Ban hành Thể lệ tham dự Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV
Thời sự - Ngày đăng : 20:28, 23/03/2018
Theo đó, Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV (2016 - 2018) nhằm tuyên truyền, phổ biến, phản ánh sâu rộng các sự kiện, hoạt động quản lý điều hành; xây dựng và tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách pháp luật tài nguyên và môi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tài nguyên và môi trường trên phạm vi cả nước;
Giải cũng nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng, tổ chức và doanh nghiệp trong việc thực thi chính sách, pháp luật về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu...; tăng cường năng lực của cộng đồng trong việc thực hiện chức năng giám sát, phản biện đối với các lĩnh vực hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường;
Đồng thời tăng cường sự tham gia của các cơ quan thông tấn báo chí trong việc phổ biến thông tin tới người dân, đồng thời tiếp nhận thông tin phản hồi từ cộng đồng nhằm hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường.
Giải thưởng còn nhằm tôn vinh, tuyên dương, khen thưởng tác giả, tác phẩm báo chí đạt chất lượng cao; tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp trong công tác tuyên truyền về sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Cơ cấu Giải thưởng 1. Giải thưởng được trao theo 06 Chủ đề được quy định tại Điều 3; mỗi Chủ đề được trao 05 Giải thưởng gồm 01 Giải A, 01 Giải B, 03 Giải C. 2. Giải thưởng gồm: phù điêu, Bằng chứng nhận của Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiền thưởng, cụ thể: - Giải A: 15.000.000đ (Mười lăm triệu đồng). - Giải B: 10.000.000đ (Mười triệu đồng). - Giải C: 5.000.000đ (Năm triệu đồng). 3. Bên cạnh các Giải thưởng chính thức, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có các hình thức khen thưởng đối với các tác giả, nhóm tác giả và các cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm dự thi và có đóng góp cho sự thành công của Giải thưởng. |
6 nhóm chủ đề trọng tâm
Tác phẩm báo chí dự Giải thưởng Báo chí tài nguyên và môi trường lần thứ IV tập trung phản ánh nhóm nội dung, chủ đề trọng tâm sau đây:
- Chủ đề 1: Phát hiện, phản ánh những tồn tại, bất cập trong ban hành, tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, những tiêu cực, điểm nóng, những hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên và môi trường.
- Chủ đề 2: Tăng cường cải cách hành chính ngành tài nguyên và môi trường, áp dụng các giải pháp và công nghệ nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ngành tài nguyên và môi trường theo hướng tiết kiệm, đơn giản, hiệu quả, phục vụ lợi ích của cộng đồng và doanh nghiệp.
- Chủ đề 3: Chuyển đổi mô hình phát triển, đề xuất các giải pháp ổn định sinh kế của người dân nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, phòng chống và giảm nhẹ các tác động của thiên tai, thời tiết cực đoan.
- Chủ đề 4: Tôn vinh những điển hình tiên tiến, mô hình mới, sáng kiến về cải tiến kỹ thuật, ứng dụng công nghệ mới về tài nguyên và môi trường.
- Chủ đề 5: Quản lý và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên nước, tài nguyên đa dạng sinh học, tài nguyên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên khác theo định hướng phát triển bền vững; phản ánh tình trạng sử dụng lãng phí tài nguyên.
- Chủ đề 6: Tăng cường các giải pháp bảo vệ môi trường tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề, môi trường khu vực đô thị, nông thôn theo định hướng không đánh đổi kinh tế lấy bảo vệ môi trường; phản ánh các hoạt động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn; những mô hình xã hội hóa trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm môi trường.
Loại hình và thể loại tác phẩm báo chí
1. Báo in: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn; Xã luận, bình luận, chuyên luận; Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép;
2. Báo nói (phát thanh): Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, chuyên luận, tọa đàm, Chuyên đề phát thanh tổng hợp; Phóng sự, phóng sự điều tra, bút ký;
3. Báo truyền hình: Tin, phóng sự, ký sự; Bình luận, giao lưu, tọa đàm; Phim tài liệu truyền hình;
4. Báo điện tử: Tin, bài phản ánh, phỏng vấn, bình luận, tọa đàm, giao lưu trực tuyến; Phóng sự, phóng sự điều tra, ký báo chí, ghi chép;
Không xét các tác phẩm: thơ, truyện ngắn, tiểu phẩm văn nghệ, tranh vẽ, tấu hài.
Điều kiện đối với tác phẩm báo chí dự xét Giải thưởng
1. Tác phẩm tham dự xét Giải thưởng là tác phẩm chưa đạt giải tại các cuộc thi, giải thưởng báo chí khác.
2. Tác phẩm dự xét Giải thưởng được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng từ 00h00 ngày 01 tháng 5 năm 2016 đến 24h00 ngày 31 tháng 03 năm 2018.
3. Tác giả, cơ quan báo chí chịu trách nhiệm trước pháp luật về bản quyền các tác phẩm đã được đăng tải.
4. Tác phẩm báo chí loại hình phát thanh, truyền hình phải gửi kèm đĩa hoặc, USB ghi tiếng, hình kèm theo lời bình in trên khổ giấy A4. Báo viết, báo điện tử gửi kèm ấn phẩm báo chí đã được đăng tải và địa chỉ đường dẫn.
5. Ban Tổ chức được toàn quyền sử dụng tác phẩm tham dự xét Giải thưởng để phục vụ mục đích tuyên truyền, lưu trữ.
Tác giả, nhóm tác giả gửi trực tiếp tác phẩm dự thi: ghi rõ tác phẩm ở trang, số báo, ngày phát hành và tên báo, cơ quan báo chí; tác phẩm phát thanh, truyền hình ghi rõ ngày, giờ phát sóng, chuyên mục, cơ quan báo chí đăng phát và phải có xác nhận của cơ quan báo chí. Tác phẩm dự thi gửi kèm theo tên thật, bút danh, địa chỉ và số điện thoại (nếu có) của tác giả hoặc đại diện nhóm tác giả. Thời gian và địa chỉ nhận tác phẩm và thông tin liên hệ Thời gian: Ban Tổ chức tiếp nhận các tác phẩm dự thi đến hết ngày 20 tháng 4 năm 2018 (tính theo dấu bưu điện). Địa chỉ: Trung tâm Truyền thông tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Lô E2, khu đô thị mới Cầu Giấy, phường Yên Hòa, Quận Cầu Giấy, Hà Nội. Trên bì thư ghi rõ tác phẩm tham dự Giải thưởng Báo chí Tài nguyên và Môi trường lần thứ IV, Chủ đề số. Thông tin liên hệ: - Ông Lê Danh Hồng: số điện thoại: 0913.438.816; thư điện tử: ledanhhong@gmail.com. - Ông Phạm Ngọc Bách: số điện thoại: 0912.678.955; thư điện tử: pnbach@monre.gov.vn. - Thư điện tử của Giải thưởng: giaithuongbaochitnmt@gmail.com. |