Triển khai Luật Đất đai 2013 gặp khó vì vướng quy hoạch, thu hồi đất

Đất đai - Ngày đăng : 00:00, 30/08/2015

(TN&MT) - Sau một năm triển khai Luật Đất đai 2013 ở các tỉnh miền Trung, nhìn chung ngoài những điều thuận lợi vẫn còn một vài tồn tại như công tác quy hoạch đất, thu hồi đất gây hậu quả không tốt, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Luật Đất đai năm 2013 quy định trường hợp quy hoạch sử dụng đất đã được công bố mà chưa có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng và được thực hiện các quyền của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật (bao gồm quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn quyền sử dụng đất). Tuy nhiên, việc thực hiện các quyền này hiện không hề đơn giản, đặc biệt là đối với vùng quy hoạch.

Đơn cử như Dự án Làng Ðại học Ðà Nẵng (ÐHÐN) đã được quy hoạch nhưng đến nay đã "treo" 18 năm, kéo theo nhiều hệ lụy và làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt của hàng trăm hộ dân. Bị quy hoạch "treo", người dân không thể chuyển nhượng đất đai, nhà cửa; thiếu đất canh tác, cuộc sống tạm bợ và chưa biết đến lúc nào phải bàn giao đất. Theo quy hoạch, Dự án Làng ÐHÐN có tổng diện tích là 300 ha; trong đó, có 190 ha thuộc xã Ðiện Ngọc (Ðiện Bàn, Quảng Nam) và 110 ha thuộc phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn, TP. Ðà Nẵng). Sau 18 năm với nhiều quyết định phê duyệt, điều chỉnh dự án, đến nay, dự án mới thực hiện được 25,4 ha/286,5 ha đất trong tổng quy hoạch.

Sau một năm triển khai Luật Đất đai 2013 tại các tỉnh miền Trung, nhìn chung ngoài những điều thuận lợi vẫn còn một vài tồn tại như công tác quy hoạch đất, thu hồi đất
Sau một năm triển khai Luật Đất đai 2013 tại các tỉnh miền Trung, nhìn chung ngoài những điều thuận lợi vẫn còn một vài tồn tại như công tác quy hoạch đất, thu hồi đất

Ðối với diện tích đất 190 ha thuộc tỉnh Quảng Nam, giai đoạn năm 2003 - 2005, do chưa được đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước, ÐHÐN đã sử dụng kinh phí tự bổ sung 1,66 tỷ đồng để xây dựng một khu tái định cư với diện tích là 1,02 ha trên đất Quảng Nam. Nhưng tại đây, chỉ có hai hộ dân được bố trí định cư tại chỗ, còn lại hơn 100 hộ dân có nhà và đất trên đường bao đã được thực hiện xong việc kiểm kê, áp giá đền bù, nhưng không có kinh phí để chi trả, không thể xây dựng khu tái định cư. Dự án thì vẫn giậm chân tại chỗ, dù đã có nhiều ý kiến, kiến nghị của địa phương gửi tới các ngành chức năng liên quan. Như vậy, dù Luật đã có quy định để bảo đảm quyền cho người dân khi đất của họ đã lỡ bị nằm trong quy hoạch, nhưng thực tế thì trong nhiều trường hợp, quyền của người dân chỉ là quyền “trên giấy”.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, thời gian qua việc quy hoạch hạ tầng khung cũng được xem là còn tràn lan, khi tỉnh nào quy hoạch cũng có cảng, có sân bay, gây ra tình trạng lãng phí nguồn lực xã hội. Tại khu vực miền Trung giữa TP. Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi, cả 3 địa phương này đều có vị trí liền kề và cả 3 tỉnh đều có nhiều cảng biển (Đà Nẵng có 1, Quảng Nam có 2 và Quảng Ngãi cũng có 2 cảng biển), chưa kể các cảng nhỏ. Hiện nay Đà Nẵng có sân bay, Quảng Nam cũng có sân bay (sân bay Chu Lai đang được nghiên cứu để quy hoạch thành cảng trung chuyển hàng không quốc tế). Đặc biệt, khu vực này có 2 khu kinh tế nối liền là Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) và Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), điều này vô hình trung là tại một khu vực có bán kính trong vòng 60km lại có quá nhiều hạ tầng khung, chưa kể hiện nay 2 khu kinh tế Chu Lai và Dung Quất đang cạnh tranh về đầu tư cơ sở hạ tầng và quy hoạch các khu công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư.

“Ngoài ra, tính đồng bộ giữa quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng chưa thể hiện tính thống nhất và đề cập trong luật. Công tác quy hoạch sử dụng đất thiên về sắp xếp các loại đất theo mục tiêu quản lý hành chính, chưa tính toán đầy đủ về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường, đặc điểm vùng miền” - ông Nguyễn Văn Diệu, Hội Liên hiệp KHKT Quảng Nam cho hay. Ông Diệu cho biết thêm: nguyên tắc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, cần nêu thêm yêu cầu quy hoạch phải gắn với hiện trạng cơ sở hạ tầng nền đã có và vị trí quy hoạch hạ tầng khung (sân bay, cảng biển) của các vùng miền có địa lý liền kề để tận dụng lẫn nhau.

Về những vướng mắc của các địa phương tại miền Trung sau 1 năm triển khai Luật Đất đai 2013, có thể là vì Luật Đất đai mới với hệ thống nghị định, thông tư mới, vì thế cần phải có thời gian để luật đi vào cuộc sống.

Xuân Lam