Quốc hội thảo luận về một số ý kiến khác nhau về dự thảo Luật Chăn nuôi

Thời sự - Ngày đăng : 21:22, 07/11/2018

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 6, chiều 7/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Chăn nuôi.

Trước khi Quốc hội thảo luận về Dự án Luật Chăn nuôi, các đại biểu Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về Dự án Luật chăn nuôi.

Báo cáo nêu rõ: Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về Dự án Luật Chăn nuôi. Sau kỳ họp, trên cơ sở ý kiến phát biểu của các vị Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thảo luận ở Tổ và Hội trường, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Cơ quan chủ trì soạn thảo Dự án Luật, đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội và các cơ quan có liên quan nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị ĐBQH để chỉnh lý Dự thảo Luật.

0711 ô Phan Xuân Dũng
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu về Dự án Luật

Ngày 10/8/2018, tại phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn trong việc tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật theo ý kiến ĐBQH tại kỳ họp 5. Dự thảo Luật cũng đã được gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH. Tính đến ngày 04/10/2018, đã có 61/63 Đoàn ĐBQH gửi báo cáo góp ý về Dự thảo Luật Chăn nuôi.

Về bố cục, nội dung của Dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy các ý kiến nêu trên là xác đáng và đã chỉ đạo rà soát, chỉnh sửa Dự thảo Luật, bổ sung một số điều, khoản; kết cấu, chỉnh sửa lại các chương, mục cho rõ ràng và hợp lý hơn, phù hợp với nội hàm điều chỉnh. Dự thảo Luật đã được bổ sung 01 chương mới về chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi; bổ sung một số điều quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi cho rõ ràng và cụ thể hơn; chỉnh sửa, bổ sung một số quy định về đối xử nhân đạo với vật nuôi (Mục 2, Chương V), bổ sung Mục 1, Chương V về chăn nuôi động vật khác; bổ sung quy định nhằm khuyến khích phát triển chăn nuôi tập trung quy mô lớn, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường tại Chương IV.

Bên cạnh đó, Dự thảo Luật cũng đã bổ sung quy định về chiến lược phát triển chăn nuôi (Điều 5), hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi (Điều 6), ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi (Điều 7), xây dựng vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh (Điều 8), hợp tác, liên kết sản xuất trong chăn nuôi (Điều 9), cơ sở dữ liệu quốc gia về chăn nuôi (Điều 11); chỉnh sửa quy định hợp tác quốc tế về chăn nuôi (Điều 10). Sau khi chỉnh sửa, Dự thảo Luật mới gồm 08 chương 82 điều, tăng 17 điều so với Dự thảo Luật mà Chính phủ đã trình Quốc hội tại kỳ họp 5.

Về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi, Chủ nhiệm Ủy ban Phan Xuân Dũng cho biết, Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Dự thảo Luật đã được rà soát, chỉnh sửa lại quy định về chính sách của Nhà nước về chăn nuôi tại Điều 4. Theo đó, đã phân định các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích phù hợp với yêu cầu phát triển chăn nuôi của từng thời kỳ và cụ thể hóa các nội dung này trong các điều, khoản của Dự thảo Luật.

Đối với ý kiến đề nghị bổ sung chính sách về dự trữ quốc gia đối với một số sản phẩm chăn nuôi thiết yếu, theo Chủ nhiệm Phan Xuân Dũng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy việc bổ sung chính sách là cần thiết, tuy nhiên tùy từng thời kỳ, điều kiện thực tế Chính phủ sẽ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định điều chỉnh Danh mục hàng dự trữ quốc gia theo quy định của Luật Dự trữ quốc gia. Do đó, không bổ sung nội dung này trong Dự thảo Luật.

Đồng thời, có ý kiến đề nghị bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học và công nghệ để đẩy nhanh ứng dụng tiến bộ vào chăn nuôi, phát triển chăn nuôi theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm của sản phẩm chăn nuôi.

Về vấn đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin được giải trình như sau: nội dung về nghiên cứu khoa học và công nghệ nói chung, trong đó có nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi đã được quy định trong Luật khoa học và công nghệ, Luật Chuyển giao công nghệ. Do đó, quy định về nội dung này như tại khoản 2 và khoản 3 Điều 4 chính sách của Nhà nước về chăn nuôi; Điều 6 về hoạt động khoa học và công nghệ trong chăn nuôi và Điều 7 về ứng dụng công nghệ trong chăn nuôi là hợp lý…

Bên cạnh các vấn đề chính nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Thường trực Ủy ban, Ủy ban Pháp luật, Ban soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát toàn bộ Dự thảo Luật, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến góp ý trong từng điều, khoản của Dự thảo Luật, cũng như hoàn thiện kỹ thuật lập pháp và văn phong của Dự thảo Luật. Dự thảo Luật sau chỉnh sửa thì số lượng các điều, khoản giao Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn quy định đã giảm 12 điều, khoản, so với Dự thảo Chính phủ trình Quốc hội tại kỳ họp 5.

0711 ĐB Kim Bé
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn tỉnh Kiên Giang) phát biểu thảo luận

Phát biểu tại Hội trường, nhiều đại biểu đã góp ý về xử lý chất thải chăn nuôi, dự thảo Luật đã chỉnh sửa, bổ sung quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ, nước thải, khí thải tại Điều 59; quy định cụ thể hơn về xử lý chất thải chăn nuôi nông hộ tại Điều 61 để bảo vệ môi trường trong chăn nuôi, đồng thời, tận dụng nguồn chất thải này làm dinh dưỡng cho cây trồng để giảm lượng xả thải và chi phí cho doanh nghiệp, xã hội.

Theo điểm a, khoản 2, Điều 59 thì tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi có trách nhiệm xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trước khi sử dụng cho cây trồng hoặc làm thức ăn cho thủy sản. Bày tỏ băn khoăn về quy định này, ĐBQH Trần Đình Gia (Đoàn tỉnh Hà Tĩnh) đề nghị, cần làm rõ, tổ chức, cá nhân sở hữu trang trại chăn nuôi và tổ chức, cá nhân sở hữu vật nuôi.

Muốn vậy, theo ông Trần Đình Gia, cần làm rõ quy định này trong phần giải thích từ ngữ ở Điều 2 của dự thảo Luật. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực chăn nuôi có nhiều chủ sở hữu trang trại chăn nuôi không trực tiếp tổ chức chăn nuôi mà cho người khác thuê để tổ chức chăn nuôi. Nếu quy định trách nhiệm về xử lý chất thải rắn trong chăn nuôi cho chủ sở hữu trang trại thì việc này khó thực hiện vì chủ trang trại không trực tiếp tổ chức chăn nuôi.

Thực tế cho thấy, có nhiều doanh nghiệp, tập đoàn tổ chức chăn nuôi bằng hình thức cung cấp giống, thức ăn, thuốc bảo vệ thực vật cho các chủ chăn nuôi theo hình thức nuôi gia công. Nếu quy định như dự thảo Luật thì trách nhiệm xử lý chất thải chăn nuôi sẽ đổ dồn cho người nuôi gia công mà những người chủ sở hữu thực sự các vật nuôi lại không có trách nhiệm trong vấn đề này. Do đó, cần nghiên cứu lại quy định này...

Tham luận về các hành vi bị nghiêm cấm, khoản 7, khoản 8 và khoản 9  Điều 12 quy định: cấm nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi có sử dụng chất cấm trong chăn nuôi; cấm nhập khẩu, kinh doanh, chế biến thịt, nội tạng của vật nuôi chết do bệnh hoặc chết không rõ nguyên nhân và cấm nhập khẩu, chăn nuôi, phóng thích, sử dụng trái phép vật nuôi biến đổi gen, sản phẩm chăn nuôi từ vật nuôi biến đổi gen... đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Đoàn tỉnh Kiên Giang) cho rằng quy định như vậy là chưa đầy đủ. Vì thực tế cho thấy, thời gian qua, nước ta đã nhập khẩu một số vật nuôi gây tác hại với môi trường sống như ốc bươu vàng. Do đó, để quản lý chặt chẽ hơn, đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định cấm nhập khẩu vật nuôi có tác hại đến môi trường sản xuất, môi trường sống.

Sau phần phát biểu của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã phát biểu giải trình một số nội dung các địa biểu quan tâm. Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội; chỉ đạo Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp với Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và các cơ quan có liên quan hoàn chỉnh Dự thảo luật để trình Quốc hội xem xét thông qua theo đúng quy trình…