Quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc quản lý, khai thác cát

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 06/07/2017

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối...

 

Đây là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình tại Hội nghị về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, sỏi, tổ chức sáng 6/7, tại Trụ sở Chính phủ. Tham dự và chỉ đạo hội nghị có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương trong cả nước.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu rõ: Cát, sỏi là vật liệu xây dựng thiết yếu của xã hội, nhưng nếu việc khai thác quá mức sẽ tác động tiêu cực đến dòng chảy, gây sạt lở bờ sông, đất bãi, gây thiệt hại đến tài sản của nhân dân. Vì vậy, việc khai thác cát, sỏi phải được quy hoạch trên cơ sở tính đến nhu cầu sử dụng chung của cả nước, địa phương và đánh giá tác động môi trường, quản lý và ngăn chặn có hiệu quả các hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép.

Nhằm tăng cường quản lý, bảo vệ nguồn tài nguyên này, Chính phủ và Thủ tướng đã tổ chức nhiều cuộc họp, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo. Tuy nhiên, tình hình quản lý, khai thác cát, sỏi vẫn còn nhiều hạn chế, việc áp dụng pháp luật trong xử lý vi phạm ở các nơi còn chưa thống nhất, hoạt động khai thác trái phép vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều nơi với thủ đoạn tinh vi, các đối tượng sẵn sàng chống lại cơ quan chức năng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng chỉ rõ nguyên nhân của thực trạng là công tác quản lý của các bộ, ngành, địa phương chưa thật quyết liệt, chưa hiệu quả, chặt chẽ, một số quy định còn bất cập, phân công trách nhiệm chưa rõ ràng, một số nơi buông lỏng, dư luận cho rằng có lợi ích nhóm, bao che cho các hoạt động khai thác cát sỏi. Mặt khác, do nhu cầu sử dụng cát để san lấp mặt bằng và xây dựng hiện nay rất lớn, việc khai thác và kinh doanh cát sỏi đem lại nguồn thu lớn nên việc khai thác cát sỏi trái phép vẫn diễn ra.

Chỉ ra các nhóm vi phạm và các vụ việc điển hình như Dự án khu đô thị quốc tế Đa Phước ở Đà Nẵng và một số địa phương khác, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới.

Đó là, các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành, các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Cụ thể, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và cơ quan có liên quan khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải, vùng nước cảng biển và đường thuỷ nội địa, trình Thủ tướng trước ngày 30/9/2017. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra các phương tiện giao thông đường thuỷ, tiếp tục dừng cấp mới giấy phép các dự án xã hội hoá nạo vét, duy tu tuyến luồng hàng hải, không gia hạn hoặc cấp lại giấy phép đã hết hạn đối với các dự án này.

Bộ NN&PTT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xem xét, đánh giá tình trạng biển xâm thực, nghiên cứu, lập phương án sử dụng nguồn cát nhiễm mặn được thu hồi từ các dự án nạo vét để bồi đắp vào các khu vực bị biển xâm thực; tăng cường các biện pháp bảo đảm an toàn, phát triển bền vững khu vực bị ảnh hưởng từ việc khai thác cát.

Bộ TN&MT sớm hoàn thiện Chỉ thị của Thủ tướng về nhiệm vụ, giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác cát, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 20/7/2017. Đồng thời, khẩn trương ban hành văn bản quy định quản lý cát, sỏi lòng sông, bãi sông, quy định rõ thẩm quyền và trách nhiệm khi có vi phạm. Hướng dẫn các địa phương lập thăm dò, quy hoạch, khai thác cát sỏi, khắc phục các bất cập hiện nay. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc kiểm tra, giám sát hoạt động nạo vét, khơi thông luồng, kết hợp thu hồi cát, đề xuất các biện pháp tăng cường quản lý dự án, nhất là dự án gây bức xúc dư luận nhân dân.

Đối với Bộ Xây dựng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ yêu cầu tăng cường hướng dẫn sản xuất và sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên trong lĩnh vực xây dựng, bổ sung các quy chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng vật liệu xây dựng cát tự nhiên trong san lấp. Khẩn trương rà soát, xác định cân đối cung cầu cát, sỏi xây dựng và cát san lấp trong cả nước, báo cáo Thủ tướng.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình yêu cầu Bộ Công an mở các đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trong lĩnh vực này, chỉ đạo công an các địa phương phối hợp với các cơ quan tăng cường kiểm tra, xử lý đối với các hoạt động khai thác cát trái phép, trường hợp vi phạm chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự.

Bộ Công Thương phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.

“Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần đề cao trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ, quyết tâm tạo bước chuyển biến rõ rệt trong việc quản lý, khai thác cát, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế, bảo vệ tài nguyên môi trường và trật tự an toàn xã hội”, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phân tích: Với cát, sỏi ở các khu vực khác nhau thì có nhu cầu khác nhau, phụ thuộc vào điều kiện địa hình, địa chất, sự phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực ấy. Hiện nay, giá cát sỏi khu vực phía bắc tăng khoảng 10%, nhưng ở khu vực Đông Nam Bộ tăng mạnh do nhu cầu xây dựng lớn như san nền, tôn nền.

Thời gian tới, chúng ta phải có đủ cát hoặc những vật liệu tương đương như cát để đáp ứng nhu cầu xây dựng, nhưng cũng phải bảo đảm bảo vệ lòng sông, bờ sông, bờ biển không bị sói lở, không gây thiệt hại về tính mạng và tài sản cho người dân, không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế của mỗi vùng, mỗi địa phương, không tác động xấu đến môi trường.

Điều này đòi hỏi phải hoàn thiện pháp luật liên quan đến lĩnh vực này, chế tài xử phạt vi phạm trong khai thác cát sỏi, rà soát lại quy hoạch trong thăm dò, khai thác cát sỏi, giấy phép, xem quy hoạch đó hiện nay còn phù hợp không, nếu không thì rút lại quy hoạch hoặc giấy phép không còn phù hợp. Cùng với đó cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh không để cát tặc lộng hành, gắn việc quy hoạch khai thác cát với chống sạt lở bờ sông, bờ biển. Đồng thời cân đối nhu cầu và khả năng đáp ứng cát sỏi để có nghiên cứu vật liệu thay thế.

Về quản lý hoạt động thu hồi cát từ các dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch, Phó Thủ tướng chỉ ra sự phối hợp quản lý giữa Bộ GTVT và các địa phương còn chưa tốt, do đó trong thời gian tới, Bộ GTVT cần thống nhất quản lý, các địa phương trực tiếp chịu trách nhiệm, ở những nơi giáp ranh cần có sự phối hợp giữa các địa phương.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các quy hoạch, giấy phép về thăm dò, khai thác cát, sỏi. Nếu quy hoạch, giấy phép nào còn phù hợp thì tiếp tục thực hiện, nếu không còn phù hợp thì phải thay đổi quy hoạch hoặc rút giấy phép khai thác. Bên cạnh đó phải gắn quy hoạch khai thác cát sỏi với bảo đảm chống sạt lở bờ sông, bờ biển; gắn với nhu cầu của thị trường, nhu cầu đầu tư xây dựng ở các địa phương.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Xây dựng đẩy mạnh nghiên cứu, sản xuất vật liệu xây dựng thay thế như tro xỉ than, cát mặn, cát nhân tạo từ đá... để bảo đảm nhu cầu xây dựng theo từng địa phương, khu vực. Các Bộ Xây dựng, GTVT, Công Thương... tập trung rà soát, tổng hợp nhu cầu về vật liệu xây dựng, để làm cơ sở cho việc khai thác cát sỏi, khắc phục tình trạng bị động về nguồn cung trong thời gian qua.

Phó Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Đỗ Văn Đương đề nghị Bộ Công an chỉ đạo quyết liệt khởi tố vụ án khi phát hiện các sai phạm trong khai thác cát sỏi. Các cơ quan quản lý cần xem xét toàn diện công tác quản lý của các cấp, các ngành đối với hoạt động khai thác cát trên địa bàn, đồng thời hạn chế tối đa việc lấy cát sông để san lấp mặt bằng, gây lãng phí tài nguyên vô cùng lớn bởi đây là nguồn tài nguyên không tái tạo.

Báo cáo của Bộ TN&MT về tổng quan tài nguyên cát sỏi cho biết, đến nay do chưa tiến hành điều tra, đánh giá tổng thể trên phạm vi toàn quốc nên chưa có số liệu chính xác về tiềm năng loại khoáng sản này.

Theo báo cáo của 49/63 tỉnh, thành phố, đến cuối 2016, tổng trữ lượng cát, sỏi được các địa phương phê duyệt là 691,516 triệu m3. Trong đó, một số tỉnh có trữ lượng lớn như Đồng Tháp, Gia Lai, Hải Phòng, Hưng Yên, Nghệ An, Phú Thọ, An Giang, Quảng Ninh…

Đến cuối năm 2016, các địa phương đã cấp 659 giấy phép thăm dò, 707 giấy phép khai thác cát, sỏi lòng sông. Tổng số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản là cát, sỏi, thu hồi từ dự án nạo vét, khơi thông luồng lạch đã được phê duyệt là hơn 717 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ TN&MT đang trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và một số giải pháp tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động khai thác, kinh doanh tài nguyên cát, sỏi.

Theo Chinhphu.vn