Bảo đảm cân bằng lợi ích các nước ven sông Mekong-Lan Thương

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 15/12/2017

  Các nước khu vực sông Mekong cùng với Trung Quốc cần chú trọng tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong nhằm đạt được sự...

 

Các nước khu vực sông Mekong cùng với Trung Quốc cần chú trọng tăng cường hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong nhằm đạt được sự cân bằng về lợi ích và trách nhiệm giữa các nước ven sông.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh vấn đề trên tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ 3 diễn ra tại thành phố Đại Lý, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc chiều 15/12.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa MLC và Uỷ hội Mekong (MRC) sẽ giúp phát huy thế mạnh của mỗi tổ chức và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của các nước về chia sẻ thông tin, dữ liệu, nghiên cứu chung, nâng cao năng lực quản lý và phối hợp, Phó Thủ tướng phát biểu.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 3.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Hợp tác Mekong-Lan Thương lần thứ 3.

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh các nước trong khuôn khổ MLC cần tăng cường hợp tác để hỗ trợ phát triển ngành nông nghiệp với sức cạnh tranh cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu và tham gia ngày càng sâu vào chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu, nâng cao sức cạnh tranh của các nền kinh tế MLC thông qua phát triển hệ thống hạ tầng giao thông khu vực, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu mới của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Phó Thủ tướng nhắc lại đề xuất của Việt Nam về việc thiết lập đường dây liên lạc giữa các nước MLC trong xử lý tình huống khẩn cấp trên sông Mekong. Đây sẽ là cơ chế thông tin đầu tiên giữa 6 nước ven sông.

Theo Phó Thủ tướng, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực và hiệu quả cả trong quá trình xây dựng cơ chế hoạt động cũng như đề xuất các ý tưởng, dự án hợp tác thiết thực và phản ánh nhu cầu chung của các nước thành viên.

Tại hội nghị, các Bộ trưởng đã rà soát tình hình triển khai kết quả Hội nghị cấp cao MLC lần thứ nhất và Hội nghị Bộ trưởng MLC lần thứ 2 và thảo luận các biện pháp thúc đẩy hợp tác vì sự thịnh vượng và phát triển bền vững của khu vực.

Mặc dù mới đi vào hoạt động trong 2 năm nhưng hợp tác trong khuôn khổ MLC đã đạt được một số kết quả thực chất như hoàn thành số lượng lớn dự án thu hoạch sớm, thành lập Ban Thư ký/Cơ quan điều phối quốc gia tại mỗi nước, thành lập Quỹ đặc biệt MLC. Các chương trình giao lưu thanh niên, hợp tác văn hoá và du lịch đã giúp nâng cao hiểu biết và tình hữu nghị giữa nhân dân các nước.

Về hợp tác thời gian tới, các Bộ trưởng nhất trí MLC cần đóng góp tích cực hơn nữa vào quá trình phát triển kinh tế xã hội của khu vực, thu hẹp khoảng cách phát triển và hỗ trợ xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Các Bộ trưởng nhất trí thông qua danh sách dự án nhận hỗ trợ tài chính từ Quỹ đặc biệt MLC, tăng cường trao đổi thông tin giữa các đầu mối quốc gia trong triển khai các hoạt động hợp tác MLC.

Để chuẩn bị cho Hội nghị cấp cao MLC lần thứ 2 dự kiến sẽ tổ chức tại Campuchia từ 10-11/1/2018, các Bộ trưởng đã trao đổi và cơ bản thống nhất một số văn kiện lớn để trình lên các nhà lãnh đạo, gồm: Kế hoạch hành động hợp tác MLC giai đoạn 2018-2022; danh sách dự án MLC đợt hai./.

Theo Chinhphu.vn