Đà Nẵng: Cân đối nguồn vốn ưu tiên để xử lý hệ thống xả thải

Thời sự - Ngày đăng : 20:46, 18/12/2018

(TN&MT)- Trong phiên thảo luận về môi trường, sáng 18/12 tại Kỳ họp lần thứ 9, Hội đồng nhân dân TP. Đà Nẵng khóa 9, nhiệm kỳ 2016 - 2021, đại biểu Tô Văn Hùng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho hay mỗi ngày, Đà Nẵng thải ra từ 900 đến 1000 tấn rác. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), tới 2025, mỗi ngày TP. Đà Nẵng thải ra khoảng 1.800 tấn rác.

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng, tại quận Hải Châu, quận trung tâm của TP. Đà Nẵng, hiện có hơn 20 quán trà sữa, mỗi tháng các quán trà sữa trên thải ra khoảng 50m3 đến 100m3 rác thải từ ly nhựa và ống hút. Chi phí tính toán xử lý rác theo ADB là khoảng 37 USD/ngày. Theo đó, với số lượng rác thải hiện nay thì mỗi năm, TP. Đà Nẵng phải chi 300 tỉ đồng để xử lý rác.
 

Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng, mỗi ngày Đà Nẵng thải ra từ 900 đến 1000 tấn rác
Theo Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng Tô Văn Hùng, mỗi ngày Đà Nẵng thải ra từ 900 đến 1000 tấn rác

Về nước thải, bình quân mỗi ngày TP. Đà Nẵng thải ra khoảng 200m3/ ngày đêm, hiện có 4 nhà máy xử lý nước thải với tổng công suất 150m3/ngày đêm. Phía đông thành phố có 1.245 cơ sở kinh doanh nhưng chỉ có 45 cơ sở được cấp đánh giá tác động môi trường, 201 cơ sở có đấu nối xử lý nước thải. Hệ thống thu gom của tuyến ống đầu tư 2008 đường kính 250 - 450mm và có hơn 20 cửa xả ra biển. 

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cũng cho hay, sau trận mưa 9 và 10/12 vừa qua, Bảo hiểm Bảo Việt phải đền 280 xe ô tô do ngập nước. Nói về giải pháp, theo đại biểu Hùng, UBND thành phố đang triển khai quy hoạch đầu 2019 sẽ tiến hành phân loại rác tại  nguồn. “Cơ sở kinh doanh chỉ 500 ngàn/tháng, hộ gia đình chỉ có 30 ngàn/tháng. Thu phí nước thải chỉ 1000 đồng/m3. Chính vì thế, thành phố không thể có nguồn lực để giải quyết vấn đề này”, đại biểu Hùng phân tích.
 

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, việc mưa quá lớn gây ngập úng là do chưa bảo đảm tính đồng bộ hệ thống thoát nước
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, việc mưa quá lớn gây ngập úng là do chưa bảo đảm tính đồng bộ hệ thống thoát nước


Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng cho biết, năm 2008, thành phố ban hành đề án xây dựng thành phố môi trường và đến nay đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Trước đây, TP. Đà Nẵng có tổng cộng 13 điểm nóng môi trường, đến nay đã khắc phục được 7 điểm, các điểm còn lại đang tiếp cận để từng bước xử lý dứt điểm.

Cũng tại phiên thảo luận này, ĐB Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, hệ thống thoát nước đô thị thành phố hiện nay có biểu hiện lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, nhiều tuyến chưa phát huy tác dụng, đặc biệt là khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết cực đoan như đợt mưa lớn vừa qua.

Hiện đang có 15 điểm đang thi công các công trình, hệ thống thoát nước gần như không hoạt động được, dẫn đến gây ngập úng
Hiện đang có 15 điểm đang thi công các công trình, hệ thống thoát nước gần như không hoạt động được, dẫn đến gây ngập úng

ĐB Nguyễn Thành Tiến cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thành phố chưa dự báo được sự phát triển của đô thị. Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm số lượng hồ điều tiết trong thành phố từ 42 hồ còn 30 hồ, tương ứng với diện tích hồ còn khoảng gần 200ha, với dung tích tối đa khoảng 3,5 triệu m3.

Liên quan đến vấn đề thoát nước đô thị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, việc mưa quá lớn gây ngập úng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố cũng chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ việc chưa bảo đảm tính đồng bộ, như chỗ có máy bơm thì không có nước ngập, chỗ ngập lại không có máy bơm; mùa nắng thì làm thủ tục, mùa mưa đem ra thi công cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập úng; liệu có sử dụng hiệu quả 83 tỷ đồng ngân sách để nạo vét hệ thống thoát nước mỗi năm; ý thức người dân còn hạn chế trong việc xả thải…

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND xem lại hệ thống xử lý nước thải, bố trí vốn xử lý bất cập, cân đối nguồn vốn ưu tiên để xử lý hệ thống xả thải.