Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự gặp mặt liên kết tiểu vùng Đồng Tháp Mười
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 22/10/2017
Tại buổi gặp mặt, lãnh đạo các tỉnh trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Long An và Tiền Giang) và TP.HCM, các sở ngành, doanh nghiệp đã đưa ra nhiều kiến nghị, giải pháp thực hiện Đề án liên kết phát triển bền vững tiểu vùng Đồng Tháp Mười.
Các tỉnh cho rằng, liên kết hợp tác trong phát triển du lịch giữa các tỉnh tiểu vùng Đồng Tháp Mười với TP.HCM là thật sự cần thiết. Đây là tiền đề để quản lý tài nguyên bền vững vùng Đồng Tháp Mười trong bối cảnh ứng phó biến đổi khí hậu và hội nhập kinh tế, khai thác hợp lý tiềm năng du lịch và thế mạnh của khu vực. Hiện nay, sản phẩm du lịch có nhiều điểm tương đồng, lặp lại nên các tỉnh cần tạo ra sản phẩm du lịch sâu sắc hơn, giữ chân du khách trải nghiệm nét văn hoá thiên nhiên và con người vùng Đồng Tháp Mười.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các tỉnh vùng Đồng Tháp Mười và TP.HCM |
Phát biểu tại Chương trình, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình chia sẻ, vùng Đồng Tháp Mười là đặc trưng của đất Phương Nam. Hành trang của người đi mở đất, khai phá và hình thành nét văn hoá riêng. Du lịch vùng Đồng Tháp Mười có những lợi thế, đặc trưng rất riêng. Các tỉnh cần phải phát huy lợi thế sẵn có, tạo ra đội ngũ con người, sản phẩm du lịch thật tốt để thu hút khách.
Phó Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao sự liên kết của các địa phương trong tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Đồng thời, Phó Thủ tướng lưu ý muốn phát triển du lịch trong sự gắn kết, trước hết phải chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, đổi mới phương thức kêu gọi xúc tiến đầu tư, đẩy mạnh truyền thông trong việc quảng bá hình ảnh du lịch. Cùng với đó, cần quán triệt tư tưởng phát triển du lịch địa phương phải đặt trong mối quan hệ phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng, chú trọng bảo vệ môi trường, bảo vệ sự phát triển bền vững hệ sinh thái.
Theo Phó Thủ tướng, liên kết phải đồng lòng, kỷ luật kỷ cương, đảm bảo thực hiện có hiệu quả chương trình đề án. Xây dựng chương trình dự án ứng phó biến đổi khí hậu, an ninh nguồn nước, bảo vệ hệ sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường. “Chúng ta phải nhìn nhận rằng, nếu không có vùng ĐBSCL, không có vùng Đông Nam bộ thì TP.HCM cũng không thể phát triển được. Do vậy, TP.HCM phải thể hiện rõ vai trò đi đầu, tạo nguồn lực lớn để gắn kết cho tiểu vùng Đồng Tháp Mười phát triển. Đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nông nghiệp công nghệ cao, phát triển cơ sở hạ tầng... các tỉnh trong tiểu vùng cần phải có sự nỗ lực vươn lên, tạo động lực liên kết thúc đẩy cùng nhau phát triển”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình để nghị.
Dịp này, hưởng ứng lời kêu gọi “Nhịp cầu nghĩa tình” của Thành uỷ TP.HCM, các cơ quan, doanh nghiệp đã quyên góp hỗ trợ tổng số tiền khoảng 57 tỷ đồng để xây dựng cầu giao thông nông thôn tại các địa phương khó khăn, vùng căn cứ cách mạng tại các tỉnh Đồng Tháp – Tiền Giang – Long An.
Bạch Thanh