Thủ tướng Chính phủ chủ trì họp trực tuyến ứng phó bão số 16

Thời sự - Ngày đăng : 18:35, 24/12/2017

(TN&MT) - Chiều tối 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với các bộ, ban, ngành và địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 16...
(TN&MT) - Chiều tối 24/12, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với một số bộ, ban, ngành và các địa phương để chỉ đạo ứng phó bão số 16 - bão Tembin.

Cùng dự cuộc họp Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành liên quan. Tham gia cuộc họp trực tuyến có lãnh đạo 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, 5 tỉnh Đông Nam Bộ và TPHCM.
Tham dự cuộc họp về phía Bộ TN&MT còn có ông Lê Công Thành - Tổng Giám đốc Trung tâm KTTV Quốc gia, ông Hoàng Đức Cường - Giám đốc Trung tâm Dự báo KTTTV Trung ương.
2412 Thủ tướng chủ trì
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường tại cuộc họp tối 24/12

Bão Tembin - cơn bão mạnh, trái quy luật

Theo báo cáo của ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, Bão Tembin (cơn bão thứ 22) đổ bộ vào Philippines, hồi 6h00 ngày 23/12/2017 giờ Việt Nam; theo thông tin ban đầu thiệt hại do bão gây ra rất lớn với gần 200 người chết, hơn 160 người mất tích.

Hiện nay, bão số 16 đang ảnh hưởng trực tiếp đến quần đảo Trường Sa, đến chiều ngày 25/12, bão sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến Côn Đảo; tối và đêm ngày 25/12, bão ảnh hưởng trực tiếp đến vùng ven biển từ Bà Rịa - Vũng Tàu đến Cà Mau với gió mạnh cấp 11, giật cấp 14; sau đó tiếp tục gây nguy hiểm cho vùng biển Cà Mau - Kiên Giang và các địa phương trong đất liền với gió cấp 8, giật cấp 11.
2412 BT Xuân Cường
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường báo cáo tại cuộc họp

Đây là cơn bão mạnh, trái quy luật (đổ bộ vào cuối năm), tốc độ di chuyển rất nhanh, khả năng bão đổ bộ vào vùng rất ít xảy ra bão, cơ sở hạ tầng và kinh nghiệm ứng phó với bão còn rất hạn chế, tàu thuyền hoạt động trên sông trên biển nhiều, nhất là tàu thuyền ven bờ và trên sông.

Trên đất liền, đây là khu vực có địa hình tương đối bằng phẳng với hệ thống sông, kênh, rạch chằng chịt vùng có nhiều nhà dân ở ven sông, ven biển, trên các cù lao không có khả năng chống chịu với bão, thiếu nơi khu trú; bờ biển, vùng cửa sông có 18 điểm đang có diễn biến sạt lở đặc biệt nguy hiểm, nhiều công trình đang thi công; Khu vực dự báo bão đổ bộ ít khi có bão lớn; cơ sở hạ tầng có khả năng chống chịu còn hạn chế; dân cư vùng cửa sông, ven biển đông đúc, ít có kinh nghiệm ứng phó với bão, thậm chí một số nơi có tư tưởng chủ quan; hoạt động kinh tế khá lớn, đặc biệt là nuôi trồng thủy sản, du lịch…
2412 BT TH Hà
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bên phải) tại cuộc họp
Chủ động ứng phó bão số 16

Về công tác chỉ đạo ứng phó, báo cáo nêu rõ: Ngày 21/12/2017, khi bão còn cách bờ biển phía Đông khu vực miền Nam Philippin khoảng 310km, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT đã có Thông báo 593/TWPCTT-TB về diễn biến và vùng ảnh hưởng của bão Tembin;

Ngày 22/12/2017, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo TWPCTT tiếp tục có công điện số 94/CĐ-TW gửi các Bộ, ngành, địa phương để chủ động các phương án ứng phó với bão; đã có văn bản số 596/TWPCTT-VP gửi các Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang tăng cường công tác thông tin, truyền thông ứng phó với bão Tembin.
Ngày 23/12/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện số 1985/CĐ-TTg chỉ đạo UBND các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và Nam Bộ; các Bộ, ngành về việc chủ động đối phó với bão số 16.

Ngày 23/12/2017, Bộ trưởng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT đã họp trực tuyến với 19 tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Cà Mau, Kiên Giang để chỉ đạo công tác ứng phó bão số 16 và có Công điện số 95/CĐ-TW hồi 11h30 ngày 23/12/2017 chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai ứng phó với bão, trong đó đề nghị thực hiện cấm biển trước 16h00 ngày 23/12.

Ngoài ra, Bộ Ngoại giao có công hàm gửi Đại sứ quán các nước trong khu vực đề nghị giúp đỡ các ngư dân, tàu cá Việt Nam vào tránh trú bão và đảm bảo an toàn.

Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải đã có công điện gửi các đơn vị triển khai công tác phòng chống bão số 16.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương thường xuyên cập nhật diễn biến, ban hành các bản tin dự báo, nhận định về bão số 16 để phục vụ công tác chỉ đạo, chỉ huy, ứng phó;

Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin, báo chí tăng cường thời lượng đưa tin, phát sóng về diễn biến bão số 16; công tác chỉ đạo, chỉ huy ứng phó với bão.

Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo TWPCTT đã chuyển các tài liệu, phim hướng dẫn về kỹ thuật ứng phó với bão (chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, phim về bão Linda năm 1997) tới Văn phòng Ban chỉ huy các tỉnh để thông tin sâu rộng đến cộng đồng. Tăng cường công tác trực ban 24/24, bám sát diễn biến của bão và công tác triển khai của các Bộ, ngành và địa phương báo cáo Ban chỉ đạo cũng như thông tin đến các địa phương…

Ở địa phương, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển, Nam Bộ và Nam Trung Bộ đã ban hành các công điện, văn bản; tổ chức họp, phân công cán bộ chỉ đạo các địa phương, các ngành triển khai thực hiện Công điện của Văn phòng thường trực, Ban chỉ đạo TW PCTT và Thủ tướng Chính phủ về phòng chống bão số 16.
Cả nước đã kêu gọi hướng dẫn cho 69.120 phương tiện/343.163 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Theo 4 tỉnh/TP đã có báo cáo, đã di dời được 13.564 người/853.604 người thuộc 09 tỉnh có kế hoạch di dời; Đã thực hiện 9.146 nhà/21.120 nhà thuộc 03 tỉnh/TP: Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Cà Mau… các tỉnh khác đang tổng hợp, chưa có số liệu báo cáo.
2412 ô Hoàng Đức Cường
Giám đốc Trung tâm dự báo KTTV Trung ương Hoàng Đức Cường báo cáo diễn biến bão số 16 tại cuộc họp

Theo dõi chặt chẽ diễn biến bão số 16

Về những công việc cần triển khai tiếp theo, Ban Chỉ đạo kiến nghị: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão số 16. Tăng cường tần suất, thời lượng phát sóng trên các phương tiện thông tin đặc biệt là trên đài truyền hình, đài phát thanh địa phương từ tỉnh đến xã, phường, ấp về dự báo bão kèm theo công điện chỉ đạo, chỉ huy và hướng dẫn các biện pháp phòng tránh để người dân chủ động thực hiện;

Bố trí, sắp xếp, kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn các phương tiện tàu thuyền neo đậu tại các khu tránh trú bão, tránh va đập làm hư hỏng, chìm tàu như đã xảy ra trong các trận bão vừa qua. Đối với những phương tiện tàu, thuyền khác và các phương tiện, ghe phục vụ sinh hoạt hàng ngày của người dân phải kiên quyết chỉ đạo di chuyển sâu vào phía trong sông, kênh, rạch, neo đậu đảm bảo an toàn. Kiên quyết không để người dân nào trên các phương tiện tàu, thuyền khi bão đổ bộ;

Tổ chức các đoàn đại kiểm tra xuống cơ sở đôn đốc, động viên việc sơ tán, đảm bảo an toàn gió bão và nước biển dâng. Huy động lực lượng kiên quyết cưỡng chế đối với những trường hợp cố tình không chịu di dời. Hoàn thành việc di dời dân sinh sống tại khu vực ngoài đê biển, các trọng điểm ven sông, kênh, rạch trước 18h/24/12 và các khu vực nuôi trồng thủy, hải sản; khu vực thấp trũng; các khu vực khác trước 10h00/25/12;

Huy động lực lượng chặt tỉa cành cây và giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu thuyền, ghe gia cố và di chuyển lồng bè nuôi trồng thủy, hải sản để hạn chế thiệt hại do bão gây ra;
Huy động lực lượng giúp dân thu hoạch lúa đã chín, hoa màu, cây ăn trái, thủy sản để giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra; Tổ chức kiểm tra và gia cố kịp thời hệ thống lưới điện, thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến để hạn chế thiệt hại, đồng thời đảm bảo thông tin thông suốt phục vụ hiệu quả chỉ huy ứng phó, khắc phục hậu quả do bão và mưa lũ gây ra;

Triển khai phương án đảm bảo an toàn hồ đập, hệ thống đê biển đặc biệt là 05 công trình đang thi công dở dang và 23 trọng điểm xung yếu; Duy trì, bố trí tối đa lưc lượng phương tiện để sẵn sàng cứu hộ cứu nạn nhất là tại các khu vực trọng điểm…

Cuộc họp đang diễn ra. Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ cập nhật nội dung cuộc họp và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong các bản tin tiếp theo.