Khai mạc Hội nghị khoa học, công nghệ toàn quốc ngành Đo đạc và Bản đồ
Thời sự - Ngày đăng : 09:37, 05/10/2018
Hội nghị nhằm hướng tới hoạt động chào mừng 60 năm ngày truyền thống Ngành đo đạc và bản đồ, 60 năm ngày thành lập Cục Đo đạc, Bản đồ và Thông tin địa lý Việt Nam và chuẩn bị cho Hội nghị quốc tế các nhà đo đạc thế giới (FIG Working Week 2019) tổ chức tại Việt Nam.
Tham dự Hội nghị có GS.TSKH Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường; Lãnh đạo các Sở Tài nguyên và Môi trường trên cả nước; Các trường Đại học, các Viện nghiên cứu; Hội trắc địa bản đồ viễn thám Việt Nam và các Bộ, Ngành có liên quan và gần 700 đại biểu là các nhà khoa học, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật liên quan đến hoạt động đo đạc và bản đồ.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết lãnh đạo Bộ TN&MT rất vui mừng được biết rất nhiều nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên cả nước đã tích cực tham gia chuẩn bị cho sự kiện này, nhiều báo cáo khoa học có chất lượng đã được gửi tới Ban tổ chức để lựa chọn trình bày tại Hội nghị. Thứ trưởng bày tỏ lời cám ơn đến các nhà khoa học, các chuyên gia, các tác giả đã gửi báo cáo khoa học tới Hội nghị, các cơ quan tổ chức liên quan đã tích cực phối hợp với Ban tổ chức chuẩn bị cho Hội nghị.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa, hoạt động đo đạc và bản đồ là hoạt động điều tra cơ bản, đặc biệt quan trọng, làm nền tảng để triển khai các nghiên cứu khoa học về trái đất, cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh; phục vụ quy hoạch, quản lý lãnh thổ, giám sát tài nguyên, môi trường; phòng chống thiên tai và cứu hộ cứu nạn;
Đồng thời góp phần bảo vệ và khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, góp phần nâng cao dân trí. Thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ được sử dụng rộng rãi trong hoạt động hàng ngày của đời sống xã hội.
Trong những năm cuối thế kỷ 20 - đầu thế kỷ 21, công nghệ đo đạc và bản đồ đã có những phát triển vượt bậc, công nghệ truyền thống đã được thay thế bằng công nghệ số dựa trên nền tảng của công nghệ vệ tinh và công nghệ thông tin. Công nghệ đo đạc và bản đồ hiện đại góp phần tạo ra những sản phẩm đo đạc bản đồ đầy đủ, chính xác hơn, kịp thời hơn, thúc đẩy tăng năng suất lao động, giảm chi phí giá thành và thời gian thi công, giảm phụ thuộc yếu tố ngoại cảnh, không phụ thuộc vào chủ quan của con người. Các hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ tập trung vào nghiên cứu hoàn thiện hạ tầng đo đạc, áp dụng công nghệ mới, tiên tiến trong thu thập, xử lý số liệu, quản lý cơ sở dữ liệu.
Trong bối cảnh khoa học, công nghệ phát triển không ngừng, công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ đo đạc và bản đồ luôn được Lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường quan tâm, chỉ đạo các cơ quan , đơn vị đẩy mạnh các chương trình nghiên cứu dựa trên các Nghị quyết của Đảng về phát triển khoa học và công nghệ; Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 418/QĐ-TTg ngày 11/4/2012; Chiến lược phát triển ngành Đo đạc và Bản đồ Việt Nam đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 33/2008/QĐ-TTg ngày 27/2/2008; các chương trình phát triển khoa và công nghệ quốc gia…
Kết quả hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ ngành Đo đạc và Bản đồ đã đóng góp quan trọng trong việc hình thành hệ thống luận cứ khoa học phục vụ việc ban hành cơ chế, chính sách, pháp luật về đo đạc và bản đồ; nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động đo đạc và bản đồ phục vụ điều tra cơ bản, phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng an ninh.
Đặc biệt, ngày 14/6/2018, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV, Quốc hội đã thông qua Luật Đo đạc và bản đồ, đây là một bước tiến rất quan trọng trong việc hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, làm cơ sở pháp lý để nhà nước quản lý thống nhất hoạt động đo đạc và bản đồ trong phạm vi cả nước, thúc đẩy ngành Đo đạc và Bản đồ phát triển trong thời gian tới.
Luật Đo đạc và Bản đồ quy định ưu tiên nghiên cứu cơ sở khoa học để hoàn thiện thể chế, pháp luật về đo đạc và bản đồ; nghiên cứu phát triển hạ tầng dữ liệu không gian quốc gia; nghiên cứu cơ bản về Trái đất bằng phương pháp đo đạc và bản đồ tiên tiến, hiện đại; nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ cao, công nghệ tiên tiến, công nghệ mới trong hoạt động đo đạc và bản đồ cơ bản; hoạt động bản đồ chuyên ngành phục vụ quốc phòng, an ninh, phòng, chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn, khắc phục sự cố môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Trong bối cảnh nhu cầu sử dụng thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ ngày càng tăng, các cơ quan Chính phủ và tổ chức, cá nhân đều nhận thấy các thông tin về vị trí và thuộc tính của các đối tượng địa lý đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống hàng ngày cũng như trong các quyết định hành động, đặc biệt trong xây dựng Chính phủ điện tử, thành phố thông minh.
Việc đẩy mạnh các nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực đo đạc và bản đồ sẽ góp phần nâng cao chất lượng thông tin dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ, chính xác, đầy đủ, kịp thời thúc đẩy ứng dụng các thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 ở Việt Nam.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho rằng, lần đầu tiên được tổ chức trên quy mô toàn quốc, Hội nghị khoa học, công nghệ toàn quốc ngành Đo đạc và Bản đồ là một sự kiện quan trọng của ngành, tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, nhà quản lý hoạt động đo đạc, bản đồ, viễn thám trên toàn quốc và các ngành có liên quan trao đổi, báo cáo thành tựu, kết quả nghiên cứu khoa học chuyển giao công nghệ đo đạc và bản đồ toàn quốc trong giai đoạn vừa qua.
“Đồng thời Hội nghị sẽ tổng kết đánh giá các thành tựu của ngành đo đạc, bản đồ và định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ của ngành trong thời gian tới phục vụ xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc và bản đồ, chiến lược phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia đến năm 2030 tạo nền tảng để ứng dụng cách mạng công nghiệp 4.0” - Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa nói.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho biết: Năm 2019, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị quốc tế các nhà đo đạc thế giới (FIG Working Week 2019). Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa mong muốn các báo cáo khoa học cùng các nội dung thảo luận ngày hôm nay sẽ làm cơ sở định hướng trong quá trình xây dựng Chiến lược phát triển ngành đo đạc, bản đồ đến năm 2030 và định hướng cho công tác nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ của ngành trong thời gian tới. Trong số các báo cáo khoa học được gửi tới Hội nghị, Ban tổ chức cùng với Hội Trắc địa, Bản đồ và Viễn thám Việt Nam cũng đã lựa chọn được hơn 15 bài viết tiêu biểu để đề xuất đăng ký báo cáo tại “FIG Working Week 2019”.
Tại Hội nghị, các chuyên gia sẽ trình bày các báo cáo, tham luận như: “Thông tin không - thời gian là hạ tầng thông tin cho phát triển thế hệ công nghệ 4.0”; “Hiện đại hóa hạ tầng đo đạc phục vụ cho cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam”; Các chuyên đề về: Hạ tầng dữ liệu không gian địa lý, Đo đạc cơ bản, bản đồ, Đo ảnh viễn thám, Đo đạc ứng dụng…
Hội nghị sẽ kéo dài đến hết ngày 5/10, Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.
Một số kết quả nổi bật trong hoạt động khoa học, công nghệ trong thời gian gần đây Nghiên cứu hoàn thiện hệ thống tọa độ, độ cao quốc gia trên quan điểm hiện đại có kết nối với Hệ quy chiếu động quốc tế (ITRF); Nghiên cứu, ứng dụng và khai thác hiệu quả công nghệ định vị vệ tinh toàn cầu (GNSS); Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo trọng lực tuyệt đối độ chính xác cao nhằm hoàn thiện mạng lưới trọng lực quốc gia; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo vẽ ảnh số, công nghệ LiDAR trong thành lập bản đồ địa hình, bản đồ địa chính, mô hình số độ cao; Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ đo sâu chùm tia trong đo đạc, thành lập bản đồ địa hình đáy biển; Nghiên cứu ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) trong việc xây dựng và hòan thiện cơ sở dữ liệu nền địa lý quốc gia, kết quả nghiên cứu đã được áp dụng trong hai dự án lớn của Chính phủ: Dự án xây dựng hệ thống dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/2000, 1/5000 ở các khu vực kinh tế trọng điểm, khu vực thành phố và Dự án xây dựng cơ sở dữ liệu nền địa lý tỷ lệ 1/10.000 phủ trùm toàn quốc; Nghiên cứu các nội dung liên quan đến phát triển hạ tầng dữ liệu không gian địa lý quốc gia; Tiếp nhận và khai thác Trạm thu ảnh viễn thám thuộc Hệ thống giám sát tài nguyên thiên nhiên và môi trường tại Việt Nam. |