Mua bán đất trái phép ở đặc khu kinh tế có thể bị xử lý thậm chí sẽ bị thu hồi
Thời sự - Ngày đăng : 15:48, 22/05/2018
Đồng tình với ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu trước đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Qua nghiên cứu báo cáo, có thể thấy chúng ta cần phải làm rất rõ phạm vi của báo cáo này.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, năm 2018 là năm mà đất nước vừa duy trì sự ổn định, vừa phát triển đáp ứng được các chỉ tiêu về kinh tế xã hội mà Nghị quyết Quốc hội đã thông qua. “Nếu đánh giá đúng, đánh giá kỹ, chúng ta có thể thấy bức tranh tình hình kinh tế xã hội đang sáng lên rất nhiều” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng, những tháng đầu năm 2018 là năm đầu tiên mà chúng ta thay đổi quy luật đó là quý I thường tăng trưởng thấp mà chủ yếu là tăng trưởng vào quý III và quý IV hàng năm. Năm 2018 là lần đầu tiên trong 7 năm gần đây tăng trưởng quý I đạt mức 7,38% - đó là con số rất đáng mừng.
Kèm theo tăng trưởng đó là công nghiệp, nông nghiệp, cơ khí chế tạo, dịch vụ, công nghiệp xây dựng… đều tăng rất rõ. Thị trường hàng hóa cũng đã mở ra rộng lớn hơn, thoát ra khỏi việc thiếu vắng thị trường như trước đây.
Tiếp tục nhấn mạnh đến bức tranh kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2018, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết điều đáng mừng và đáng mừng hơn là hơn 1 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5, Nghị quyết Trung ương 6 đã mang lại thay đổi trong tư duy và hành động dù chưa đầy một năm thực hiện.
Bộ trưởng cũng phân tích, báo cáo của Ủy ban Kinh tế xã hội trong các Nghị quyết Trung ương đã đặt ra rất đúng với tình hình hiện nay và đã đưa ra những giải pháp và chúng ta cũng không thể nóng vội để trong vòng một năm có thể thực hiện được hết các mục tiêu đó.
Vì vậy, để có được những kiến nghị kịp thời, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng có nhiều vấn đề cụ thể cho các tháng còn lại của năm 2018. Theo đó một trong những việc mà chúng ta đang hết sức nỗ lực bên cạnh việc Trung ương đã ra được các chủ trương đường lối hết sức quan trọng để có thể đổi mới và đổi mới toàn diện. Trên cơ sở đó, trong thời gian qua, Chính phủ đang từng bước cụ thể hóa bằng cơ chế chính sách pháp luật để đưa các chủ trương, đường lối đúng đắn đó vào áp dụng trong thực tiễn và đảm bảo được tính lâu dài.
Từ đó, theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, chúng ta cần phải xem để đưa các chủ trương, đường lối quan trọng đó vào thực tiễn thì vấn đề gì cần phải đưa sớm, những luật gì chúng ta cần phải bàn, những luật gì để Quốc hội và các Đại biểu Quốc hội đóng góp… để làm sao cơ chế đó sớm thể chế hóa để có thể pháp luật hóa những tư tưởng đó cho tốt.
Ví dụ đối với những vướng mắc trong Luật Đất đai, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng chúng ta cần Quốc hội, các Đại biểu Quốc hội thảo luận, có ý kiến, kiến nghị để có thể giải quyết các vướng mắc suốt thời gian vừa qua.
Hoặc trong công tác thi hành Luật Bảo vệ môi trường, Bộ trưởng cho biết để phù hợp với đề xuất thay đổi nền kinh tế hiện nay theo hướng không đánh đổi kinh tế lấy môi trường, phát triển kinh tế bền vững… thì Luật Bảo vệ môi trường cũng cần phải thay đổi.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng đề cập đến công tác hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực đầu tư, trong công tác bảo vệ rừng, chính sách đối với đặc khu kinh tế…
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng nhấn mạnh bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật thì việc tổ chức thực thi các hệ thống văn bản pháp luật hiện hành là hết sức quan trọng, trong đó cần có sự vào cuộc, nâng cao năng lực của các cấp chính quyền. Vì theo Bộ trưởng, những tình trạng như: Khai thác cát trái phép, chuyển nhượng quyền sử dụng đất trái phép… rất cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, kiểm tra và xử lý của chính quyền các cấp.
Đề cập trực tiếp đến câu chuyện hiện nay ở một số khu đặc khu có hiện tượng mua bán chuyển nhượng đất đai. Và theo Bộ trưởng, nếu như người dân mua bán đất công, đất chưa chuyển mục đích sử dụng thì hoàn toàn trái pháp luật. Bộ trưởng cho rằng, trên thực tế thì địa phương hoàn toàn có thể xử lý các trường hợp này. “Nếu chúng ta làm tốt công tác truyền thông để người dân hiểu rõ việc mua bán đất công, mua bán đất trái phép ở đặc khu có thể bị xử lý thậm chí sẽ bị thu hồi thì xu hướng này sẽ giảm đi và giảm bớt sức nóng của việc mua bán đất ở các đặc khu kinh tế…” - Bộ trưởng Trần Hồng Hà nói.