TPP-11 đạt được thoả thuận và đổi tên hiệp định CPTPP

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 11/11/2017

(TN&MT) - Tại buổi họp báo trưa nay (11/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh khẳng định 11 nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương đã đạt được "thỏa thuận căn bản" để tiếp tục xúc tiến hiệp định thương mại này.

"Chúng tôi đã đạt thỏa thuận về một loạt những vấn đề căn bản," ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, và cho biết thêm rằng các bộ trưởng đã nhất trí đổi tên hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) thành Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). 

TPP-11 đạt được thoả thuận và đổi tên hiệp định CPTPP
TPP-11 đạt được thoả thuận và đổi tên hiệp định CPTPP

Theo ông Trần Tuấn Anh, các bộ trưởng phụ trách kinh tế của 11 nước thành viên đã đình chỉ một số điều khoản nhất định để có thể xúc tiến khuôn khổ thỏa thuận mà vẫn duy trì được các tiêu chuẩn cao về lao động cũng như những vấn đề khác.
  
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn lại nội dung tuyên bố chung của 11 bộ trưởng thành viên hiệp định mới CPTPP, đồng thời nhận định rằng "kết quả đạt được tại Đà Nẵng đã giúp tạo thuận lợi cho phát triển thương mại và thúc đẩy sự hội nhập kinh tế có hiệu quả hơn."

Theo đó, thứ nhất, lần trước khi gặp nhau tại Hà Nội, Việt Nam vào ngày 21/5/2017, các Bộ trưởng của Ốt-xtrây-lia, Bru-nây, Ca-na-đa, Chi-lê, Nhật Bản, Ma-lay-xia, Mêhi-cô, Niu-Di-lân, Pê-ru, Xinh-ga-po và Việt Nam đã tái khẳng định về kết quả cân bằng và ý nghĩa mang tính chiến lược cũng như kinh tế của Hiệp định Đối tác xuyến Thái Bình Dương (TPP) được ký kết tại Auckland vào ngày 4/2/2016 (sau đây được gọi tắt là “TPP”). Các Bộ trưởng cũng nhấn mạnh rằng, các nguyên tắc và tiêu chuẩn cao của Hiệp định TPP là cách để thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của các nước thành viên, tạo ra cơ hội mới cho những người công nhân, các hộ gia đình, các nông dân, thương nhân và người tiêu dùng.

Tại buổi họp báo trưa nay (11/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định 11 nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương đã đạt được
Tại buổi họp báo trưa nay (11/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam khẳng định 11 nền kinh tế vành đai Thái Bình Dương đã đạt được "thỏa thuận căn bản" để tiếp tục xúc tiến hiệp định thương mại này

Thứ hai là, vào tháng 5, các Bộ trưởng đã giao cấp kỹ thuật đánh giá các giải pháp để đưa Hiệp định TPP nhanh chóng đi vào thực thi. Trong các tháng vừa qua, các nhà đàm phán đã nỗ lực thảo luận để đạt được một kết quả cân bằng trong khi vẫn duy trì những lợi ích quan trọng của Hiệp định TPP.

Thứ ba, các Bộ trưởng vui mừng thông báo rằng các nước TPP đã thống nhất các nhân tố cốt lõi của HIỆP ĐỊNH ĐỐI TÁC TOÀN DIỆN VÀ TIẾN BỘ XUYÊN THÁI BÌNH DƯƠNG (Hiệp định CPTPP). Các Bộ trưởng cũng đồng ý đối với Phụ lục 1 và Phụ lục [1 (đính kèm theo) theo hướng duy trì các nội dung của Hiệp định TPP với việc cho phép các nước thành viên tạm hoãn một số lượng hạn chế các nghĩa vụ của mình. Ngoài ra, các Bộ trưởng cũng nhất trí danh mục gồm 4 vấn đề cụ thể mà các nước đã đạt được tiến bộ quan trọng nhưng cần thêm sự đồng thuận trước khi ký kết.

Thứ tư là các Bộ trưởng nhất trí rằng, Hiêp định CPTPP phải duy trì được tiêu chuẩn cao, có sự cân bằng tổng thể và bảo đảm tính toàn vẹn của Hiệp định TPP trong khi vẫn phải đảm bảo lợi ích về thương mại và các lợi ích khác của tất cả các nước tham gia. Ngoài ra, Hiệp định này cũng cần phải đảm bảo sự linh hoạt của các nước tham gia trong việc xây dụng và điều hành chính sách của mình. Các Bộ trưởng cũng khẳng định mỗi nước đều có quyền bảo tồn, phát triển và thực thi các chính sách về văn hóa. Các Bộ trưởng cho rằng, Hiệp định CPTPP cần phản ảnh mong muốn của các nước trong việc thực thi kết quả của Hiệp định TPP giữa các bên. 
Các Bộ trưởng xác nhận rằng văn kiện pháp lý củaa Hiệp định CPTPP cho phép các nước tham gia được hành động dứt khoát và kịp thời hơn.

Đông đảo PV quốc tế đến tham dự buổi họp báo
Đông đảo PV quốc tế đến tham dự buổi họp báo

Hội nghị Bộ trưởng TPP diễn ra tại Đà Nẵng trong các ngày 9 và 10/11 tại Đà Nẵng bên lề Tuần lễ Cấp cao APEC 2017. TPP được ký kết chính thức giữa 12 nước tham gia gồm Mỹ, Canada, Mexico, Peru, Chile, New Zealand, Australia, Nhật Bản, Singapore, Brunei, Malaysia và Việt Nam vào ngày 4/2/2016. Đây là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, với phạm vi cam kết rộng (bao gồm cả các vấn đề thương mại và phi thương mại) và mức độ cam kết rất cao. Tuy nhiên, ngay sau khi lên nắm quyền hồi tháng 1/2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký sắc lệnh hành pháp rút nước này khỏi TPP. Trước động thái này của Mỹ, 11 nước thành viên còn lại đã nỗ lực hồi sinh thỏa thuận này. 
Sau vòng đàm phán mới nhất diễn ra tại Nhật Bản đầu tháng 11/2017, các trưởng đoàn đàm phán của 11 nước thành viên TPP còn lại đều tỏ ý muốn đạt được tiến triển và kết quả tại Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

Bài & ảnh: Xuân Lam