Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu 9 giải pháp cho ngành nông nghiệp
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 13/06/2017
Mở đầu phần phát biểu giải trình của mình, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của các vị ĐBQH đồng thời ông chia sẻ những khó khăn của bà con nông dân trước tình trạng "được mùa mất giá" vẫn xảy ra, đặc biệt là tình trạng thịt lợn, một số loại rau, quả mất giá và khó tiêu thụ trong thời gian vừa qua.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trong phiên chất vấn sáng 13/6. Ảnh: chinhphu.vn |
Tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều bất cập
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, nguyên nhân của những tình trạng trên trước hết do chất lượng quy hoạch của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp còn chưa cao. Đây là vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý Nhà nước.
“Quy hoạch về nông nghiệp của Việt Nam chưa phù hợp với năng lực sản xuất của các lĩnh vực nông nghiệp; chưa gắn với nhu cầu thị trường. Thực trạng sản xuất một số sản phẩm nông nghiệp hiện nay đã vượt xa so với các chỉ tiêu quy hoạch đề ra, điển hình như cà phê vượt 21,9%, cao su vượt 25%, hồ tiêu vượt 149%...”, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, những dự báo trong quy hoạch còn thiếu chính xác, nhiều quy hoạch cao hơn nhu cầu của thị trường, chẳng hạn như trong chăn nuôi. Một số sản phẩm mặc dù sản xuất chưa đạt nhu cầu của quy hoạch nhưng vẫn không tiêu thụ được. Ngoài ra, công tác điều chỉnh quy hoạch còn chậm, chưa kịp thời. Công tác tổ chức thực hiện quy hoạch còn nhiều hạn chế; tình trạng đầu tư vượt quy hoạch, đầu tư theo phong trào hiện nay rất phổ biến.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nguyên nhân của những yếu kém trong nông nghiệp hiện nay còn nằm ở hệ thống hạ tầng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Hạ tầng phục vụ cho hoạt động nuôi trồng thuỷ sản, chăn nuôi, trồng trọt… đều chưa được đầu tư đạt yêu cầu, chủ yếu là do khó khăn trong thu hút vốn đầu tư…
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (bìa trái) và các vị ĐBQH trong giờ giải lao bên hành lang Quốc hội sáng 13/6. Ảnh: Việt Hùng |
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, tổ chức sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn nhiều bất cập, diện tích đất canh tác bình quân theo đầu người rất thấp; quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, gây khó khăn trong việc đưa ứng dụng công nghiệp, khoa học công nghệ vào nông nghiệp. Công nghiệp chế biến phát triển còn chậm, việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất chưa được chú trọng, người dân sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, công tác phát triển thị trường, xây dựng thương hiệu cho nông sản Việt Nam còn nhiều hạn chế. Một số thị trường chính của nông sản Việt Nam còn thiếu ổn định, tình trạng phụ thuộc tiêu thụ nhiều mặt hàng vào một số thị trường dẫn đến khi có biến động xảy ra, việc tháo gỡ rất khó khăn. Ngoài ra, công tác quản lý Nhà nước hiện nay còn rất nhiều bất cập, cơ chế chính sách chậm được điều chỉnh để đáp ứng đòi hỏi thực tế, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo tín hiệu thị trường, điều chỉnh định hướng quy hoạch…
“Nền nông nghiệp Việt Nam rất cần các giải pháp tổng thể để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, cụ thể là sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp, không sa đà vào những vấn đề nhỏ, phân tán” - Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh.
Quang cảnh phiên họp sáng 13/6. Ảnh: quochoi.vn |
9 giải pháp để ngành nông nghiệp bứt phá
Từ những thực trạng trên của ngành nông nghiệp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh cần một số giải pháp lớn. Cụ thể:
Trước hết, phải hình thành hệ thống giải pháp đồng bộ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, nông dân tiếp cận bình đẳng, minh bạch các nguồn lực đất đai, nguồn vốn, KH - CN... để sản xuất hàng hóa. Đây là nhóm giải pháp quan trọng để đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp.
Thứ hai, tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo động lực hình thành các vùng chuyên canh lớn. Ví dụ như sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tập trung hóa sản xuất đòi hỏi phải tích tụ đất đai, nhưng gặp điểm nghẽn là hạn điền, nên cần sửa đổi pháp luật liên quan đến đất đai.
Thứ ba, rà soát, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch của các các vùng, ngành, thậm chí của sản phẩm, nhằm phát huy lợi thế của địa phương, của vùng. Chúng ta có quy hoạch rồi nhưng phải thường xuyên rà soát, điều chỉnh, gắn quy hoạch với nhu cầu của thị trường, với thích ứng biến đổi khí hậu. Phải phân định rõ các nguồn vốn cho hạ tầng, nguồn vốn Nhà nước đầu tư cho hạ tầng chính, nguồn vốn của doanh nghiệp đầu tư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chế biến phục vụ nông nghiệp, nguồn vốn của người dân tham gia vào sản xuất.
Thứ tư, tổ chức lại sản xuất, phát triển các hình thức sản xuất phù hợp, theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị. Ở đây phải giảm các khâu trung gian để giảm giá thành, và nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, nhất là mô hình nông nghiệp công nghệ cao.
Thứ năm, mở rộng và đẩy mạnh liên kết giữa nhà nông, nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà băng. Trong đó, lấy doanh nghiệp, hợp tác xã và chủ trang trại là trung tâm là động lực cho quá trình phát triển. Nông dân đóng vai trò là người sản xuất và được hưởng lợi ích phân phối từ lao động và đóng góp của mình, có chính sách hỗ trợ nông dân khó khăn.
Thứ sáu, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, ngành nghề tiểu công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn, để giải quyết việc làm, giảm lao động trong nông nghiệp, tạo điều kiện hiện đại hóa nông thôn.
Thứ bảy, đẩy mạnh nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng công nghệ trong nông nghiệp, nhất là công nghệ sinh học.
Thứ tám, tổ chức lại thương mại, sản xuất nông sản trong nước.
Thứ chín, phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo và trang bị kiến thức, để nông dân có đủ kiến thức nắm bắt thị trường, tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng, hiệu quả và thương hiệu trên thị trường… đặc biệt là đào tạo, trang bị kiến thức, kỹ năng, thông tin thị trường cho người nông dân.
Việt Hùng(lược ghi)