Mùa xuân no ấm trên những cánh đồng
Đất đai - Ngày đăng : 21:48, 16/02/2018
Chư Mố còn được gắn biệt danh là ‘miền gái đẹp’, điều này không ai lý giải được nhưng theo một số người cao niên thì rất có thể do nguồn nước ngọt mát của con sông Ba huyền thoại ở phía cuối vùng Đông Trường Sơn, hoặc do đất đai, khí hậu mát lành khiến các cô gái được sinh ra ở đây đều có nhan sắc hơn người ở nơi khác…
“Tuy mang danh là vậy song con gái ở đây thường đi lấy chồng nơi khác không hà. Trước đây, hầu như cô nào xinh cũng chẳng chịu ở lại địa phương vì nơi này chỉ làm lúa với năng suất thấp, khổ lắm anh ơi”, anh Rcom Dam Mơ Ai-cán bộ hỗ trợ cộng đồng (viết tắt là CF) thuộc Dự án Giảm nghèo khu vực Tây nguyên (GNKVTN) của tỉnh Gia Lai tại xã Chư Mố mở đầu câu chuyện. Theo anh Mơ Ai, dù thiên thời, địa lợi, nhân hòa là vậy song điều đáng buồn là với diện tích lúa nước là 625ha (tổng diện tích gần 633ha) mà bao đời nay, cuộc sống của người dân ở đây vẫn không thoát cảnh đói nghèo, lạc hậu. Theo báo cáo của những năm trước, toàn xã có 1.377 hộ, 6.652 nhân khẩu (99,9% là người Jrai) thì trong đó có đến 380 hộ nghèo, 257 hộ cận nghèo. Dân ở đây nghèo là vì vẫn còn tập quán canh tác lạc hậu như sử dụng nguồn giống năng suất thấp, gieo sạ quá dày, phun thuốc và bón phân không đúng lúc, đúng thời điểm… dẫn đến năng suất chỉ đạt khoảng 6 tạ thóc/sào (1 sào = 1.000m2).
Năm 2015, Dự án GNKVTN tỉnh Gia Lai đã quyết định chọn hai thôn Ơi Briu 1 và Ơi Briu 2 của xã Chư Mố làm thí điểm tiểu dự án sinh kế. Tại đây, tiểu dự án thành lập hai nhóm cải thiện sinh kế (viết tắt là LEG, khoảng 10 hộ/nhóm). Nhóm LEG được thành lập dựa trên nguyên tắc các thôn dự án sẽ tổ chức những cuộc họp có sự tham gia của người dân để người hưởng lợi thảo luận về những lựa chọn sinh kế thích hợp. Thông qua đó, các LEG được thành lập trên cơ sở tham gia tự nguyện của hộ thành viên. Mỗi nhóm phải đảm bảo tiêu chí 70% là hộ nghèo và cận nghèo, 30% là hộ trung bình và hộ khá.
Tiểu dự án đã quyết định chọn giống lúa MT10 để làm mẫu canh tác trình diễn trên diện tích 4 ha; hỗ trợ hoàn toàn giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, tập huấn… với tổng số tiền hỗ trợ là 32,7 triệu đồng/nhóm. Ngay năm đầu tiên, 20 hộ dân tham gia tiểu dự án đã hết sức phấn khởi khi năng suất lúa đạt được đến 8tạ/sào/vụ, thậm chí có ruộng ở khu vực thuận lợi đạt đến 9 tạ/sào/vụ.
Nhà bà Kpă H'Nga ở thôn Ơi Briu 2 có đến 4 nhân khẩu nhưng chỉ có 3 sào lúa nước. Trước khi tham gia LEG, gia đình bà Kpă H'Nga luôn lâm cảnh đói kém vì năng suất lúa thu được thấp, địa phương phải cứu đói giáp hạt. Năm 2015, 3 sào ruộng của bà thu được gần 5 tấn lúa/2 vụ. Bà cho biết, nếu không tham gia tiểu dự án thì chắc chắn ruộng của bà không thu hạch được cao như vậy đâu, mà thậm chí còn tốn kém nữa. Bởi, những năm trước, gia đình bà gieo sạ từ 25kg - 30kg giống/sào và thời gian gieo sạ, phân thuốc tùy hứng và tùy vào túi tiền. Tham gia tiểu dự án, bà được hướng dẫn là phải sử dụng giống mới chịu được hạn, phải sạ sớm để tránh hạn và chỉ gieo chưa đến 1 nửa số lượng giống so với trước đây thôi. “Ban đầu, bà con cũng nghi ngờ lắm, nhưng cán bộ hỗ trợ cộng đồng hướng dẫn, thường xuyên nhắc nhở về ngày nào sạ, ngày nào bón phân, sạ bao nhiêu ký giống, bón phân gì, bao nhiêu, rồi có sâu bệnh thì phải xử lý như thế nào cho đúng kỹ thuật nên giờ mới được như vậy”, Kpă H'Nga tâm sự.
Cũng theo tính toán của bà Kpă H'Nga, trước đây chi phí giống và thuốc cho 3 sào lúa mỗi vụ mất gần 600.000 đồng, tham gia tiểu dự án thì chỉ còn chi chưa tới 300.000 đồng, tức là giảm gần 1 nửa chi phí trong khi năng suất thì tăng quá rõ rệt. Bà cho biết giờ đã quá nhuần nhuyễn với cách làm mới mà hiệu quả và tiết kiệm này rồi, không cần cán bộ cầm tay chỉ việc. “Sau khi thu hoạch xong, mình đã bán đi gần 4 tấn lúa, được hơn 15 triệu đồng để chi tiêu, số còn lại cả gia đình ăn trong 1 năm cũng tạm ổn”, bà Kpă H'Nga phấn khởi nói.
Phát huy thành quả đạt được, đến năm 2016, tiểu dự án sản xuất lúa triển khai 3 nhóm tại các thôn Ơi Briu 1, Ơi Briu 2, Ơi H’Trông cho 60 hộ với tổng diện tích canh tác là 18ha. Kết quả đạt được cũng hết sức khả quan như thôn Ơi Briu 1 đạt được 49 tấn lúa/6ha; thôn Ơi Briu 2 đạt được 48 tấn lúa/6ha, thôn Ơi H’Trông đạt được 46 tấn lúa/6ha. Sau mùa này, vì các LEG đã ổn định sản xuất và cũng đã nắm rõ quy trình sản xuất nên tiểu dự án không hỗ trợ thêm tiền nữa. Để chủ động, sau khi bán lúa, mỗi LEG đều tự nguyện đóng từ 15 triệu đến 22 triệu đồng vào quỹ tái sản xuất để phục vụ công tác đầu tư tái sản xuất hoặc chăn nuôi thêm để cải thiện thu nhập.
Đến năm 2017, tiểu dự án sản xuất lúa triển khai 4 LEG mới với 64 hộ dân canh tác trên 26ha tại các thôn Ơi Briu 1, Ama Đá, Ama Lim 1, Ơi H’Trông và vụ hè thu vừa rồi thu được 180,5 tấn lúa. Chứng kiến tận mắt những kết quả ổn định do tiểu dự án sản xuất lúa mang lại, bà Ksor H'Ngôm ở thôn Ama Lim 1 không khỏi tiếc nuối khi gia đình đã không áp dụng theo để cuộc sống ổn định hơn. Bà cho biết gia đình có 7 khẩu nhưng chỉ trông chờ vào 8 sào lúa canh tác theo kiểu cũ kỹ nên cuộc sống không tránh khỏi bấp bênh. “Trước đây, mình cũng đã được nghe tập huấn nhiều rồi, được khuyến cáo sử dụng giống mới, hướng dẫn kỹ thuật làm đất, gieo sạ, chăm sóc lúa theo một quy trình bài bản nhưng rồi mình chần chừ chưa áp dụng nên ruộng nhà mình đạt năng suất thấp. Vụ hè thu vừa rồi, mình thấy rõ nhà hàng xóm nhờ canh tác theo quy trình, tham gia LEG mà năng suất đạt đến 8,5 tạ/sào. Vụ đông xuân sắp tới, gia đình mình chắc chắn sẽ áp dụng theo quy trình của tiểu dự án sản xuất lúa để cuộc sống ổn định, thu nhập cao hơn”, bà Ksor H'Ngôm khẳng định.
Theo ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Chư Mố, do đặc điểm của hộ nghèo là sản xuất tự phát, nhỏ lẻ, sự can thiệp của công tác khuyến nông địa phương mới chỉ dừng lại ở việc tập huấn, phổ biến kiến thức. Với Dự án GNKVTN, bên cạnh việc tổ chức để các hộ nghèo tập huấn và sản xuất theo nhóm, việc bố trí cán bộ CF theo sát hỗ trợ người dân trong suốt quá trình thực hành sản xuất là yếu tố quan trọng hàng đầu để các kiến thức khoa học kỹ thuật được vận dụng vào thực tiễn sản xuất của bà con. Nhờ vậy mà từ chỗ còn rụt rè thụ động, hầu hết các hộ nghèo đã trở thành những chủ thể chính cùng thảo luận bàn bạc quyết định và cùng tham gia thực hiện hiệu quả các hạng mục đầu tư trên địa bàn và một trong những cái thấy rõ nhất là tiểu dự án sản xuất lúa. “Từ khi có tiểu dự án sản xuất lúa, đời sống người người dân ở đây đã từng ngày tốt hẳn lên. Hiện tại, chỉ khi nào có thiên tai, nghịch cảnh thì chính quyền mới phải cứu đói giáp hạt”, ông Ksor Jú-Chủ tịch UBND xã Chư Mố cho biết.
Vụ hè thu năm 2017, tiểu dự án sản xuất lúa đã hoàn thành sứ mệnh tốt đẹp của mình. Theo đó, dự án sẽ không hỗ trợ các LEG nữa mà để họ tự thân vận động dựa trên những kinh nghiệm qua những kết quả đạt được. Hiện tại, dự án đang liên kết hợp tác sản xuất với doanh nghiệp để kết nối trực tiếp đến người dân. Theo đó, từ vụ đông xuân này, doanh nghiệp sẽ đầu tư 100% như cung cấp giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho các LEG mà không tính lãi. Nếu rủi ro thì gia hạn nợ và hỗ trợ kỹ thuật trồng lúa. Sau đó, doanh nghiệp sẽ thu mua hết lúa tại hộ gia đình khi đã đảm bảo các tiêu chuẩn theo yêu cầu. Nông dân có trách nhiệm thanh toán chi phí mua vật tư đầu vào từ đại lý đầu tư sau khi bán sản phẩm. “Khi đầu vào ổn định, đầu ra đảm bảo, chúng tôi hi vọng sẽ tạo được cánh đồng mẫu lớn từ vụ đông xuân này”, CF Mơ Ai nói.
GNKVTN là dự án hỗ trợ công tác giảm nghèo tại 130 xã, thuộc 26 huyện nghèo của 6 tỉnh Đak Lak, Đak Nông, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam và Quảng Ngãi, do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ, Bộ Kế hoạch - Đầu tư phối hợp với các địa phương thực hiện. Từ khi triển khai, Dự án GNKVTN được biết đến với những cách triển khai mới mẻ, khơi gợi sự chủ động, sáng tạo của người dân. Chính cách tổ chức theo nhóm và sự vào cuộc của đội ngũ CF đã tạo nên sự khác biệt.