ĐBQH Dương Minh Tuấn: Tăng cường kết nối để phát triển kinh tế biển
Thời sự - Ngày đăng : 16:10, 26/10/2018
Bày tỏ sự thống nhất cao với các báo cáo của Chính phủ, các báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội về đánh giá kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội, kinh tế phát triển xã hội ngân sách năm 2018 và 3 năm kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngân sách năm 2019, Đại biểu Dương Minh Tuấn cho biết: Dưới sự quản lý, điều hành trong thời gian qua của Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các chỉ tiêu kế hoạch đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.
Bên cạnh những kết quả đạt được, liên quan đến lĩnh vực thương mại, kinh tế biển ông Dương Minh Tuấn cũng thống nhất với đánh giá trong báo cáo của Chính phủ đó là chi phí logistic gần gấp đôi so với các nền kinh tế và cao hơn mức bình quân toàn cầu. Thống nhất với nhận định của báo cáo thẩm tra đó là hạ tầng giao thông phát triển thiếu cân bằng giữa đường bộ với các loại hình vận tải khác làm cơ cấu vận tải chuyển dịch chưa đúng hướng và tăng chi phí logictic cho doanh nghiệp…
Ông Dương Minh Tuấn phân tích: Trong nhóm cảng biển có một số cảng như cảng Long An, cảng Hiệp Phước, Cát Lái, Phú Hữu, Phú Mỹ, Cái Mép - Thị Vải. Riêng cụm cảng Cái Mép - Thị Vải qua 9 năm từ khi đi vào hoạt động năm 2009 đến nay đã thu nộp ngân sách nhà nước Trung ương trên 90.000 tỷ đồng. Trung bình một năm Trung ương thu 12.000 tỷ.
Về đầu tư, tổng vốn đầu tư xây dựng hệ thống cụm cảng này là trên 84.000 tỷ đồng, trong đó vốn Trung ương là 5.770 tỷ. Phân tích số liệu cho thấy Trung ương thu trên 90.000 tỷ nhưng chi đầu tư chỉ có trên 5.700 tỷ, chỉ chiếm 6% đồng nghĩa đối với cụm cảng này, Trung ương bỏ ra 6 tỷ thu về 100 tỷ. Có một điều lưu ý là thu đạt trên 90.000 tỷ nhưng công suất khai thác của cụm cảng chỉ đạt 40%.
Phân tích nguyên nhân vì sao đây là một trong 19 cảng nước sâu trên thế giới, cảng trung chuyển trong khu vực có thể đón những con tàu lên đến 180.000 tấn với sức chứa 18.000 TEU đồng nghĩa vận chuyển 18.000 container 20 feet. Có thể đi trực tiếp không qua quá cảnh đến những quốc gia lớn kể cả Hoa Kỳ.
Về nguyên nhân, theo Đại biểu Dương Minh Tuấn đó là do chi phí thương mại cao, giao thông kết nối thiếu đồng bộ. Nhiều trường hợp chủ hàng không quá cảnh do quá xa, khó khăn về giao thông nên khi tàu cập cảng, chủ hàng phải chấp nhận tốn thêm chi phí để chuyển hàng bằng xà lan tàu nhỏ đến cảng khác để thông quan, sau đó quay ngược lại bằng cung đường ít ùn tắc giao thông gây lãng phí.
Theo ông Dương Minh Tuấn, hiện nay, trong vùng trọng điểm kinh tế phía Nam gồm các cảng biển có 2 tuyến cao tốc là Long Thành - Bến Lứt và Long Thành - Dầu Giây. Một tuyến sắp đi vào hoạt động đó là cao tốc Bến Lứt - Long Thành và một tuyến trung ương Long Thành - Dầu Giây.
“Vì sự phát triển chung của cả nước nhất là kinh tế biển, tôi đề nghị trung ương sớm triển khai đường cao tốc Bến Lứt - Long Thành, phía dưới cao tốc này là cụm cảng biển. Do vậy, đề nghị khi triển khai hoạt động Trung ương sớm cho bắc cầu nối từ cảng biển lên cao tốc để đi miền Tây và miền Trung. Giá trị của cây cầu này là 5.000 tỷ có tên cầu Phước An” - ông Dương Minh Tuấn nói.
Bên cạnh đó, đường cao tốc Long Thành - Dầu Giây đang hoạt động, đề nghị sớm triển khai cao tốc Biên Hòa - Đồng Nai đi qua Quốc lộ 51 trị giá 7.500 tỷ và 991b là 2.400 tỷ. Tổng cộng 3 công trình này có giá trị là 15.000 tỷ. Nếu bỏ ra 15.000 tỷ thì hệ thống kết nối sẽ đồng bộ hơn, chi phí giảm hoặc tương đương nên sẽ nâng cao được năng lực cạnh tranh với khu vực quốc tế.
Nếu như kết nối đồng bộ thì mức công suất từ 40% có thể tăng lên 80%. Một năm nếu 40% mình thu 12.000 tỷ thì 80% mình thu được 24.000 tỷ. “Xin báo với Quốc hội, một năm chúng ta thu dầu và khí bây giờ mới đạt 45.000 thôi, mà riêng chỗ này, nếu bỏ 15.000 tỷ thì 1 năm chúng ta thu được 24.000 tỷ. Như vậy nguồn thu hết sức lớn” - ông Dương Minh Tuấn phân tích.
Nước ta có một vùng biển đặc quyền kinh tế rộng trên 1 triệu km2, gấp 3 lần diện tích đất liền, nằm ở vị trí trung tâm của khu vực châu Á Thái Bình Dương về vận tải biển. Nước ta là 1 đầu mối trong 4 hành lang hướng ra biển Đông của tiểu vùng sông Mê Kông, dư địa phát triển kinh tế rất lớn.
“Điều này cho thấy chúng ta có rất nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển kinh tế biển, kết nối đầu tư giao thông, kết nối để phát triển kinh tế biển là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, để từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển” - Đại biểu Dương Minh Tuấn nhấn mạnh.