Quốc hội thảo luận về KTXH: Đồng lòng hiến kế để tăng trưởng bền vững hơn

Thời sự - Ngày đăng : 16:28, 26/10/2018

(TN&MT) - Ngày 26/10, thảo luận tại hội trường về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và ba năm thực hiện kế hoạch 2016-2020; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019... nhiều đại biểu bày tỏ tâm huyết về tình hình phát triển kinh tế xã hội thời gian qua đã được bày tỏ ngay tại hội trường, trước cử tri cả nước.
Toàn caNHR
Toàn cảnh phiên họp sáng 26/10

Lo thất thoát, lãng phí trong đầu tư

Đánh giá cao kết quả từ điều hành, quản lý kinh tế-xã hội của Chính phủ trong thời gian qua, giúp đất nước vượt qua nhiều khó khăn, thách thức trong nửa đầu nhiệm kỳ; đạt được nhiều kết quả tích cực, tăng cường niềm tin trong nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trong nước và quốc tế là ý kiến chung từ các Đại biểu Quốc hội.

Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu đã đánh giá thực trạng và kiến nghị các giải pháp về phát triển kinh tế-xã hội trong thời gian tới. Bên cạnh những thành tựu đạt được, một số đại biểu "chưa thật sự an tâm, còn cảm thấy lo lắng" trước nhiều khó khăn thách thức đã và đang đặt ra trong thời gian tới như chất lượng tăng trưởng tích cực, cải thiện nền kinh tế dựa vào vốn tài nguyên sức lao động, đầu tư nước ngoài; công nghiệp chủ yếu là quan hệ gia công sản xuất; nông nghiệp chưa phát huy lợi thế của nền nông nghiệp nhiệt đới; nền nông nghiệp còn chịu nhiều rủi ro về thị trường dễ bị tổn thương; nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên thô, lao động giá rẻ, chế biến thô là phổ biến, trong khi cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư chưa thật sự lan tỏa trong nền kinh tế.

ĐB Nguyễn Anh Trí
Đại biểu Nguyễn Anh Trí phát biểu

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An), đưa ra các băn khoăn, lo lắng của cử tri về tình trạng nhiều dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư, kéo dài thời gian hoàn thiện trong thời gian qua khiến thất thoát lớn nguồn lực nhà nước, gây bức xúc dư luận. "Đầu nhiệm kỳ, nhiều đại biểu Quốc hội lên tiếng phản ứng gay gắt vì 12 dự án thua lỗ hàng nghìn tỷ do Bộ Công Thương quản lý, thì đến bây giờ lại phát sinh thêm các dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý," đại biểu Cầu phản ánh và đưa ra một số ví dụ như dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi hơn 34.000 tỷ vừa nghiệm thu, thông xe, chỉ sau vài trận mưa là hỏng.

Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông điều chỉnh mức đầu tư so với ban đầu tăng 205,27%; dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào năm 2013, nay đã quá sáu năm chưa kết thúc. Dự án đường sắt đô thị tuyến Bến Thành-Suối Tiên do Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đầu tư với tổng mức đầu tư ban đầu là hơn 17 tỷ đồng, đã điều chỉnh tăng thêm là hơn 47 tỷ đồng (tăng 272%); dự kiến hoàn thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2018 này nhưng đến nay mới hoàn thành 52% khối lượng công việc...

"Cứ tình trạng điều chỉnh tăng thêm thế này, cứ kéo dài thời gian thế này thất thoát lãng phí là nhiều vô kể. Cử tri đòi hỏi Chính phủ, Quốc hội cần xử lý xử lý nghiêm những sai phạm này" - Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu nói.

Đoàn BRVT
Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tại phiên họp sáng 26/10

Cần chú trọng hơn những vấn đề xã hội

Khuyến nghị về các chỉ tiêu kinh tế-xã hội mà Quốc hội giao cho Chính phủ, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, cần quan tâm, chú trọng hơn đến các chỉ tiêu về các vấn đề xã hội.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí nói: "Trong các chỉ tiêu Quốc hội giao cho Chính phủ, và các chi tiêu của Chính phủ giao cho các bộ, ngành, tôi đề nghị cần phải bổ sung thêm một số chỉ tiêu nữa vì nó rất cần thiết. Đó là chỉ tiêu về biển, về du lịch, về giáo dục-đào tạo. Còn các chỉ tiêu của Chính phủ giao cho Bộ Y tế, có lẽ phải điều chỉnh, phải thêm các chỉ tiêu về sản khoa, trẻ em, các chỉ tiêu về dịch bệnh, số vụ, số người bị bệnh không lây nhiễm, bệnh bẩm sinh, bệnh di truyền..."

Ngoài phát triển kinh tế, đại biểu Bùi Ngọc Phương (Quảng Bình) đề nghị Chính phủ cần phải tiếp tục tích cực chỉ đạo tăng cường hơn nữa vấn đề phòng, chống tội phạm. Theo đại biểu, thời gian qua tình trạng giết người tàn độc diễn ra ở nhiều nơi, nạn cờ bạc, số đề, cho vay nặng lãi làm phát sinh tín dụng đen, các băng, nhóm đâm thuê, chém mướn, đòi nợ thuê làm nhiều gia đình khốn đốn; bạo lực còn tràn vào nhà trường, bệnh viện... Thực trạng trên đã khiến xã hội phát sinh nhiều tiêu cực, bất an, xuất hiện tình trạng "người ngay sợ kẻ gian."

Bộ trưởng
Bộ trưởng Trần Hồng Hà và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ tại hành lang Quốc hội sáng 26/10

Sốt ruột về tinh giảm biên chế

Chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế được nêu ra tại Nghị quyết TƯ6 của Đảng và Nghị quyết 56 của Quốc hội là một chủ trương đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng của cử tri, bước đầu có những kết quả tích cực như giảm 15 vụ thuộc bộ, 189 phòng thuộc vụ, cục, giảm hơn 86.000 biên chế...

Tuy nhiên, theo Đại biểu Cao Đình Thưởng, đoàn Phú Thọ, do chưa có hướng dẫn cụ thể cũng như thiếu cơ sở pháp lý đầy đủ nên việc tổ chức thực hiện và triển khai trong thực tế thời gian qua ở các bộ, ngành, địa phương chưa đồng bộ, thiếu thống nhất và nhiều nơi còn lúng túng.

“Mỗi nơi làm một cách khác nhau, trong khi chúng ta chưa tổ chức thí điểm mô hình tổng kết đánh giá để nhân lên diện rộng” – ông Thưởng nói.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thăng, đoàn Hải Dương nêu thực tế: Việc tinh giản biên chế khó đạt mục tiêu giảm tối tiểu 10% từ nay đến năm 2021.

Đại biểu Thăng cũng nêu nguyên nhân là do việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về cải cách bộ máy hành chính của Nhà nước còn chậm. Nghị quyết 56 của Quốc hội đã nêu rõ, trong năm 2018, phải hoàn thành việc ban hành các văn bản quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, văn bản về chức năng, nhiệm vụ , cơ cấu tổ chức , cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, văn bản về tiêu chí phân loại, điều kiện thành lập các đơn vị sự nghiệp công lập theo lĩnh vực... Tuy nhiên, gần hết năm 2018 mà nhiều văn bản chưa được ban hành.

Chia sẻ quan điểm, tinh gọn bộ máy không thể làm trong ngày một ngày hai, tuy nhiên, đại biểu Đại biểu Tạ Văn Hạ, đoàn Bạc Liêu cho rằng, đã đến lúc cần phải nhận thức rõ ràng: ngân sách nhà nước, tiền thuế của dân không thể chịu nổi khi mà hàng năm, chi thường xuyên vẫn chiếm hơn 60% tổng chi ngân sách nhà nước. Số còn lại dành một phần không nhỏ cho quốc phòng, an ninh. Đại biểu đoàn Bạc Liêu đặt câu hỏi “Vậy còn đâu để đầu tư cho phát triển?”.

2610 duong minh tuan ba ria vung tau 2
Đại biểu Dương Minh Tuấn phát biểu tại Hội trường

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) đề nghị sớm sửa Điều 130 Luật Đất đai năm 2013 về hạn điền theo hướng người nào sử dụng đất có hiệu quả (kể cả người có hộ khẩu thường trú tại địa phương hay ngoài địa phương) thì giao cho người đó sử dụng với hình thức người nông dân góp vốn bằng đất theo sự thỏa thuận giữa người nhận và người giao, chính quyền làm trung gian.

Thực tế hạn điền 2 hay 3ha theo Luật Đất đai năm 2013 hiện nay không còn phù hợp trong khuyến khích mô hình kinh tế trang trại phát triển, xây dựng cánh đồng lớn và tiến hành cơ giới hóa thực hiện việc chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn, đại biểu Mai Sỹ Diến nói.

Cũng quan tâm đến vấn đề nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Thị Xuân Thu (Khánh Hòa) đề cập đến tình trạng “được mùa, mất giá” vẫn tiếp tục tái diễn mà việc giải cứu nông sản (thanh long, chuối, khoai tây) thời gian vừa qua đã cho thấy cơ chế liên kết năm nhà chưa hiệu quả.

Đại biểu cho rằng việc phát triển hợp tác xã và đầu tư cho công nghệ chế biến sau thu hoạch, công tác quy hoạch trong nông nghiệp cần phải tiếp tục được nghiên cứu và có giải pháp hiệu quả hơn.

Cũng tại hội trường, nhiều đại biểu kiến nghị về thực trạng và giải pháp giảm nghèo bền vững cho các vùng nông thôn, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số; các vấn đề về tăng tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội; nâng cao chất lượng y tế, giáo dục-đào tạo…