Mức bội chi ngân sách năm 2017 thấp nhất trong 10 năm gần đây

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 23/10/2017

(TN&MT) - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 4, dưới sự điều khiển của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, chiều 23/10, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018...
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra tại Hội trường chiều 23/10. Ảnh: Quốc Khánh
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo thẩm tra tại Hội trường chiều 23/10. Ảnh:Quốc Khánh

Nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực 

Báo cáo thẩm tra về kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2017; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cơ bản thống nhất với báo cáo của Chính phủ và cho rằng, năm 2017 nền kinh tế Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, nhưng còn đứng trước nhiều khó khăn từ trong nước và ngoài nước.

Các yếu tố khách quan và chủ quan đã tác động đến tăng trưởng kinh tế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nhiệm vụ tài chính - ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội đề ra.

Về tình hình thu ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách nhận thấy, Chính phủ ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ, kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và cả hệ thống chính trị trong cả nước.

Tuy nhiên, số tăng thu so với dự toán chủ yếu là tăng thu của ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương ước khó đạt dự toán. Đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương khó được đảm bảo.

Về tình hình thực hiện chi ngân sách nhà nước, Báo cáo của Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Chính phủ đã điều hành, quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, nhiều khoản chi đã phát huy hiệu quả, trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định. Tổng chi ngân sách nhà nước tăng là do sử dụng dự phòng ngân sách và nguồn tăng thu của ngân sách địa phương.

Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ lưu ý công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt, nhất là vốn đầu tư xây dựng cơ bản, còn nhiều tồn tại trong công tác chuẩn bị đầu tư; vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân rất chậm.

Bên cạnh đó, việc quản lý, điều hành chi thường xuyên đã chú trọng tiết kiệm, chỉ tăng 1,3% so với dự toán, cơ bản đáp ứng được các yêu cầu triển khai nhiệm vụ, thực hiện các chính sách, chế độ đã ban hành. Tuy nhiên, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn lý do của việc chưa phê duyệt 4 Chương trình mục tiêu; việc bố trí kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công rất thấp.

Về cân đối và bội chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đánh giá cao kết quả điều hành ngân sách nhà nước của Chính phủ theo hướng siết chặt bội chi ngân sách nhà nước, cơ cấu lại nợ công theo hướng kéo dài kỳ hạn vay và giảm dần lãi suất bình quân đi vay, vì đây là năm đầu tiên thực hiện Luật ngân sách nhà nước năm 2015, mức bội chi không cao hơn so với dự toán và cũng là mức bội chi thấp nhất trong vòng 10 năm qua, góp phần giữ nợ công trong giới hạn an toàn cho phép. Tuy nhiên, mức bội chi giảm so với thực tế  là do giảm phần bội chi của ngân sách địa phương, bội chi ngân sách trung ương vẫn tăng so với dự toán.

Bên cạnh đó, việc giải ngân vốn ODA được Chính phủ tạm xác định bằng dự toán là khá rủi ro, vì theo nhiều năm, số vốn giải ngân ODA thường có phát sinh lớn hơn so với dự toán. Nếu vốn ODA giải ngân vượt so với dự toán, điều này ảnh hưởng đến bội chi ngân sách nhà nước. Đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể về tổng mức vay của ngân sách nhà nước năm 2017, đồng thời tiến hành rà soát tình hình giải ngân vốn ODA trong những năm gần đây để báo cáo Quốc hội xem xét, điều chỉnh kịp thời tại kỳ họp này, bảo đảm giữ mức bội chi trong phạm vi dự toán được Quốc hội quyết định.

Quang cảnh phiên họp buổi chiều 23/10.
Quang cảnh phiên họp buổi chiều 23/10. Ảnh: Quốc Khánh

4 nguyên tắc cho phân bổ ngân sách trung ương 2018

Thống nhất với báo cáo của Chính phủ về phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018, Ủy ban Tài chính Ngân sách nhấn mạnh 4 nguyên tắc phân bổ ngân sách nhà nước năm 2018,cụ thể:

Thứ nhất, phân bổ vốn đầu tư phải căn cứ vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Quốc hội quyết định. Chỉ bố trí vốn cho các dự án đủ thủ tục đầu tư, được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thứ hai, phân bổ chi thường xuyên cần chú trọng tiết kiệm. Thực hiện tăng lương cơ sở phải đi đôi với tinh giản biên chế, tiến tới giao dự toán chi lương đi đôi với giao biên chế. Đổi mới hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, giảm dần sự phụ thuộc vào NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập để tạo nguồn cải cách tiền lương.

Thứ ba, phân bổ ngân sách cho các địa phương trong thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020 theo tỷ lệ điều tiết đã được Quốc hội quyết định tại Nghị quyết 29/2016/QH14 nhằm bảo đảm cân đối chung, nhưng cần chú ý tới các địa phương có yếu tố đột biến trong điều hành NSĐP để có mức tăng bổ sung mục tiêu cho phù hợp. Bố trí ngân sách để trả nợ lãi đầy đủ, đúng hạn, quản lý chặt chẽ tất cả các khoản vay; dành nguồn dự phòng để chủ động xử lý các tình huống cấp bách như: thiên tai, biến đổi khí hậu, dịch bệnh.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính và tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Về phương án phân bổ cụ thể, Ủy ban Thẩm tra cơ bản tán thành với phương án phân bổ cụ thể của Chính phủ và cho rằng: khả năng thu ngân sách nhà nước còn khó khăn, song Chính phủ vẫn dành nguồn để thực hiện lộ trình cải cách tiền lương và tăng tiền ăn cho cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang…nhưng vẫn bố trí tăng chi đầu tư phát triển, trong đó đã dành tất cả số tăng chi đầu tư tập trung để hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người có công là nỗ lực rất lớn trong việc cơ cấu lại ngân sách nhà nước theo tinh thần Nghị quyết 07/NQ-TW của Trung ương và Nghị quyết của Quốc hội.

Tuy nhiên, Ủy ban thẩm tra cũng nêu rõ, trong phân bổ chi đầu tư phát triển, theo dự toán tổng số chi đầu tư phát triển từ ngân sách trung ương tăng khoảng hơn7.000 tỷ đồng so với dự toán năm 2017. Tính tổng các nguồn lực tuy đã đáp ứng yêu cầu tăng chi đầu tư phát triển như Nghị quyết 07/NQ-TW của Trung ương nhưng đề nghị Chính phủ rà soát thêm trong cơ cấu vốn đầu tư và có các cơ chế mới khai thác nguồn lực hiệu quả hơn.

Còn về phân bổ chi thường xuyên, Ủy ban Thẩm tra đề nghị Chính phủ cân đối sao cho hợp lý các lĩnh vực phân bổ ngân sách cụ thể như chi sự nghiệp giáo dục- đào tạo và dạy nghề, chi sự nghiệp giáo dục- đào tạo và dạy nghề, chi cho lĩnh vực y tế, về chính sách an sinh xã hội…

Về kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 3 năm 2018- 2020, Ủy ban Thẩm tra cho rằng, đây là lần đầu tiên chúng ta xây dựng kế hoạch tài chính – nhà nước 3 năm theo quy định của Luật ngân sách nhà nước năm 2015, cũng là kế hoạch sẽ được lập theo hình thức cuốn chiếu. Ủy ban Thẩm tra nhận định ý nghĩa của Kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 3 năm nhằm cung cấp tầm nhìn về nguồn lực cho các cấp chính quyền, nhưng gắn với dự toán hằng năm.

Chính phủ đã ban hành Nghị định 45/2017/CP ngày 21/4/2017 quy định chi tiết lập kế hoạch 3 năm, các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ KH&ĐT về xây dựng Kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm đã được ban hành. Đề nghị Chính phủ tiếp tục hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả…

Dự kiến chương trình kỳ họp, ngày mai 24/10 như sau:    

Buổi sáng: Quốc hội thảo luận ở tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2018 và kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018-2020.

Buổi chiều: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi).

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ và phát triển rừng (sửa đổi); Cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn sẽ liên tục cập nhật đến bạn đọc trong các bản tin tiếp theo.

Hải Ngọc - Châu Tuấn