Quốc hội thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi)
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 23/11/2017
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2018. Luật Quản lý nợ công số 29/2009/QH12 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.
Với 421/438 đại biểu tán thành, chiếm 85,74% tổng số đại biểu Quốc hội, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Ảnh: quochoi.vn |
Trước khi biểu quyết thông qua Luật, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm UB Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo Báo cáo giải trình, ngày 3/11/2017, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trên cơ sở tổng hợp ý kiến thảo luận của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội và chỉnh lý, hoàn thiện Dự thảo luật.
Liên quan đến phạm vi nợ công, có ý kiến băn khoăn về việc không đưa nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công. Có ý kiến đề nghị bỏ khoản 3 Điều 1. Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin bỏ khoản 3 Điều 1 Dự thảo luật.
Về các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước, như đã giải trình tại Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) số 206/BC- UBTVQH14 ngày 01/11/2017 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là các khoản vay thuộc quyền tự chủ của doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước không đủ khả năng trả nợ thì thực hiện thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật, bảo đảm bình đẳng như các loại hình doanh nghiệp khác. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị cho phép không quy định nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào phạm vi nợ công.
Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công (từ Điều 10 đến Điều 20), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định chỉ tiêu an toàn nợ công, quyết định hạn mức bảo lãnh Chính phủ 05 năm, phê chuẩn các điều ước quốc tế.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các nội dung trên đã được quy định tại khoản 1 Điều 10 và khoản 1 Điều 22 Dự thảo luật. Theo đó, Quốc hội có thẩm quyền “quyết định, điều chỉnh kế hoạch vay, trả nợ công 05 năm”, trong đó có các chỉ tiêu an toàn nợ công, tổng mức vay, trả nợ của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương, hạn mức vay về cho vay lại và hạn mức bảo lãnh Chính phủ. Thẩm quyền của Quốc hội trong việc phê chuẩn các điều ước quốc tế đã được quy định tại khoản 14 Điều 70 Hiến pháp và đã được cụ thể hóa tại Luật Điều ước quốc tế.
Về những hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý nợ công (Điều 8), xử lý vi phạm pháp luật trong quản lý nợ công (Điều 9), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “cấm vay nợ và bảo lãnh nợ vượt quá chỉ tiêu an toàn nợ công”. Có ý kiến cho rằng, quy định “không cung cấp, cung cấp… cho cơ quan có thẩm quyền” là thu hẹp phạm vi cung cấp thông tin vì việc cung cấp thông tin phải cho cả công chúng.
Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bổ sung quy định về hành vi bị nghiêm cấm là vay hoặc cho vay không đúng hạn mức đã được cấp có thẩm quyền quyết định, không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, kịp thời, chính xác thông tin về nợ công theo quy định của pháp luật. Nội dung tiếp thu thể hiện cụ thể tại khoản 1, khoản 5 Điều 8 Dự thảo luật.
Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) gồm 10 chương, 63 điều, quy định về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý nợ công; chỉ tiêu an toàn nợ công, chỉ tiêu an toàn nợ công, kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm, chương trình quản lý nợ công 3 năm, kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; quản lý việc huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ của Chính phủ; quản lý cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; cấp và quản lý bảo lãnh Chính phủ; quản lý nợ của chính quyền địa phương…
Hải Ngọc - Châu Tuấn