lúng túng trong việc ngăn chặn, xử lý các trường hợp chuyển nhượng đất trái pháp luật.