Lăng Cô (Thừa Thiên Huế): Hàng loạt dự án du lịch biển “đắp chiếu”, lãng phí đất
Đất đai - Ngày đăng : 18:57, 22/01/2018
(TN&MT) - Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) để đầu tư, xin cấp phép các dự án du lịch nghỉ dưỡng...
(TN&MT) - Nhiều nhà đầu tư đã tìm đến Khu kinh tế (KKT) Chân Mây - Lăng Cô (huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) để đầu tư, xin cấp phép các dự án (DA) du lịch nghỉ dưỡng với số vốn hàng ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, không ít dự án đang “đắp chiếu” bên bờ vịnh đẹp của thế giới, gây lãng phí nguồn tài nguyên và sự bức xúc trong dư luận...
Theo tìm hiểu, KKT Chân Mây - Lăng Cô được thành lập vào năm 2006, có diện tích 27.108ha, nằm trên địa bàn các xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô. Đến nay sau hơn 10 năm thành lập, KKT này đã thu hút hơn 30 dự án đầu tư, với tổng vốn đăng ký hơn 35.000 tỷ đồng...
Lãng phí đất
Tuy nhiên, những ngày đầu năm 2018, PV đi dọc bãi biển Lăng Cô và chứng kiến hàng loạt DA du lịch được cấp phép ở đây vẫn đang “án binh bất động” gây lãng phí tài nguyên đất.
Đứng trước UBND thị trấn Lăng Cô, PV thấy rõ dự án Khu du lịch Xanh đang “treo”. Dự án có diện tích khoảng 8,4ha đất, khởi công vào năm 2004 với nguồn vốn 213 tỷ đồng; nhưng từ đó đến nay dự án này chỉ làm một đoạn đường đi vào, xây bờ kè chắn cát còn lại chỉ là bãi đất cát trống. Nhiều tấm tôn màu xanh được dựng lên để phân định ranh giới dự án, bên trong là nhiều nhà dân đã bỏ hoang, nhường đất cho dự án. Sát đường quốc lộ 1A là khung sắt lớn cùng tấm biển gắn tên công trình; cạnh bên còn có cả phối cảnh dự án để “làm màu”...
PV tiếp tục dọc đường Chân Mây đoạn giáp ranh địa phận xã Lộc Vĩnh và thị trấn Lăng Cô thì thấy thêm một dự án “nằm lỳ”. Đó là DA khu nghỉ dưỡng ven biển Lăng Cô của Cty TNHH Pegasus Fund 2- Việt Nam được cấp giấy phép năm 2006 trên diện tích 8,3ha, với tổng số vốn đăng ký 78 tỷ đồng. Theo kế hoạch, DA đi vào hoạt động đầu năm 2010. Nhưng hiện tại chỉ mới xây được hệ thống tường rào rồi bỏ hoang từ đó đến nay. Một số nhà điều hành của dự án cũng vì thế mà xuống cấp, nằm trơ trọi theo thời gian...
Trong khi đó, Khu liên hợp nghỉ dưỡng Conic-Lăng Côcũng khởi công rầm rộ vào năm 2008. DA này cam kết sẽ hoàn thành vào tháng 12/2009. Nhà đầu tư lúc đó thông báo sẽ xây dựng 200 phòng khách sạn, 40 biệt thự đẳng cấp 5 sao, các phòng hội nghị tiêu chuẩn quốc tế và các dịch vụ cao cấp khác. Vậy mà, đến nay DA này vẫn là một khu đất hoang, nhếch nhác...
Còn khu du lịch Bãi Chuối được cấp phép tại khu vực Bãi Chuối (thị trấn Lăng Cô) để xây dựng khu nghĩ dưỡng với vốn đầu tư đăng ký 1.636 tỷ đồng, diện tích thuê đất 100ha. Dự án sẽ khởi công vào đầu năm 2009 và đến tháng 8/2014 sẽ hoàn thành. Vậy nhưng, đến nay DA này vẫn đang là một khu đất bỏ hoang, cỏ mọc um tùm; mới chỉ làm xong một đoạn đường ngắn.
Cần có biện pháp, tránh lãng phí
Ông Lê Đình, Tổ trưởng tổ dân phố Lập An (thị trấn Lăng Cô) cho biết, toàn thôn có 420 hộ thì có gần 100 hộ bị thu hồi đất để giao cho DA. Có DA thu hồi đất đã 10 năm vẫn không xây dựng trong khi người dân lại thiếu đất sản xuất. Có DA đã kiểm kê tài sản nhưng nhiều năm qua không thấy đền bù, người dân muốn tu sửa nhà cũng không được bởi nằm trong diện giải tỏa. “Chúng tôi mong nhà nước có biện pháp, nếu các chủ đầu tư không triển khai xây dựng thì trả lại đất cho dân sản xuất”, ông Đình đề nghị.
“Ai cũng vui vì hy vọng thị trấn biển sẽ ngày càng sầm uất bởi những dự án khủng. Nhưng từ ngày thông báo nhận tiền đền bù để di dời, nhường đất cho các DA đến nay đã hơn chục năm nhưng không thấy làm, dân cũng không được đền bù. Điều này khiến bà con rất khó khăn trong việc xây dựng nhà cửa...”, một người dân bức xúc.
Trao đổi với PV, ông Dương Đăng Trung - Chủ tịch UBND thị trấn Lăng Cô nhận định: “Trong khi đời sống dân khó khăn vì thiếu công ăn việc làm mà lượng lớn diện tích đất của thị trấn lạinằm phơi đất như thế là hết sức lãng phí. Nếu thu hồi những DA treo này thì sẽ giải quyết được rất nhiều công ăn việc làm cho người dân địa phương...”.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế, hiện KKT Chân Mây- Lăng Cô có 7 dự án đăng ký sử dụng đất là 435,2ha nhưng diện tích đất đã triển khai (các thủ tục) chỉ 31,2ha.
Các dự án chậm thực hiện do cơ sở hạ tầng còn khó khăn, các thiết chế về đô thị như hành chính, y tế, giáo dục chưa phát triển... làm giảm sức hấp dẫn các nhà đầu tư. UBND tỉnh đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án. Sở Kế hoạch & Đầu tư phối hợp Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô và các khu công nghiệp rà soát, tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dự án để kịp thời có giải pháp, xử lý vướng mắc; thu hồi các dự án chậm tiến độ hoặc không có khả năng triển khai...
“Thời gian tới, Sở sẽ phối hợp với các địa phương rà soát các dự án đã cấp phép, nếu không thi công sẽ thu hồi, những dự án tiếp tục thi công nhưng khó khăn về vốn sẽ điều chỉnh dự án phù hợp hơn hoặc có giải pháp hỗ trợ, làm cầu nối cho doanh nghiệp...”, ông Phan Thiên Định - Giám đốc Sở Kế hoạch & Đầu tư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết.
KKT Chân Mây - Lăng Cô có nhiều lợi thế, tiềm năng về du lịch đặc biệt là nằm sát vịnh đẹp của thế giới; nhưng thực trạng các nhà đầu tư đế đăng ký rồi chiếm đất “xí phần” ảnh hưởng rất lớn sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Thiết nghĩ, tỉnh Thừa Thiên Huế cần mạnh tay hơn nữa để chấm dứt tình trạng này.