Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 20/06/2017
Quốc hội đã thông qua Luật Trợ giúp pháp lý sửa đổi |
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2018. Luật gồm 8 chương, 51 điều quy định về người được trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý; hoạt động trợ giúp pháp lý; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động trợ giúp pháp lý.
Hoạt động trợ giúp pháp lý phải tuân thủ nguyên tắc: kịp thời, độc lập, trung thực, tôn trọng sự thật khách quan, bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý, không thu tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác từ người được trợ giúp pháp lý.
Bên cạnh đó, Luật quy định nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý bao gồm: nguồn ngân sách nhà nước; đóng góp, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, các dự án hợp tác quốc tế và các nguồn hợp pháp khác (nếu có). Kinh phí ngân sách nhà nước được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm của cơ quan, tổ chức trợ giúp pháp lý nhà nước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Kinh phí cho hoạt động trợ giúp pháp lý của các tổ chức, cá nhân tự nguyện thực hiện do nguồn lực của tổ chức, cá nhân bảo đảm. Tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bao gồm: Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý.
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cũng quy định quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý. Theo đó, người thực hiện trợ giúp pháp lý có các quyền và nghĩa vụ: thực hiện trợ giúp pháp lý; được bảo đảm thực hiện trợ giúp pháp lý độc lập, không bị đe dọa, cản trở, sách nhiễu hoặc can thiệp trái pháp luật; được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng trợ giúp pháp lý…
Quang cảnh phiên họp ngày 20/6. Ảnh: quochoi.vn |
Khi thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý phải tận tâm, tuân thủ các nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý, nghiên cứu đầy đủ, toàn diện giấy tờ, tài liệu có trong hồ sơ vụ việc liên quan đến yêu cầu trợ giúp pháp lý, các tình tiết của vụ việc và các quy định của pháp luật có liên quan.
Trợ giúp viên pháp lý, luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý tham gia tố tụng với tư cách là người bào chữa hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật này và pháp luật về tố tụng.
Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cũng quy định về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với hoạt động trợ giúp pháp lý. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý.
Bộ Tư pháp chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý. Bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tư pháp trong việc quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý.
Luật cũng quy định: UBND cấp tỉnh trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về trợ giúp pháp lý tại địa phương; bảo đảm số lượng người làm việc, kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc cho Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước; thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, khen thưởng, kỷ luật và xử lý vi phạm về trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa phương.
Bên cạnh đó, Luật Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi) cũng quy định người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với các hành vi của tổ chức và người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình khi từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý; không thực hiện trợ giúp pháp lý; thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật; thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật…
Cũng trong ngày 20/6, Quốc hội đã biểu quyết thông qua các Luật: Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13; Luật cảnh vệ; Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ…
Hải Ngọc - Châu Tuấn