Dự án nhận chìm bùn, cát ở biển Bình Thuận: Không thể xảy ra thảm họa môi trường nếu làm đúng giấy phép
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 08/07/2017
(TN&MT) - Trước những thông tin cho rằng việc Bộ TNMT cấp phép cho Dự án Nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải,. vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 với vật liệu nạo vét mang đi nhận chìm lên tới 918.533 m3, theo đánh giá của một số chuyên gia thì có nguy cơ trở thành “thảm họa môi trường biển” đối với Khu bảo tồn biển Hòn Cau, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã có cuộc trao đổi với Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ,Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề môi trường biển xung quanh vấn đề này.
Tiến sỹ Vũ Thanh Ca, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế và Khoa học Công nghệ,Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, một chuyên gia đã có nhiều năm nghiên cứu về vấn đề môi trường biển. |
Gần đây, dư luận và một số nhà khoa học lên tiếng phản đối việc Bộ TNMT cấp phép cho Dự án án “Nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồn hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1” gần vùng đệm của Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Vậy xin ông cho biết Bộ TNMT đã cấp phép cho dự án này dựa trên cơ sở pháp lý và khoa học nào?
Tiến sỹ Vũ Thanh Ca: Trước hết tôi xin trả lời rằng, tôi không tham gia vào hoạt động cấp phép cũng như không là thành viên của Hội đồng khoa học xét duyệt hồ sơ xin nhận chìm ở biển của Dự án “Nhận chìm ở biển vật liệu nạo vét luồng hàng hải, vũng quay tàu và khu nước trước bến chuyên dùng phục vụ nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 1”. Tôi phát biểu với tư cách là một chuyên gia, một người làm khoa học.
Theo tôi được biết, các quốc gia trên thế giới đã và đang tích cực hoàn thiện hệ thống luật pháp, thể chế cũng như gia nhập, phê chuẩn các điều ước quốc tế về kiểm soát hoạt động nhận chìm ở biển như Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác năm 1972 (Công ước Luân Đôn 1972), Nghị định thư 1996 của Công ước về ngăn ngừa ô nhiễm biển do nhận chìm chất thải và các chất khác (Nghị định thư Luân Đôn 1996). Theo quy định của Công ước Luân Đôn 1972 và Nghị định thư 1996, vật liệu nạo vét, các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, bùn thải, chất thải từ thủy sản và các hoạt động chế biến thủy sản, tàu thuyền, giàn nổi... là những vật chất được phép nhận chìm ở biển. Tuy nhiên, theo số liệu của Tổ chức Hàng hải quốc tế năm 2016, vật liệu nạo vét chiếm khoảng 80-90% các vật, chất được phép nhận chìm, với khoảng 250-500 triệu tấn được cấp phép nhận chìm ở biển hàng năm. Việc nhận chìm chất nạo vét ở biển là rất tự nhiên vì nó có nguồn gốc từ biển nếu như không phát hiện ra chất độc hại trong chất nạo vét. Cần chú ý rằng chất nạo vét rât có thể chứa chất độc, như bùn đáy vịnh Minamata ở Nhật Bản trước kia bị ô nhiễm thủy ngân nặng nề.
Trong quá trình phát triển kinh tế xã hội, các nhà quản lý nhận thấy rằng bùn, cát ngoài biển không thể đổ lên bờ bởi đổ trên bờ cần mặt bằng trong khi tất cả đất đai đã có chủ và có mục đích sử dụng. Việc sử dụng một khu vực nào đó làm nơi đổ chất nạo vét là rất khó khăn, tốn kém với hàng loạt các ràng buộc về đền bù giải phóng mặt bằng, giải pháp hỗ trợ cho dân ổn định và tạo đời sống sinh kế. Về mặt môi trường cũng không đảm bảo khi nước mặn từ cát nạo vét cũng sẽ ngấm xuống đất làm ô nhễm đất mặt, ô nhiễm tầng nước ngầm. Nếu muốn làm sạch bằng tự nhiên, nước mưa cũng phải mất rất nhiều năm sau đó. Chính vì vậy việc nhận chìm chất nạo vét từ biển tại những khu vực không có tầm quan trọng đáng kể về môi trường, sinh thái là giải pháp khả thi, kinh tế với thiệt hại môi trường ít nhất.
Về việc cấp phép Dự án này, tôi đã đọc qua và thấy, trong báo cáo khu vực nhận chìm đã được khảo sát kỹ, kết quả là hệ sinh thái ở đây khá nghèo nàn. Tất nhiên, khi đổ cát xuống đáy biển, có thể có một số sinh vật sẽ bị chết, một số sinh vật khác có thể xuyên lớp cát để lên mặt và sống tiếp. Do đa dạng sinh học khu vực nhận chìm khá nghèo nàn nên tác hại tới môi trường sinh thái của khu vực khi nhận chìm không lớn. Ngoài ra, khi khảo sát cho thấy, vật chất nạo vét chủ yếu là cát. Tôi thấy ở cột khoan điển hình cho khu vực có độ dày khoảng 15m chỉ có một lớp dày 1,5m có lẫn bùn sét với hàm lượng không quá 5%; các lớp khác chủ yếu là cát, gần như không có bùn sét và không có chất độc hại. Như vậy nếu đem đổ ngoài khu vực nhận chìm, tác động môi trường lớn nhất là nước đục và quá trình giám sát phải đảm bảo như hàm lượng bùn trong nước tại ranh giới khu bảo tồn biển Hòn Cau và khu bãi cạn Brenda cũng như gần các khu nuôi trồng thủy sản không vượt giới hạn cho phép theo pháp luật bảo vệ môi trường. Nếu hàm lượng bùn trong nước tại các khu vực này thì phải dừng ngay lập tức hoạt động nạo vét và chờ khi điều kiện thời tiết thuận lợi mới tiếp tục thực hiện.
Một số nhà khoa học và cơ quan ngôn luận cho rằng, nhận chìm ở biển thực chất là xả thải, điều này có đúng không, thưa ông?
Tiến sỹ Vũ Thanh Ca: Tôi khẳng định là hoạt động nhận chìm chất nạo vét hoàn toàn khác với xả thải, bởi vì nhận chìm là ta đổ cát có nguồn gốc biển xuống biển; do vậy bản thân cát nạo vét là môt thành phần của biển. Còn xả thải là xả chất thải từ các hoạt động khai thác, sản xuất của con người xuống biển. Do vậy, hai khái niệm này hoàn toàn khác nhau.
Vậy theo ông, việc Bộ TNMT cấp phép cho dự án nhận chìm ở biển có vị trí địa lý được cho là khá gần với vùng đệm của Khu bảo tồn biển Hòn Cau có ảnh hưởng gì đến môi trường sinh thái của Khu bảo tồn biển này hay không?
Tiến sỹ Vũ Thanh Ca: Theo báo cáo của hoạt động nhận chìm, các nhà khoa học và chủ đầu tư dự án đã thực hiện tính toán mức độ lan truyền của bùn cát khi nhận chìm ở khu vực này và thấy rằng, nó phụ thuộc khá nhiều vào khí tượng thủy văn và sóng.
Nếu thời tiết không có gió, tác dòng của dòng thủy triều, nước đục sẽ dần lan truyền và nó có thể tác động rất nhẹ tới khu vực phía Bắc của Khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Brenda. Còn nếu gió hướng Đông Bắc trong khoảng 3-4 ngày liên tục thì nó có khả năng làm bùn lan đến khu bảo tồn biển Hòn Cau và bãi cạn Brenda. Và nếu gió mùa Tây Nam, Nam và Đông Nam thì hướng dòng chảy chủ yếu từ Nam lên Bắc do vậy bùn và nước đục có bùn chảy từ Nam lên Bắc và không ảnh hưởng tới Khu bảo tồn biển Hòn Cau. Trong Giấy phép nhận chìm, tôi thấy đã bố trí các trạm quan trắc ở gần khu nuôi trồng thủy sản, bãi cạn Brenda và khu bảo tồn biển Hòn Cau. Như vậy, nếu số liệu quan trắc cho thấy hàm lượng bùn ở các trạm quan trắc này vượt mức cho phép thì cơ quan giám sát độc lập là Viện Hải dương học, Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận và Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ lập tức dừng hoạt động nhận chìm. Viện hải dương học là một cơ quan khoa học rất lâu đời và có uy tín rất cao ở Việt Nam. Tôi tin tưởng rằng cơ quan giám sát độc lập này sẽ thực hiện tốt chức năng của mình. Và tôi cũng tin tưởng rằng, nếu nhà đầu tư thực hiện đúng như giấy phép đã ghi thì sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới môi trường sinh thái khu bảo tồn biển Hòn Cau.
Khi dư luận và người dân cho rằng, việc cấp phép cho Dự án nhận chìm ở biển này có nguy cơ trở thành “thảm họa môi trường biển”, điều này có thể xảy ra hay không, thưa ông?
Tiến sỹ Vũ Thanh Ca: Tôi khẳng định, việc nhận chìm chất nạo vét lòng biển không thể gây thảm họa môi trường. Thứ nhất, cát nạo vét là một phần của biển và việc trả lại biển là rất tự nhiên. Thứ hai, cát sẽ phủ lên đáy biển ở khu vực nhận chìm. Như vậy, môi trường khu vực nhận chìm sẽ bị ảnh hưởng. Thứ 3, bùn trong cát sẽ bị rửa trôi thành nước đục và có thể bị lan truyền ra khu vực khác.
Như đã nêu ở trên, khu vực nhận chìm chủ yếu là đáy cát với hệ sinh thái khá nghèo nàn nên ảnh hưởng sẽ không lớn. Nếu ta quản lý tốt việc nhận chìm, đảm bảo nhận chìm đúng điều kiện cấp phép thì nước đục chỉ sẽ không ảnh hưởng đáng kể tới các khu vực có tầm quan trọng về môi trường, sinh thái. Đặc điểm của bùn là: hạt bùn có kích thước nhỏ hơn 60 micromet, có cấu trúc dạng bản mỏng, có tích điện trái dấu ở giữa và cạnh hạt bùn. Bởi vậy, thông thường cạnh hạt bùn sẽ hút khu vực giữa hạt bùn nên tạo thành khối lơ lửng trong nước, gọi là khối bông kết. Trong môi trường nước biển có rất nhiều ion, do vậy khối bông kết sẽ rất vững chắc và giúp bùn nhanh chóng lắng đọng xuống đáy biển.
Hãy tưởng tượng ta múc một khối nước sông đục lên đánh phèn sẽ tạo thành những vẩn phèn và lắng xuống đáy. Cũng tương tự như vậy, bùn từ trong bờ ra biển gặp nước biển tạo thành khối bông kết và lắng xuống đáy biển rất nhanh. Đó là lý do tại sao ở những cửa sông lớn, vùng biển gần bờ nước rất đục nhưng ngoài xa nước vẫn trong veo. Đối với khu vực miền Trung, sau mưa lũ lớn, cả vùng biển gần bờ biển đục ngầu nhưng chỉ một thời gian rất ngắn sau nước lại trong xanh. Do vậy, bùn nhận chìm tạo thành nước đục sẽ lắng đọng rất nhanh thời gian sau đó và không ảnh hưởng đáng kể đến môi trường ở khu vực nhận chìm và các khu vực xung quanh. Vì vậy, những lo lắng việc nhận chìm này sẽ tạo thành thảm họa môi trường là không có cơ sở.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Kim Liên (thực hiện)