Quốc hội thảo luận Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương

Thời sự - Ngày đăng : 17:10, 10/06/2019

(TN&MT) - Sáng 10/7, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Quốc hội đã đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
Toàn cảnh
Toàn cảnh phiên thảo luận. Ảnh: Quốc Khánh

Trong phiên thảo luận, đã có 24 vị đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến, hai ý kiến tranh luận, đồng chí bộ trưởng Bộ Nội vụ đã có báo cáo, tiếp thu, giải trình thêm làm rõ thêm một số vấn đề mà các vị đại biểu quan tâm.

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, nhìn chung, không khí thảo luận rất sôi nổi, thẳng thắn và trách nhiệm. Các vị đại biểu cơ bản tán thành với tờ trình, dự thảo luật và báo cáo thẩm tra, nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương như đề nghị của Chính phủ, nhằm thể chế hóa kịp thời các nghị quyết của Đảng, nghị quyết của Quốc hội và giải quyết được các vấn đề vướng mắc, bất cập của 2 luật hiện hành cũng như các vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với tổ chức, hoạt động của HĐND, UBND, nhằm mục tiêu tinh gọn tổ chức bộ máy và đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Chính phủ cũng như chính quyền địa phương.

Ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội đề cập đến tất cả các nội dung được nêu trong dự thảo và tờ trình cũng như báo cáo thẩm tra, trong đó tập trung nhiều nhất vào vấn đề quy định về khung số lượng các cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh và cấp huyện, quy định khung số lượng về biên chế ở các cơ quan này. Ý kiến đề xuất nhiều phương án, có ý kiến đồng ý với tờ trình, dự thảo, có ý kiến đề nghị cần quy định rõ trong luật này khung số lượng cứng các cơ quan chuyên môn và khung mềm để các địa phương sau này trên cơ sở hướng dẫn của Chính phủ để quy định cho phù hợp với tình hình, đặc điểm của địa phương, tránh vấn đề quy định theo lối bình quân từ trước đến nay.

Đại biểu
Đại biểu Ngô Thị Kim Yến (Đoàn TP Đà Nẵng) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc Khánh

Về vấn đề số lượng cấp phó của HĐND cấp tỉnh, cấp huyện. Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của đại biểu Quốc hội. Đa số ý kiến đề nghị nên giữ như luật hiện hành, bởi vì chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND tùy thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có số lượng đại biểu Quốc hội chuyên trách, số lượng phó chủ tịch HĐND, số lượng các Phó ban chuyên trách của HĐND. Nhưng cũng có ý kiến đề nghị thực hiện như chủ trương của Nghị quyết số 18 của Trung ương.

Cũng có ý kiến đề nghị cần phải xác định rõ vai trò của Thường trực HĐND giữa 2 kỳ họp của HĐND. Có ý kiến đề nghị quy định rõ số lượng kỳ họp của Hội đồng nhân dân, nhất là tăng kỳ họp của HĐND cấp xã. Có những vấn đề khác liên quan đến số lượng các Ủy viên UBND có nên giữ như hiện nay hay không hay phải giảm rồi các đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm đến vấn đề phân cấp, phân quyền, giữa Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, giữa Chính phủ với chính quyền địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương với nhau để bảo đảm phát huy được sự chủ động, sáng tạo của địa phương nhưng cũng phải đảm bảo được tính thống nhất của nhà nước.

Báo cáo giải trình vấn đề các vị Đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, ban soạn thảo tiếp thu tối đa và nghiêm túc các ý kiến của đại biểu Quốc hội và sẽ cùng các cơ quan chuyên môn tiếp tục hoàn thiện dự thảo để kịp thông qua Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào cuối năm 2019.

Theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, Luật sửa đổi một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương lần này phạm vi sửa không lớn. Đối với Luật Tổ chức Chính phủ chỉ sửa 5 điều, đối với Luật Tổ chức chính quyền địa phương chỉ sửa 28 điều.

ĐBQH 2
Đại biểu Trần Văn Lâm (Đoàn tỉnh Bắc Giang) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quốc Khánh

“Đây là việc chúng ta cụ thể hóa và thực hiện theo tinh thần nghị quyết của Đại hội lần thứ XII của Đảng, các nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6, Trung ương 7 Khóa XII, Nghị quyết số 56 của Quốc hội và khắc phục những vấn đề tồn tại, hạn chế trong thời gian qua đã được các văn bản quy phạm pháp luật khác ban hành mà chưa được bổ sung trong 2 dự thảo luật này. Vì thời gian ngắn, tôi nói thêm một số vấn đề sau” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân nói.

Vấn đề thứ nhất, về phân cấp, phân quyền và ủy quyền được nhiều đại biểu quan tâm trong đó tổng cộng có 8 ý kiến đại biểu như đại biểu Ngô Thị Kim Yến đoàn Đà Nẵng, Tô Văn Tám đoàn Kon Tum, đại biểu Hoàng Thị Thu Trang đoàn Nghệ An... Lần này sửa đổi, bổ sung 2 dự án luật này là đẩy mạnh vấn đề phân cấp và ủy quyền, trong đó xác định thẩm quyền của Chính phủ và thẩm quyền của chính quyền địa phương. Trên cơ sở với phạm vi thẩm quyền của mình, đẩy mạnh phân cấp nhiệm vụ của  Chính phủ, các bộ, ngành cho địa phương và chính quyền địa phương cấp trên được đẩy mạnh về phân cấp cho chính quyền địa phương cấp dưới. Tăng cường hình thức ủy quyền để thực hiện một số nhiệm vụ cho chính quyền địa phương cấp dưới...

Như vậy, theo Bộ trưởng, để khắc phục tình trạng thời gian qua tỉnh này lên xin cơ chế, tỉnh kia lên xin cơ chế Quốc hội, Trung ương và Chính phủ thì chúng ta phân biệt vấn đề này để tạo điều kiện và môi trường thuận lợi cho các tỉnh đã thực hiện. Nội dung phân cấp, phân quyền lần này sẽ được thể hiện trong các luật chuyên ngành. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Nội vụ sớm tổng kết Nghị quyết số 21 về phân cấp của Chính phủ đối với các địa phương.

Trong thời gian qua, Nghị quyết số 21 phân cấp theo công việc, lần này chúng ta phân cấp theo lĩnh vực và đẩy mạnh việc giảm các cơ quan trung gian ở trung ương, tức là Chính phủ chỉ đạo sắp xếp giảm các tổng cục, tức là giảm cơ quan trung gian, như vậy sẽ phân quyền nhiều hơn cho địa phương. Tôi nghĩ vấn đề phân quyền hiện nay và xác định thẩm quyền của chính quyền địa phương là tự chủ, quyết định những vấn đề thông qua chính quyền địa phương đó là HĐND, UBND. Vấn đề phân quyền cho địa phương là vấn đề quan trọng và cũng đẩy mạnh vấn đề phân cấp, do đó việc phân quyền, phân cấp lần này có mở rộng về phạm vi, có mở rộng về đối tượng và mở rộng thẩm quyền của chính quyền các cấp hiện nay.

BT Tân
Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân giải trình các vấn đề đại biểu nêu. Ảnh: Quốc Khánh

Vấn đề thứ hai, việc tổ chức lại cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh, cấp huyện, chúng tôi ghi nhận có 8 ý kiến của các đại biểu, đó là  ý kiến của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đoàn Quảng Bình; đại biểu Cao Thị Giang đoàn Quảng Bình; đại biểu Lê Xuân Hòa đoàn Khánh Hòa... Xoay quanh cơ quan chuyên môn lần này cũng giao cho Chính phủ quy định khung của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện để khắc phục tình trạng giao cứng cơ quan chuyên môn đối với những địa phương trong thời gian qua không cần thiết thành lập.

Cũng như ý kiến đại biểu là có quy định những khung quản lý thống nhất trong phạm vi cả nước và có quy định số đơn vị cần nghiên cứu để sáp nhập, hợp nhất mà không phải để địa phương muốn sáp nhập sở nào với sở nào thì sáp nhập, nếu muốn sáp nhập thì phải nằm trong khung của Chính phủ quy định. Những đơn vị đặc thù nếu duy trì tồn tại thì phải có tiêu chuẩn, điều kiện để thành lập, nếu không đủ thì sáp nhập vào văn phòng. Nếu thực hiện thí điểm thì không đưa vào các mảng vi phạm pháp luật, những gì thí điểm thì chưa đưa vào đây, phải chờ nghiên cứu tổng kết. Vấn đề thí điểm tạm thời chưa đưa vào luật lần này.

Trong quy định cũng nói rõ việc quy định biên chế tối thiểu và số lượng cấp phó tối đa nhằm để khắc phục tình trạng sinh ra quá nhiều cơ cấu, tổ chức bên trong. Muốn thành lập cơ cấu tổ chức bên trong phải có số lượng biên chế tối thiểu, tổ chức này phải thu gọn đầu mối trên cơ sở đầu mối phải thực hiện đa nhiệm vụ, đa chức năng, giống như chúng ta quy định bộ ngành hiện nay quản lý nhà nước đa nhiệm vụ, đa chức năng, các sở đầu mối bên trong cũng vậy. Nếu có số lượng biên chế ít hơn thì phải nhập các phòng khác để thực hiện chức năng quản lý đa ngành, đa chức năng.

Cũng để hạn chế tình trạng số lượng lãnh đạo của các cơ quan bên trong nhiều hơn công chức của một đơn vị. Tình trạng này trong thời gian qua lấy ý kiến ở các địa phương thì đa số các ý kiến thống nhất về vấn đề này. Trên nguyên tắc là chúng ta làm sao đảm bảo giảm biên chế trên cơ sở giảm đầu mối và cơ cấu lại đúng đội ngũ của cán bộ, công chức, viên chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Tôi nghĩ đó là 4 vấn đề chúng ta phải đồng thời thực hiện, ở đây không đặt vấn đề giảm biên chế, cũng không đặt vấn đề giảm tổ chức nhằm mục đích tăng tiền lương mà phải thực hiện đồng bộ trong việc tinh gọn lại bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu đội ngũ công chức thì hoạt động của bộ máy nhà nước mới hiệu quả.

Vấn đề tăng thêm Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, nhiều đại biểu phát biểu ý kiến về vấn đề này. Hầu hết các địa phương cũng đồng tình về vấn đề này. Hiện nay chúng ta có 5.500 xã loại 2, nếu chúng ta sắp xếp đợt 1 này là 631 xã và đến năm 2030 chúng ta tiếp tục sắp xếp các xã chưa đủ tiêu chí về dân số và quy mô diện tích thì số xã của loại 2 tăng lên. Sắp xếp lần này tăng thêm Phó Chủ tịch UBND cấp xã loại 2 là không tăng thêm biên chế và số biên chế của xã sẽ giảm đi do chúng ta sắp xếp lại dưới lộ trình 5 năm theo nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ. “Do đó, vấn đề này tôi thấy phù hợp trong thời gian qua…” - Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin.

Ngoài ra, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng thông tin về một số nội dung như: Cơ cấu bổ nhiệm Ủy viên Ủy ban; Về giảm số lượng Phó Chủ tịch của HĐND và các Phó ban của HĐND…

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, đề nghị ban soạn thảo tiếp tục tiến hành làm rõ thêm một số vấn đề như trách nhiệm của các cấp, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan hành chính địa phương ở các cấp rồi làm rõ vai trò giám sát, kiểm tra, thanh tra, vai trò của mặt trận các tổ chức đoàn thể trong vấn đề giám sát quyền lực của nhà nước pháp quyền.

“Sau phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan, tổ chức hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý hoàn thiện dự thảo luật để trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 8 tới đây…” - Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói.