Xã Văn Thai (Hải Dương): Nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang sau dồn điền đổi thửa

Đất đai - Ngày đăng : 16:01, 26/01/2018

(TN&MT) - Chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ và các cấp chính quyền được bà con thôn Trạm Nội, xã Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương...
(TN&MT) - Chủ trương xây dựng nông thôn mới (NTM) của Chính phủ và các cấp chính quyền được bà con thôn Trạm Nội, xã Văn Thai, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương hồ hởi đón nhận. Xây dựng NTM đã làm thay đổi bộ mặt làng quê. Tuy nhiên, với Trạm Nội hiện nay, nhiều vấn đề bà con bức xúc, muốn làm rõ cả những khuất tất, tiêu cực. Đó là chuyện dồn ô đổi thửa, cải tạo đồng ruộng nhưng đành bỏ hoang, thôn tự ý cho hợp đồng thuê đất 30 năm, tài chính không rõ ràng….
 
Sau dồn điền đổi thửa, 10 mẫu ruộng bỏ hoang
 
Hàng chục người dân ký vào đơn tố cáo cán bộ thôn Trạm Nội đã dẫn chúng tôi đến cánh đồng Trạm Ngoại. 10 mẫu ruộng thuộc cánh đồng này trước đây bà con thôn Trạm Nội vẫn cấy trồng, nhưng sau khi san gạt, cải tạo đất, 5 đến 6 vụ đã qua bị bỏ hoang vì không thể trồng màu và cấy lúa. Nguyên nhân vì đâu đất bờ xôi, ruộng mật lại bỏ hoang như vậy?
Xã Văn Thai (Hải Dương): Nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang sau dồn điền đổi thửa
Còn nhiều mẫu ruộng ở Trạm Nội bị bỏ hoang.
Người dân Trạm Nội phản ánh với phóng viên Báo Tài nguyên & Môi trường về việc dồn ô đổi thửa, chỉnh trang đồng ruộng của thôn từ năm 2014 không hợp lý, người dân chưa thống nhất, nhưng Ban chuyển đổi Xây dựng nông thôn mới của thôn đã tự quyết thuê máy về san mặt ruộng cho phẳng. Đặc điểm đồng đất của cánh đồng Trạm Ngoại, thôn Trạm Nội không đồng đều, có ruộng cao chuyên trồng mầu, có khu ruộng trũng, chuyên cấy lúa. Ban chuyển đổi muốn có cánh đồng phẳng phiu, đã tự ý thuê máy san gạt về gạt đất cao san xuống đất trũng, tạo mặt bằng tương đối. Tạo được mặt bằng, song những khu ruộng trũng lại bùng nhùng toàn đất màu, khu rộng cao đã gạt hết lớp mầu, trơ lớp đất thịt, nhiễm phèn, không thể trồng cấy được. Việc san đất thiếu khoa học, duy ý chí làm 10 mẫu ruộng đành bỏ hoang 5, 6 vụ liền. Bà con không trồng cấy được nên đành thuê đất nơi khác để trồng mầu (chủ yếu trồng cà rốt).
 
Vụ đông 2017, xót của khi có đất lại phải thuê đất nơi khác, bà con trong thôn đã bỏ công sức, bỏ tiền ra cải tạo trên 5 mẫu ruộng của chính mình. Mỗi sào bỏ ra 2 thước để đào đất đắp lên, tạo độ cao nền, mua đất phù sa từ bãi bồi ngoài sông đổ lên thành luống để trồng cà rốt. Cải tạo đất như vậy mỗi sào mất 15 đến 20 triệu đồng làm bà con càng bức xúc hơn.
 
Không chỉ có việc san đất không cấy trồng được, ông Nguyễn Văn T. ở thôn Trạm Nội cùng nhiều người dân cho rằng, Ban chuyển đổi của thôn đã thuê máy san gạt đất giá quá cao. Vẫn máy đấy, người đấy, cánh đồng đấy, người dân thuê máy với giá 250 nghìn đồng/giờ, trong khi Ban chuyển đổi thuê 330 nghìn đồng/giờ. Với trên 500 giờ công máy, người dân thiệt hại hơn 40 triệu đồng. Số tiền chênh lệc đó liệu có vào tay một số cá nhân trong Ban chuyển đổi?- người dân Trạm Nội đặt vấn đề.
 
Trước khi dồn ruộng đổi thửa, Ban Chuyển đổi xây dựng NTM thôn Trạm Nội đã họp dân và đề nghị mỗi hộ hiến 36 m2/sào đất ruộng để đào mương làm thuỷ lợi, làm đường ra đồng. Khi dồn ô đổi thửa xong, Trạm Nội dư ra 3 mẫu ruộng. Thôn đã cho đấu giá, hợp đồng cho sử dụng đất công với thời hạn 30 năm. Số tiền thu được … triệu đồng. Thôn dùng số tiền đó để tự chi trả các khoản trong xây dựng NTM.

Theo ông Nguyễn Tiến Chức, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn, khi đó xã mới có chủ trương cho chuyển đổi thành trang trại ở khu đồng trũng, xã chưa quyết định chuyển đổi và cũng chưa có ý định giao đất cho bất kỳ một cá nhân, tổ chức nào. Thế nhưng, năm 2015, cán bộ thôn Trạm Nội đã tự ý cho các cá nhân đấu thầu khu ruộng trũng trên với thời hạn 30 năm là sai với quy định của pháp luật.

Ngoài ra, người dân thôn Trạm Nội cũng đề nghị làm rõ việc cán bộ thôn không công khai và chậm trả tiền hỗ trợ mạ và cà rốt chết rét cho người dân. Trong các năm từ 2012 - 2014, một số hộ dân của thôn được hỗ trợ tiền giống mạ và cà rốt bị chết với tổng số tiền 17 triệu đồng nhưng cán bộ thôn nhận mà không trả cho người dân. Một số hộ dân biết thông tin Nhà nước hỗ trợ đã đến tận nhà ông Nguyễn Hữu Chế, lúc đó là trưởng thôn yêu cầu trả số tiền trên thì ông này mới trả một ít. Nếu không phát hiện ra thì số tiền này chắc cũng không trả- Bà Nguyễn Thị L. ở thôn Trạm Nội cho hay.

Cần làm rõ trách nhiệm

Những bức xúc của người dân Trạm Nội được phản ánh qua đơn đề nghị, kiến nghị từ mấy năm qua, song UBND xã Cẩm Văn không chỉ đạo làm rõ. Việc dồn ô đổi thửa, việc dùng tiền đấu thầu đất tự chi các khoản, việc nhà nước hỗ trợ cây giống… thôn Trạm Nội chưa công khai với bà con. Nay do quá bức xúc, bà con thôn Trạm Nội đã làm đơn tố cáo ban chuyển đổi. Những băn khoăn, bức xúc của bà con thôn Trạm Nội cần được làm rõ.
Xã Văn Thai (Hải Dương): Nhiều diện tích ruộng bị bỏ hoang sau dồn điền đổi thửa
Để trồng được cà rốt, người dân phải đầu tư từ 15 đến 20 triệu đồng/sào để cải tạo đất.
Làm việc với ông Nguyễn Tiến Chức, Chủ tịch UBND xã Cẩm Văn, ông Chức cho biết, sau khi nhận được phản ánh về các nội dung trên, UBND xã Cẩm Văn đã lập tổ công tác để giải quyết kiến nghị của người dân. Song đến nay những thắc mắc của người dân vẫn chưa được giải quyết.

Sau khi dồn điền đổi thửa, Ban Chuyển đổi NTM của thôn cần đánh giá lại kết quả và công khai các khoản thu chi với người dân, chuyển giao toàn bộ sổ sách, giấy tờ liên quan cho cán bộ thôn nhiệm kỳ sau (2015-2017). Trong quá trình thực hiện, do có nhiều khoản thu chi chưa rõ ràng nên những việc này đến nay thôn Trạm Nội vẫn chưa thực hiện được. Một số cán bộ thôn tự ý giao đất công điền cho các hộ dân với thời hạn 30 năm là trái với quy định của pháp luật cần được xử lý nghiêm.

Những phản ánh của người dân thôn Trạm Nội là có cơ sở. Đề nghị UBND huyện Cẩm Giàng chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra, xử lý những sai phạm ở thôn Trạm Nội sớm trả lời những thắc mắc của người dân.