Ứng dụng công nghệ 4.0 để hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai
Thời sự - Ngày đăng : 21:05, 16/11/2018
Hội thảo do ông Mai Văn Phấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý Đất đai chủ trì. Tham dự có đại diện văn phòng Chính phủ, Vụ Khoa hoc học Công nghệ và Hợp tác quốc tế, Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT và lãnh đạo các đơn vị thuộc Tổng cục quản lý đất đai. Hội thảo nhằm cung cấp thông tin về chủ trương phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025 và xác định các nhiệm vụ trọng tâm của lĩnh vực quản lý đất đai.
Phát biểu khai mac hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Mai Văn Phấn cho biết, nhu cầu ứng dụng công nghệ phát triển cơ sở dữ liệu đất đai đang rất cấp bách, nhưng công cụ triển khai còn chưa đáp ứng đươc. Nhận thức của đội ngũ cán bộ về Chính phủ điện tử còn hạn chế, chưa nắm rõ yêu cầu của cách mạng 4.0 cho ngành đất đai. Theo ông Phấn, yêu cầu hiện nay là cần có khung phát triển cụ thể, xác định những yếu tố cần thiết để định hướng và ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực quản lý đất đai, nỗ lực theo kịp trình độ phát triển quốc tế.
Tại hội thảo, ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó trưởng ban Hành chính điện tử, Cục Kiểm soát Thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ) đã chia sẻ các nội dung liên quan đến Cuộc cách mạng 4.0 và tác động đến việc xây dựng Chính phủ điện tử. Theo đó, trong giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến 2025, Việt Nam định hướng phát triển Chính phủ điện tử với các nhiệm vụ trọng tâm là: Xây dựng, hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện; xây dựng nền tảng phát triển CPĐT; xây dựng CPĐT gắn kết chặt chẽ ứng dụng CNTT với cải cách hành chính; Bảo đảm gắn kết chặt chẽ với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh quốc gia, bảo vệ thông tin cá nhân; bảo đảm các nguồn lực triển khai và thiết lập cơ chế bảo đảm thực thi.
Liên quan đến hệ thống thông tin đất đai quốc gia, ông Nguyễn Bảo Trung, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và Dữ liệu TN&MT cho biết, hệ thống gồm 2 thành phần: Cấp Trung ương do Bộ TN&MT quản lý và cấp địa phương do UBND tỉnh quản lý. Trên cơ sở này, kiến trúc dữ liệu đất đai và các ứng dụng, công nghệ và đảm bảo an toàn thông tin bao gồm cả CSDL đất đai cấp Trung ương và cấp tỉnh. Theo lộ trình triển khai kiến trúc này, công tác xây dựng, hoàn thiện CSDL đất đai các cấp vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện từ nay đến 2025 và đảm bảo vòng đời hệ thống thông tin đất đai được duy trì và thực thi 5 năm 1 lần.
Theo ông Nguyễn Tuấn Anh, đối với ngành quản lý đất đai, mục tiêu xây dựng CPĐT là xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia tích hợp, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL các Bộ, ngành, địa phương. Nhiệm vụ chủ yếu của ngành trong giai đoạn 2018 - 2020 là tiếp tục triển khai CSDL Đất đai quốc gia trên nền tảng xây dựng cơ sở dữ liệu cấp tỉnh và cấp Trung ương; kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống thông tin, CSDL các bộ, ngành, kết nối cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống thực định danh điện tử. Trong đó, giai đoạn 2019 - 2020 tập trung hoàn thiện CSDL về TN&MT, xây dựng CSDL không gian địa lý quốc gia cung cấp hạ tầng dữ liệu thiết yếu cho vận hành, phát triển Chính phủ điện tử, các dịch vụ công trực tuyến, phát triển đô thị thông minh. Từ 2021 - 2025 sẽ tiếp tục hoàn thiện.
Việc ứng dụng công nghệ 4.0 chủ yếu trong thể chế, chính sách và nên tảng công nghệ. Trong đó, nghiên cứu bổ sung công nghệ mới trong xây dựng chính sách như: Block Chain trong giao dịch điện tử lĩnh vực đất đai; ứng dụng chuẩn giao tiếp mở giữa các cổng thông tin. Về công nghệ, thiết lập nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống thông tin, CSDL quản lý đất đai theo công nghệ tiên tiến thế giới, Block Chain trong giao dịch giữa các hệ thống; ứng dụng công nghệ dữ liệu lớn trong thu thập, phân tích dữ liệu, hỗ trợ ra quyết định trong quản lý. Đồng thời, nghiên cứu mở dữ liệu cung cấp cho cộng đồng doanh nghiệp trong phát triển các ứng dụng phục vụ người dân.
Tại Hội thảo, đại diện các đơn vị thuộc Tổng cục đã thảo luận, trao đổi với các chuyên gia nhằm làm rõ những khó khăn, vướng mắc cũng như giải pháp phát triển Chính phủ điện tử trong lĩnh vực quản lý đất đai.