Cụm thi đua số III – Bộ TN&MT: Tìm giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 14/07/2017

(TN&MT) – Ngày 14/7, Cụm thi đua số III – Bộ TN&MT đã tổ chức hội thảo với chuyên đề "Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo...

 

(TN&MT) – Ngày 14/7, Cụm thi đua số III – Bộ TN&MT đã tổ chức hội thảo với chuyên đề “Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường” tại Yên Bái. Đồng thời, sơ kết công tác thi đua 6 tháng đầu năm 2017. Lãnh đạo Sở TN&MT tỉnh Yên Bái và Lào Cai chủ trì hội nghị.

Tham gia hội thảo có lãnh đạo Sở TN&MT của 6 tỉnh phía Tây Bắc: Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình và Yên Bái.

Ông Lê Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai - đại diện lãnh đạo đơn vị Cụm trưởng năm 2017
Ông Lê Ngọc Dương – Phó Giám đốc Sở TN&MT Lào Cai - đại diện lãnh đạo đơn vị Cụm trưởng năm 2017

Với chức năng chung cùng tham mưu với UBND tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về lĩnh vực TN&MT. Các đại biểu tập trung ý kiến, thảo luận cùng đánh giá công tác bảo vệ môi trường của địa phương mình. Trao đổi những bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương, những thách thức khó khăn còn vướng mắc trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực ngành. Từ đó, đưa ra những giải pháp, kiến nghị với Trung ương.

Trong 6 tháng đầu năm cụm thi đua số III đã đạt được nhưng kết quả nhất định trong lĩnh vực quản lý nhà nước về công tác bảo vệ môi trường. Sáu tháng đầu năm 2017 cụm có 1 tập thể được nhận cờ thi đua của Bộ (Lai Châu); 3 cá nhân được tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (Lào Cai và Lai Châu); 11 tập thể và 15 cá nhân được tặng bằng khen của Bộ và nhiều Bằng khen của Ủy ban nhân dân các tỉnh, chiến sỹ thi đua cấp tỉnh tỉnh, chiến sỹ thi đua ngành…

Để công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực BVMT được thực hiện hiệu quả các Sở cũng có những kiến nghị, đề xuất với Bộ TN&MT. Đối với tỉnh Yên Bái, trình chính phủ phân cấp thêm cho UBND cấp tỉnh về thẩm quyền thẩm định, phê duyệt ĐTM, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về BVMT. Tạo điều kiện rút ngăn thời gian trình duyệt các thủ tục hành chính đối cho DN.

Hơn nữa, nghiên cứu sớm đề ra giải pháp tổng thể BVMT lưu vực và nguồn nước của hệ thống sông Hồng. Vì đây là nguồn nước sinh hoạt và sản xuất của nhiều tỉnh thành.

Đồng thời, hỗ trợ địa phương đào tạo nguồn nhân lực quản lý môi trường; đầu tư nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị quan trắc, phân tích môi trường để phục vụ cho công tác quản lý môi trường được tốt hơn.

Thanh Ngà