Tinh giảm biên chế, nâng cao hiệu quả bộ máy hành chính… Đại biểu Quốc hội nói gì?
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 30/10/2017
Toàn cảnh phiên thảo luận chiều 30/10. Ảnh:Quốc Khánh |
Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin ghi lại một số ý kiến của các vị Đại biểu Quốc hội để bạn đọc theo dõi:
Đại biểu PHÙNG ĐỨC TIÊN - Đoàn ĐBQH Hà Nam: Cần khẩn trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ
Đại biểu PHÙNG ĐỨC TIÊN. Ảnh: quochoi.vn |
Việc tinh giản bộ máy, biên chế còn nhiều khó khăn. Chính phủ đã có Nghị định 108/2014/NĐ-CP ngày 20/11/2014 về chính sách tinh giản biên chế, trong đó quy định các cơ quan, tổ chức, đơn vị được sử dụng 50% số biên chế đã được tinh giản. Tuy nhiên theo số liệu của Chính phủ, việc tinh giản biên chế giai đoạn 2007 - 2011 đạt 2, 8%, trung bình 0,56%/năm, trong đó có hơn 90% thuộc đối tượng hưởng chính sách về hưu trước tuổi.
Nhưng giai đoạn 2011 - 2016, tổng số biên chế tăng, tính đến cuối 2016 đã tăng gần 4,8% so với năm 2011. Bình quân giai đoạn này, mỗi năm tăng gần 1%. Số liệu này cho thấy giai đoạn, về giải pháp tinh giản biên chế trong những năm qua chưa thực sự có hiệu quả; các bộ, cơ quan, tổ chức thực hiện chưa nghiêm túc quy định pháp luật về tinh giản biên chế, vẫn còn tình trạng phình to các đầu mối, gia tăng lượng biên chế; trong khi việc thực hiện cơ cấu lại bộ máy, sắp xếp lại cán bộ, công chức còn chậm, thiếu hệ thống; đề án vị trí việc làm chưa được thật sự đồng bộ và triển khai chưa có hiệu quả.
Vì vậy theo tôi, các bộ, ngành, địa phương phải khẩn trương xây dựng, rà soát đề án vị trí việc làm cho sát thực tế và có lộ trình thực hiện, xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, công chức dựa trên năng lực việc làm để có cơ sở trong sắp xếp tinh giảm bộ máy biên chế.
Để giảm thiểu tối đa bộ máy, trước hết khẩn trương chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm nhằm giảm áp lực ngân sách cung cấp cho hơn 2 triệu cán bộ về tiền lương. Viên chức trong các đơn vị về sự nghiệp công, rà soát sắp xếp và chỉ để lại những đơn vị thực sự cần thiết trong lĩnh vực mà Nhà nước không thể giao cho tư nhân, giải thể những đơn vị hoạt động không hiệu quả.
Đại biểu MAI THỊ PHƯƠNG HOA - Đoàn ĐBQH Nam Định: Việc xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều
Đại biểu MAI THỊ PHƯƠNG HOA. Ảnh: quochoi.vn |
Về tinh giản biên chế, nhìn chung trong thời gian qua Chính phủ đã rất nỗ lực cố gắng trong việc tinh giản biên chế và đạt được nhiều kết quả tích cực, biên chế công chức trong cơ quan, tổ chức, đơn vị được quản lý chặt chẽ hơn và có xu hướng giảm.
Tuy nhiên, những kết quả đạt được cho đến nay chúng tôi nhận thấy rất khiêm tốn, nhóm công chức trong cơ quan hành chính nhà nước từ năm 2011 đến nay mới giảm hơn 3000 người.
Trong khi đó nhóm viên chức làm việc ở các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm cung cấp các dịch vụ công lại tăng nhanh, đến nay đã lên tới hơn 2 triệu người và tăng 5,8% so với năm 2011. Đây là nhóm cần giảm lại tăng rất mạnh so với nhóm kia, điều này tạo gánh nặng rất lớn cho ngân sách nhà nước.
Ngoài nguyên nhân khách quan, tôi cho rằng nguyên nhân chủ quan cũng rất đáng lưu ý, đó là một số bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện nghiêm kỷ luật quản lý biên chế. Việc xã hội hóa dịch vụ công chưa làm nhiều, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu chưa cao.
Do đó, chúng tôi đề nghị thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 18 thì cần xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu không thực hiện hoặc thực hiện đúng quy định không đạt được mục tiêu tinh giản biên chế và tinh gọn bộ máy.
Đại biểu LÊ ANH TUẤN - Đoàn ĐBQH Hà Tĩnh: Không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó
Đại biểu LÊ ANH TUẤN. Ảnh: quochoi.vn |
Tôi tán thành việc thiết lập cơ chế không nhất thiết cấp trên có cơ quan, tổ chức nào thì cấp dưới có cơ quan, tổ chức đó. Không nhất thiết các đơn vị địa phương phải có mô hình tổ chức bộ máy giống nhau.
Tôi cũng tán thành việc giao Chính phủ sớm ban hành sửa đổi các văn bản xác định vì khung tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và tiêu chí, điều kiện thành lập gắn với đặc điểm của từng địa phương.
Tuy nhiên, việc giao này cần xác định rõ lộ trình và thời gian thực hiện cụ thể. Cần chỉ rõ việc thiết kế theo các mô hình này không đồng nghĩa với việc bỏ lĩnh vực quản lý nhà nước. Đồng thời, chú ý làm rõ quy trình giới thiệu nhân sự của các bộ quản lý ngành đối với việc bổ nhiệm người chịu trách nhiệm quản lý ngành, lĩnh vực tại địa phương trong trường hợp không có sự đồng nhất về mô hình tổ chức bộ máy cơ quan quản lý ngành giữa trung ương và địa phương.
Quá trình xây dựng khung tổ chức bộ máy cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân và tiêu chí thành lập, ngay cả việc tiến hành tinh giản biên chế cần gắn với đặc điểm từng loại đơn vị hành chính không nên mang tính cơ học mà cần bám sát quy mô dân số, đặc điểm lợi thế so sánh của địa phương, các nhiệm vụ trung ương ủy quyền cho địa phương thực hiện và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương đã được trung ương phê duyệt.
Đại biểu PHƯƠNG THỊ THANH - Đoàn ĐBQH Bắc Kạn: Giảm tối thiếu là 10% so với số biên chế được giao năm 2015
Đại biểu PHƯƠNG THỊ THANH. Ảnh: Việt Hùng |
Việc xác định thực hiện đề án vị trí việc làm, tinh giảm biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức đã và đang thực hiện và bước đầu có hiệu quả. Tuy nhiên, tiến độ triển khai còn chậm, việc xác định xây dựng vị trí việc làm là một trong căn cứ để sắp xếp tổ chức bộ máy biên chế, tránh tình trạng phình bộ máy, tăng biên chế.
Qua nghiên cứu báo cáo của các cơ quan, đơn vị, địa phương cho thấy, sau khi xác định vị trí việc làm, khung năng lực vị trí việc làm thì hầu hết các cơ quan, tổ chức đều đề xuất tăng biên chế so với biên chế hiện có và đều cho rằng nếu bố trí người đúng theo vị trí việc làm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thực hiện theo đúng quy định thì định mức biên chế của các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thì số lượng biên chế giao như hiện này là không đủ, như vậy sẽ không đạt được mục tiêu là vừa cơ cấu lại đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, tinh giảm biên chế theo lộ trình.
Vậy, phải chăng số biên chế hiện nay chúng ta đang giao cho các cơ quan, địa phương đã đủ để chúng ta nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý của bộ máy hành chính nhà nước hay chưa, hay việc hướng dẫn căn cứ để xây dựng vị trí việc làm là chưa sát với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu của cơ quan, tổ chức.
Thực tế việc xác định vị trí việc làm, xây dựng khung năng lực vị trí việc làm chủ yếu căn cứ vào việc mô tả công việc theo biên chế hiện có để xác định người làm việc dẫn tới việc xây dựng để giữ biên chế hoặc tăng thêm biên chế là khó tránh khỏi.
Do vậy, tôi đề nghị cần phải đánh giá xem xét thấu đáo nội dung này để thực hiện có hiệu quả hơn. Mặt khác hiện nay một số văn bản pháp luật quy định định mức biên chế rất cụ thể, chi tiết như định mức biên chế trong các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục mầm non, định mức biên chế tại các cơ sở y tế... Nếu bố trí đủ định mức quy định biên chế cũng sẽ có thể tăng thêm biên chế và như vậy sẽ khó thực hiện theo lộ trình tinh giản biên chế đến năm 2021, giảm tối thiếu là 10% so với số biên chế được giao năm 2015.
Tôi xin đề xuất Chính phủ sớm rà soát, chỉ đạo các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của các bộ để sửa đổi cho phù hợp theo hướng Chính phủ chỉ quy định tiêu chí thành lập và khung số lượng bên trong của các cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, của bộ; phân cấp cho chính quyền địa phương quyết định việc thành lập hoặc không tổ chức phòng, chi cục, trung tâm trực thuộc sở trên cơ sở tiêu chí của Chính phủ; điều kiện quy mô, phạm vi hoạt động đặc thù của địa phương để thành lập cho phù hợp. Đề nghị các bộ khi ban hành quy định về định mức biên chế cần phải quy định định khung để địa phương có thẩm quyền quyết định thực hiện.
Đại biểu TRẦN VĂN LÂM - Đoàn ĐBQH Bắc Giang: Thay đổi cơ cấu lãnh đạo phải gắn với đổi mới cung cách làm việc
Đại biểu TRẦN VĂN LÂM. Ảnh: quochoi.vn |
Vấn đề cải cách bộ máy hành chính chỉ là một bộ máy cấu thành trong tổng thể cải cách nền hành chính quốc gia. Nó phải xuất phát từ mục đích yêu cầu quản lý và phải tiến hành đồng bộ trong mối quan hệ hữu cơ với các nội dung cải cách khác, gồm cải cách thể chế, xây dựng đội ngũ công chức, cải cách thủ tục hành chính, đổi mới tài chính công và hiện đại hóa nền hành chính xây dựng Chính phủ hiện đại.
Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua tôi cảm nhận tính đồng bộ này chưa tốt. Việc đổi mới tổ chức bộ máy chưa gắn chặt với các khâu khác trong cải cách hành chính. Ví dụ, trong quy định về chính quyền cấp xã vừa qua giảm một Phó Chủ tịch.
Đi tiếp xúc cử tri khắp nơi đều kêu cho rằng bất hợp lý, làm khổ cơ sở do không đủ lãnh đạo xã đi họp, không có lãnh đạo xã thường xuyên tiếp dân, không có người thường trực ký các văn bản làm người dân phải chờ đợi phiền hà. Nghe thì bức xúc, nhưng vấn đề cùng với thay đổi cơ cấu lãnh đạo như vậy thì phải đổi mới cung cách làm việc, phân công lại trách nhiệm, giám sát, giảm họp hành, tăng thẩm quyền công chức, tăng trách nhiệm người đứng đầu nhưng thực tế việc thay đổi không đồng bộ gây nên xáo trộn, bức xúc.
Việt Hùng - Hải Ngọc(lược ghi)