Sự cố Formosa là bài học đắt giá về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững
Thời sự - Ngày đăng : 11:35, 17/05/2018
Đấu tranh khôn khéo, quyết liệt tìm nguyên nhân sự cố
Về công tác đấu tranh, xác định đối tượng gây sự cố, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: Ngay sau khi xảy ra sự cố môi trường biển tại 4 tỉnh miền Trung, Bộ TN&MT đã chỉ đạo các địa phương, đồng thời trực tiếp tổ chức các Đoàn khảo sát đánh giá chất lượng môi trường biển để khoanh vùng ảnh hưởng, xác định nguyên nhân; chỉ đạo rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ đối với các đơn vị có hoạt động trong khu vực biển Vũng Áng.
Bộ đã thành lập ngay Đoàn kiểm tra liên ngành với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành đối với 03 cơ sở có hoạt động xả thải lớn ra khu vực biển này, trong đó có Formosa Hà Tĩnh và đã phát hiện những vi phạm và dấu hiệu vi phạm từ bên trong của Dự án Formosa Hà Tĩnh.
Mặt khác, dựa trên kết quả thu thập, phân tích dữ liệu về nguyên nhân gây sự cố môi trường do Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thực hiện; chúng ta đã đối chiếu về sự tương đồng giữa kết quả kiểm tra của Đoàn kiểm tra, Bộ TN&MT tiến đến xác định đối tượng gây ra sự cố là Formosa Hà Tĩnh, từ đó xây dựng phương án đấu tranh, buộc Formosa Hà Tĩnh phải thừa nhận.
Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: việc đấu tranh với Formosa là hết sức khó khăn, phức tạp vì công tác thu thập hồ sơ, chứng cứ pháp lý, căn cứ khoa học gặp nhiều trở ngại. Trong khi, Formosa Hà Tĩnh sử dụng nhiều chuyên gia khoa học, chuyên gia pháp lý quốc tế có nhiều kinh nghiệm. Nhận được sự chỉ đạo thường xuyên sâu sắc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, trực tiếp là Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả của các bộ, ngành liên quan và tỉnh Hà Tĩnh; Bộ TN&MT đã xây dựng các phương án làm việc, đấu tranh với Tập đoàn Formosa Đài Loan và Formosa Hà Tĩnh, bảo đảm hết sức chặt chẽ để đạt được kết quả cao nhất, không sai sót.
Trong thời gian đầu, mặc dù phía Formosa vẫn chưa thừa nhận trách nhiệm, nhưng với bằng chứng pháp lý và căn cứ khoa học rõ ràng; chúng ta buộc Formosa Hà Tĩnh phải thừa nhận là đối tượng gây ra sự cố và chịu trách nhiệm về các hậu quả đã gây ra. Ngày 29/6/2016, Chủ tịch Hội đồng quản trị của Formosa Hà Tĩnh đã cúi đầu nhận trách nhiệm về việc gây ra sự cố môi trường, công khai xin lỗi Chính phủ và nhân dân Việt Nam; đồng thời cam kết bồi thường thiệt hại với số tiền 500 triệu USD, khắc phục triệt để các vi phạm của Dự án theo yêu cầu của Việt Nam; phối hợp xây dựng các giải pháp để kiểm soát môi trường biển miền Trung và cam kết không để tái diễn các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên nước; nếu tái phạm thì sẽ chịu xử lý và buộc phải đóng cửa. Ngày 30/8/2016, Formosa Hà Tĩnh hoàn thành việc chuyển tiền bồi thường cho Việt Nam với tổng số tiền là 500 triệu USD.
“Quá trình đấu tranh buộc Formosa Hà Tĩnh thừa nhận việc gây ra sự cố môi trường biển miền Trung là kết quả của sự chỉ đạo chặt chẽ, sát sao của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ và sự nỗ lực, cố gắng của các bộ, ngành, địa phương có liên quan. Phía Formosa cũng đã nhận ra sai lầm của mình, cam kết sửa chữa, chấp hành nghiêm pháp luật Việt Nam và mong muốn được đầu tư, làm ăn lâu dài, bền vững tại Việt Nam” - Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho hay.
Liên tục giám sát chặt quá trình khắc phục hậu quả
Về công tác giám sát quá trình khắc phục hậu quả vi phạm của Formosa Hà Tĩnh, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho hay: Bộ trưởng Bộ TN&MT đã phê duyệt Kế hoạch khắc phục hậu quả vi phạm và giám sát môi trường đối với Formosa Hà Tĩnh trong thời hạn 3 năm; đồng thời thành lập Hội đồng giám sát liên ngành, Tổ giám sát liên ngành để kiểm soát chặt chẽ các nguồn thải của Formosa Hà Tĩnh, đảm bảo đạt QCVN và phù hợp với tiêu chuẩn môi trường của các nước tiên tiến trên thế giới như: Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan.
Từ đó, Formosa Hà Tĩnh đã triển khai nghiêm túc việc khắc phục các vi phạm (53 vi phạm mà ta đã chỉ ra). Đến nay, hầu hết các vi phạm đã được khắc phục, còn 01 vi phạm là phải chuyển đổi công nghệ làm nguội than cốc từ ướt sang khô đang trong lộ trình thực hiện; dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2019. Thực hiện yêu cầu quản lý, xử lý các loại chất thải theo tiêu chuẩn quốc tế, Formosa Hà Tĩnh đã đầu tư bổ sung các hạng mục cải thiện công trình bảo vệ môi trường với kinh phí khoảng 400 triệu USD, trong đó có hệ thống Hồ sự cố kết hợp hồ sinh học trên diện tích 10 ha để phòng ngừa, ứng phó sự cố về nước thải.
Kết quả: Lò cao số 1 đã được Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm từ ngày 29/5/2017 theo đúng tiến độ, đang hoạt động với 95% công suất thiết kế; đã sản xuất được 2,41 triệu tấn thép. Cách đây 6 ngày, ngày 11/5/2018, Hội đồng giám sát liên ngành đã họp, trên cơ sở xem xét Báo cáo của Formosa Hà Tĩnh, Báo cáo của Tổ giám sát liên ngành, ý kiến của tỉnh Hà Tĩnh, Hội đồng đã thống nhất chủ trương cho phép Formosa Hà Tĩnh vận hành thử nghiệm Lò cao số 2 theo quy định. Theo dự tính, khi Lò cao số 2 được vận hành từ tháng 5/2018 thì tổng sản lượng thép của Formosa Hà Tĩnh trong năm 2018 đạt khoảng 5 triệu tấn thép thành phẩm.
Nhìn chung, hoạt động của Formosa Hà Tĩnh đã và đang được Bộ TN&MT, tỉnh Hà Tĩnh giám sát chặt chẽ, thường xuyên, liên tục thông qua hệ thống quan trắc hiện đại; kết quả giám sát chất thải được cập nhật về Sở TN&MT Hà Tĩnh hàng ngày, hàng giờ.
Sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung là rất nghiêm trọng
Đánh giá chung về nguyên nhân sự cố, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho biết: “Sự cố môi trường tại 4 tỉnh miền Trung là sự cố môi trường rất nghiêm trọng, lần đầu tiên xảy ra trên diện rộng ở nước ta, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống người dân”.
Với sự chỉ đạo kịp thời, quyết liệt của Bộ Chính trị, của Thủ tướng, các Phó Thủ tướng; sự phối hợp triển khai tích cực của các Ban, Bộ, ngành; địa phương nên đã kiểm soát được tình hình; hạn chế tối đa các thiệt hại do sự cố gây ra; từng bước ổn định đời sống của nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Việc xử lý các tồn tại, vi phạm của Formosa Hà Tĩnh vừa qua cho thấy nếu có sự quyết tâm cao trong chỉ đạo, sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp thì sẽ không có ngành công nghiệp nào phải chấp nhận hy sinh vì các vấn đề môi trường. Đã hình thành một mô hình, cơ chế mới về kiểm soát chặt chẽ đối với các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường. Cơ chế này cần sớm được thể chế hoá và quán triệt thực hiện trên phạm vi cả nước.
Đặc biệt, Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân cho rằng: “Qua sự cố này, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, là bài học đắt giá về việc phát triển kinh tế thiếu bền vững”. Những bài học đưa ra như: Môi trường phải thực sự được xác định là một trong ba trụ cột của phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Trong những năm qua, chúng ta đã quá coi trọng thu hút đầu tư, chưa quan tâm đúng mức tới công tác bảo vệ môi trường, chưa lường hết những nguy cơ tiềm ẩn có thể xảy ra sự cố môi trường;
Bên cạnh đó cần có ngay cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả các hoạt động bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển; thực hiện công khai, minh bạch; nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, cơ quan nhà nước đối với các dự án phát triển, nhất là các dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường; nâng cao ý thức tự giác chấp hành pháp luật của doanh nghiệp và người dân trong công tác bảo vệ môi trường. Phải có sự phối hợp thực chất, hiệu quả giữa các Bộ, ngành và địa phương, kể cả huy động các nguồn lực quốc tế trong công tác ứng phó với các sự cố môi trường có tính chất phức tạp như sự cố vừa qua;
Bài học thứ ba, theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, Việt Nam đang trên đà công nghiệp hóa, đô thị hóa mạnh mẽ, tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do, cả song phương và đa phương, qua đó đem lại nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế nhưng đồng thời cũng dẫn tới nhiều thách thức cho môi trường. Vì vậy, việc tăng cường giám sát chất lượng đầu tư ở góc độ bảo vệ môi trường là rất cấp bách, tránh để diễn ra tình trạng đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận nhưng tàn phá môi trường và để lại hệ quả nặng nề cho người dân;
Cũng theo Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân, bài học từ sự cố môi trường này và kinh nghiệm của các nước trên thế giới đã phải hứng chịu nhiều thảm họa môi trường do thiên nhiên và con người gây ra; chúng ta cần tiến hành ngay việc xây dựng và ban hành quy chế thiết lập hệ thống phòng ngừa và ứng phó sự cố đủ mạnh, trong đó có sự cố môi trường, có khả năng hoạt động một cách chuyên nghiệp trên cơ sở phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan. Bên cạnh đó, cần nâng cao hệ thống các Tiêu chuẩn, Quy chuẩn bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn và phòng tránh sự cố.
Những kiến nghị của Bộ TN&MT với Thủ tướng Chính phủ về công tác bảo vệ môi trường: Thứ nhất, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm thực hiện tốt hơn nữa công tác bảo vệ môi trường trong từng ngành, lĩnh vực và tại địa phương theo quy định; kiên quyết không chấp nhận đánh đổi các lợi ích về môi trường trong kêu gọi, thu hút dự án đầu tư; tăng cường nguồn lực, đầu tư các cơ sở hạ tầng kỹ thuật về bảo vệ môi trường, trang thiết bị phục vụ công tác quản lý nhà nước, giám sát về môi trường; phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Nhanh chóng hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo sự đồng bộ với pháp luật về đầu tư, xây dựng và pháp luật khác có liên quan. Thứ hai, chỉ đạo nghiên cứu, đề xuất tăng dần ngân sách hàng năm cho đầu tư bảo vệ môi trường; kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từ Trung ương đến địa phương. |