Bạn bè quốc tế nói gì về GEF6 Việt Nam 2018?

Thời sự - Ngày đăng : 17:12, 27/06/2018

(TN&MT)- GEF 6 tại Đà Nẵng đã đi được 3/4 chặng đường với những hội nghị, diễn đàn sôi nổi và hiệu quả. Trao đổi với phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường, nhiều vị đại biểu GEF6 đã bày tỏ sự hài lòng, đánh giá cao về công tác tổ chức cũng như những sáng kiến của Việt Nam tại kỳ họp lần này.
PV phỏng vấn
Phóng viên Báo TN&MT phỏng vấn bạn bè Quốc tế về GEF 6

Ông Claus Pram Astrup (Ban thư ký của GEF) Muốn phát triển bền vững, chúng ta nên cùng nhau đi rất chậm và chắc chắn.

Ông Claus Pram Astrup
Ông Claus Pram Astrup

Việc Việt Nam được lựa chọn làm quốc gia đăng cai tổ chức GEF6 khẳng định vai trò chủ động, tích cực và vị thế của Việt Nam trong GEF, sẵn sàng tham gia vào các nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong công cuộc bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và môi trường.

Hôm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức sự kiện bên lề với chủ đề rác thải biển. Đây là một vấn đề mà Thủ tướng Chính phủ của các bạn đã cam kết trong Hội nghị thượng đỉnh G7. Tôi rất tâm đắc lời phát biểu của một vị đại biểu, chúng ta muốn phát triển bền vững, nên chúng ta nên cùng nhau đi rất chậm và chắc chắn. Ngược lại, nếu bạn muốn đi nhanh, thiếu bên vững hãy đi một mình.

Bà Anu John (Đại biểu GEF Ấn Độ): Kinh nghiệm tại kỳ họp giúp chúng tôi đạt mục tiêu phát triển bền vững đến 2030

Bà Anu John
Bà Anu John

Ấn tượng đầu tiên của tôi của tôi khi tới Đà Nẵng là thành phố của các bạn thật đẹp và lung linh. Con người thì rất hòa đồng, thân thiện. Các bạn tình nguyện viên cũng đã thể hiện được vai trò của mình, sẵn sàng hỗ trợ chúng tôi trong suốt sự kiện.

Ấn Độ là một quốc gia có địa hình rất đa dạng có núi, biển, đồng bằng rộng lớn, chịu tác động nặng nề của biến đổi khí hậu. Tại kỳ họp lần này, chúng tôi quan tâm đến mức đóng góp chung của các quốc gia (NDC). Tất cả những nội dung và kinh nghiệm trong vấn đề ứng phó biến đổi khí hậu, giảm thiểu thiệt hại do các hệ quả ô nhiễm môi trường gây ra được chia sẻ tại kỳ họp sẽ giúp chúng tôi đạt được mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030.

Ông Jose’ Pedro De Oliveira Costa (Tổng Thư ký đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên Môi trường Brazil): Thách thức môi trường toàn cầu chỉ được giải quyết thành công nếu có sự phối hợp giữa các quốc gia.

Ông Jose’ Pedro De Oliveira Costa
Ông Jose’ Pedro De Oliveira Costa

Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam để tham dự một sự kiện môi trường toàn cầu. Cho đến nay, kỳ họp đã được tổ chức rất tốt. Đây là cơ hội để các quốc gia phát triển khu vực; các tổ chức xã hội dân sự và các nhà lãnh đạo cùng nhau ngồi lại chia sẻ ý tưởng, giải pháp và hành động cần thiết để bảo vệ môi trường toàn cầu trước những thách thức hiện nay.

Tôi đã cùng các đồng nghiệp đến từ Ngân hàng Thế giới (WB) trao đổi về vấn đề bảo tồn rừng Amazon trong khuôn khổ các dự án GEF, về sự nỗ lực lồng ghép khi các khi các nước cùng tay trong công tác bảo tồn. Chúng tôi cũng đã trao đổi về vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Những vấn đề này chúng ta sẽ không bao giờ thành công nếu làm việc đơn lẻ mà không có sự phối hợp nào giữa các quốc gia

Tôi cũng đã có cơ hội tham gia các sự kiện bên lề và đặc biệt là đã được đi thăm bán đảo Sơn Trà nơi có các loài linh trưởng quý hiếm đang sống. Những kinh nghiệm trong việc bảo tồn các loài linh trưởng của các cấp chính quyền TP Đà Nẵng và Trung tâm bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt xanh sẽ là bài học để chúng tôi triển khai tại Brazil.

Bà Amy Luinstra (Tổ chức Tài chính Kinh tế toàn cầu): Gắn bảo vệ môi trường với sinh kế cho phụ nữ.

Bà Amy Luinstra
Bà Amy Luinstra

Sự kiện đã thu hút được sự tham dự của nhiều đại biểu đến từ nhiều quốc gia để cùng nhau thảo luận những chủ đề rất được quan tâm về môi trường, bảo vệ hành tinh của chúng ta.

Vai trò của tôi là hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và phụ nữ làm việc trong các khối tư nhân. Vì vậy tôi rất quan tâm đến việc lồng ghép giữa việc bảo vệ môi trường, các khối tư nhân và vấn đề giới. Nếu không quan tâm vấn đề giới trong các vấn đề này chắc chắn chúng ta sẽ không xây dựng được những kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu. Do vậy, tôi đề xuất việc gắn liền bảo tồn môi trường và du lịch bền vững với cái thiện sinh kế cho phụ nữ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng để bảo vệ môi trường bền vững hiện nay.

Bà Shikha Garg (Đại biểu GEF Ấn Độ): Việt Nam là đất nước trong mơ của những cảnh quan.

Bà Shikha Garg
Bà Shikha Garg

Tôi thật sự ấn tượng với địa điểm và công tác tổ chức GEF 6. Tôi đã đến Việt Nam trước đây và lần này quay trở lại, bao giờ cũng cho tôi một cảm giác thoải mái và thân thiện. Tôi được các bạn tình nguyện viên giúp đỡ rất nhiệt tình ngay từ lúc bước xuống sân bay. Thật tuyệt vời.

Các chủ đề của Đại hội đồng lần này rất thú vị, tôi quan tâm đến sự phát triển bền vững, đặc biệt là chủ đề phát triển du lịch bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học. Mối quan hệ giữa bảo tồn đa dạng sinh học và khai thác phát triển du lịch không thể tách rời trong bối cảnh hiện nay. Phát triển vấn đề này không chỉ đem lại lợi ích quốc gia mà còn đóng góp vào phát triển đa dạng sinh học toàn cầu. Tại Việt Nam, bán đảo Sơn Trà là một ví dụ điển hình về bảo tồn đa dạng sinh học gắn với phát triển du lịch. Đây là một đất nước trong mơ của những cảnh quan.

Ấn Độ là một quốc gia rộng lớn, nơi tập trung của nhiều vùng dân cư khó khăn. Tất cả những nội dung và kinh nghiệm này sẽ được chia sẻ và giúp chúng tôi đạt được mục tiêu phát triển cho đến năm 2030.