Quốc hội nghe tờ trình dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục
Thời sự - Ngày đăng : 20:51, 29/05/2018
Tại phiên họp, trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết: Qua 12 năm thi hành, Luật Giáo dục đã góp phần quan trọng vào quá trình phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam thời kỳ hội nhập quốc tế, tạo ra nhiều chuyển biến tích cực trong hệ thống giáo dục quốc dân.
Công tác quản lý giáo dục có bước chuyển biến nhất định. Cơ hội tiếp cận giáo dục có nhiều tiến bộ, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách; cơ bản bảo đảm bình đẳng giới trong giáo dục và đào tạo. Cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010; hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ năm tuổi vào năm 2017; chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học giữ vững và nâng cao; giáo dục đại học được mở rộng về quy mô, đa dạng hóa các hình thức đào tạo, nâng dần các điều kiện đảm bảo chất lượng và từng bước thúc đẩy tự chủ đại học; kết quả xóa mù chữ cho người lớn được củng cố và tăng cường.
Tuy nhiên, theo ông Phùng Xuân Nhạ, cũng qua 12 năm thực thi, Luật Giáo dục đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, trở thành những điểm nghẽn, là nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Quy định về hệ thống giáo dục quốc dân chưa thể hiện được sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp học và trình độ đào tạo; Quy định về mục tiêu, yêu cầu, nội dung, chương trình giáo dục, phương pháp giáo dục phổ thông chưa đáp ứng yêu cầu phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực người học;
Quy định về đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, tuyển dụng, sử dụng nhà giáo chưa đảm bảo yêu cầu xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Một số quy định về chính sách đối với học sinh, sinh viên, đặc biệt là sinh viên sư phạm chưa phù hợp với thực tiễn hiện nay.
“Do đó, Luật Giáo dục cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý trong giáo dục đào tạo” - Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói.
Ngay sau báo cáo của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ, Quốc hội đã nghe Báo cáo thẩm tra của dự án Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình trình bày. Báo cáo nêu rõ: Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng tán thành với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục cũng như mục tiêu xây dựng Dự án Luật được nêu trong Tờ trình của Chính phủ, đồng thời Ủy ban nhấn mạnh yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, định hướng của Đảng về giáo dục , cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp 2013, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao chất lượng giáo dục đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới, tăng cường tính chủ động trong hội nhập quốc tế về giáo dục.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng đồng tình với những nội dung cần sửa đổi như: Về phạm vi sửa đổi và tên Luật; Về hệ thống cơ sở giáo dục; Về chính sách thu hút học sinh, sinh viên sư phạm; Về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục…
Ngoài các kiến nghị cụ thể nêu trên, Ủy ban đề nghị Ban soạn thảo rà soát kỹ lưỡng nội dung các vấn đề dự kiến được quy định chi tiết ở văn bản khác, nhất là văn bản dưới luật, nghiên cứu để đưa ngay vào Luật các nguyên tắc, làm căn cứ hướng dẫn thi hành; tiếp tục hoàn thiện dự thảo các văn bản hướng dẫn, bảo đảm đầy đủ và kịp thời; rà soát các quy định dẫn chiếu trong Dự thảo Luật sao cho rõ ràng, khả dụng, tránh quy định theo pháp luật một cách chung chung…