ĐBQH quan tâm yếu tố bảo vệ môi trường trong chuyển giao công nghệ

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 03/06/2017

(TN&MT) - Trong phiên họp thảo luận tại hội trường sáng 2/6 về Dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi) đã có 26 đại biểu phát biểu ý kiến, cũng có đại biểu đã tranh luận về nội dung các đại biểu quan tâm.
phiên họp thảo luận tại hội trường sáng 2/6 về Dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ảnh: Quốc Khánh
Toàn cảnh phiên họp thảo luận tại hội trường sáng 2/6 về Dự thảo Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi). Ảnh: Quốc Khánh

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, người điều hành phiên họp, nhìn chung, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các ý kiến trong báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án chuyển giao công nghệ sửa đổi của Ủy ban thường vụ Quốc hội, song cũng có nhiều ý kiến đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉ đạo rà soát, bổ sung, sửa đổi nhiều điều trong dự án luật cho khoa học, chặt chẽ, hợp lý là logic và thống nhất hệ thống pháp luật…

Tại phiên thảo luận, nhiều đài biểu bày tỏ sự quan tâm, lo ngại và đề xuất các giải pháp nhằm đảm bảo tiêu chí bảo vệ môi trường trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin ghi lại để bạn đọc theo dõi.

ĐBQH K`Nhiễu - Đoàn tỉnh Lâm Đồng: NHỮNG DỰ ÁN GÂY SỰ CỐ VỀ MÔI TRƯỜNG KHIẾN CHÚNG TA KHÔNG ĐƯỢC DỄ DÃI

ĐBQH K`Nhiễu - Đoàn tỉnh Lâm Đồng
ĐBQH K`Nhiễu - Đoàn tỉnh Lâm Đồng

Tôi đề nghị xem xét, rà soát lại những nội dung đã được quyết định trong Luật khoa học công nghệ năm 2013, không được đề cập trong luật này, nên bổ sung các chính sách khuyến khích sáng chế, phát kiến về những công nghệ, máy móc, kỹ thuật của các tổ chức, cá nhân trực tiếp lao động, sản xuất, thêm nội dung quyết định về phân cấp cho cơ sở quản lý nhà nước thẩm định công nghệ.

Quyết định rõ quyền sở hữu công nghệ, danh mục công nghệ hoặc cơ sở đánh giá công nghệ về chất lượng, hiệu quả tác động đến môi trường.... Được phép chuyển giao hay không được phép chuyển giao nên có một quy chuẩn về vấn đề này trong việc nhập công nghệ, trang thiết bị công nghệ, máy móc nhằm đảm bảo quyết định của pháp luật hiện hành của nước ta, cấp điều ước cam kết và bảo đảm an ninh quốc gia.

Về thẩm định công nghệ các dự án đầu tư quy định tại Chương II. Điểm e, Khoản 1, Điều 17 dự thảo luật quy định một trong những nội dung của công nghệ của hồ sơ dự án đầu tư trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư là đánh giá sơ bộ tác động ảnh hưởng của công nghệ với môi trường là chưa chặt chẽ.

Tôi thấy rằng mức độ đánh giá sơ bộ như dự thảo luật quy định hiệu quả đã đủ cơ sở khoa học và pháp lý để các cơ quan có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hay chưa nhất là những dự án lớn, quan trọng, những bài học đắt giá về việc đầu tư, những công nghệ lạc hậu đã trở thành bãi thải công nghệ.

Về việc đầu tư những công nghệ lạc hậu, những dự án đầu tư gây sự cố môi trường đã xảy ra không cho phép chúng ta dễ dãi trong giai đoạn phát triển của đất nước hiện nay. Tôi cho rằng cần nghiên cứu xem xét quy định các hồ sơ phải đánh giá đầy đủ tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường.

ĐBQH Lê Quang Trí - Đoàn tỉnh Tiền Giang: CẦN ƯU TIÊN CHUYỂN GIAO CÔNG NGHỆ THÍCH ỨNG VỚI BIỂN ĐỔI KHÍ HẬU

ĐBQH Lê Quang Trí - Đoàn tỉnh Tiền Giang
ĐBQH Lê Quang Trí - Đoàn tỉnh Tiền Giang

Dự thảo luật lần này đã chỉnh lý theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyển giao công nghệ, cải thiện trình độ công nghệ quốc gia, gia tăng quản lý về ngăn ngừa nhập khẩu vào Việt Nam những công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm môi trường, làm ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của quốc gia.

Về chính sách của nhà nước, về chuyển giao công nghệ tại Điều 4, tôi đề nghị bổ sung nội dung ưu tiên chuyển giao công nghệ, thích ứng với biến đổi khí hậu vào Khoản 2 điều này nhằm đảm bảo nhà nước có chính sách ưu tiên với các công nghệ sản xuất giống cây trồng, chịu hạn, kháng mặn đang rất cần phải chuyển giao để phục vụ lĩnh vực sản xuất nông nghiệp trong điều kiện biến đổi khí hậu đang ngày càng diễn biến phức tạp…

Tôi đề nghị chuyển nội dung tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ quy định tại Khoản 6 điều này vào nội dung quy định tại Chương V cho phù hợp vì nội dung này thuộc về nội dung quản lý nhà nước được quy định tại Điều 57.

Ngoài ra, tôi cũng đề nghị bổ sung một khoản vào cuối của điều này vào Điều 4 với nội dung quy định Chính phủ quy định chi tiết điều này để tạo thuận lợi cho Chính phủ khi ban hành các chính sách về chuyển giao công nghệ cho phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước.

Vấn đề thứ hai, về thẩm định công nghệ dự án đầu tư tại Chương II, tại Điều 14 về thẩm định công nghệ của dự án đầu tư, tại Điểm b, Khoản 2 quy định dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường có sử dụng công nghệ… Tôi đề nghị viết lại điều này, khoản này như sau: "Dự án đầu tư sử dụng công nghệ có nguy cơ tác động xấu đến môi trường" để nội dung quy định được chặt chẽ và rõ ràng hơn.

Tại Điều 19 về nội dung thẩm định có ý kiến về công nghệ dự án đầu tư. Tại khoản 2, nội dung thẩm định về công nghệ trong giai đoạn quyết định đầu tư, tôi đề nghị bổ sung một điểm quy định như sau: "Đánh giá tác động ảnh hưởng của công nghệ đến môi trường", vì ở giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư chỉ mới thẩm định sơ bộ tác động ảnh hưởng của công nghệ đối với môi trường nên trong giai đoạn quyết định đầu tư phải cần thiết đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng, chi tiết để đảm bảo công nghệ trong các dự án đầu tư không gây ảnh hưởng xấu đến môi trường…

ĐBQH Lê Minh Thông - Đoàn tỉnh Thanh Hóa: PHẢI THẨM ĐỊNH NHỮNG DỰ ÁN CÓ NGUY CƠ TÁC ĐỘNG XẤU ĐẾN MÔI TRƯỜNG

ĐBQH Lê Minh Thông - Đoàn tỉnh Thanh Hóa
ĐBQH Lê Minh Thông - Đoàn tỉnh Thanh Hóa

Tại Điều 14, Khoản 2 có ghi trong giai đoạn quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của Luật đầu tư, những dự án sau phải được thẩm định công nghệ: dự án đầu tư sử dụng công nghệ hạn chế chuyển giao, dự án đầu tư có nguy cơ tác động xấu đến môi trường.

Tôi nghĩ có cần phải đưa ra hai điểm a và b ngày không vì trong dự án luật tại các Điều 10, 11, 12 quy định rõ 3 nhóm công nghệ, đó là công nghệ khuyến khích chuyển giao, công nghệ hạn chế chuyển giao và công nghệ cấm chuyển giao, trong đó, công nghệ không phải xem xét thẩm định là dự án có công nghệ khuyến khích chuyển giao nhưng cũng phải cho ý kiến về công nghệ. Công nghệ đã cấm chuyển giao thì không cần phải thẩm định. Còn công nghệ hạn chế chuyển giao nhất thiết phải được thẩm định.

Do vậy, danh mục các nhóm b thực chất là nhóm công nghệ hạn chế chuyển giao nên không phải đưa Điểm b, Khoản 2 vào Điều 14. Đề nghị Bộ Khoa học, Công nghệ nên tham mưu cho Chính phủ ban hành danh mục chi tiết các nhóm công nghệ nêu trên để dễ tra cứu sau này. Điều 10, 11, 12 chỉ quy định đến nhóm công nghệ, chưa quy định chi tiết.

Tôi cũng cơ bản thống nhất trình tự, thủ tục, nội dung, thời gian cấp giấy phép chuyển giao công nghệ, ở đây theo tôi, đề nghị cần nên khẳng định, làm rõ 3 vấn đề. Đó là các dự án đã được thẩm định công nghệ thì không phải cấp giấy phép chuyển giao công nghệ vì thẩm định công nghệ có đạt được yêu cầu cấp thẩm quyền mới quyết định đầu tư mà đây là thủ tục hành chính cao nhất trong quyết định đầu tư.

Việc cấp giấy phép chuyển giao công nghệ chỉ dành cho các công nghệ được chuyển giao không kèm theo các dự án đầu tư. Riêng công nghệ khuyến khích chuyển giao, nên khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong việc đăng ký chuyển giao công nghệ.

Vấn đề thứ năm, sau khi Luật chuyển giao công nghệ được Quốc hội thông qua, Luật đầu tư công, Luật đầu tư, Luật bảo vệ môi trường và các luật khác cần điều chỉnh cho phù hợp với Luật chuyển giao công nghệ như hiện nay. Luật đầu tư công không quy định thẩm định công nghệ, Luật bảo vệ môi trường tại Điểm 2, Điều 22, Mục 3, Chương 2 trong đánh giá tác động môi trường, quy định, đánh giá việc lựa chọn công nghệ như vậy có cần nữa hay không.

Mặt khác, trước khi quyết định chủ trương đầu tư thì phải thẩm định công nghệ để xem xét có được chấp nhận chuyển giao công nghệ hay không rồi mới thực hiện việc đánh giá tác động môi trường, chúng ta có cần hạn chế tối đa các thủ tục để khỏi làm phiền đến các nhà đầu tư không.

ĐBQH Tô Ái Vang - Đoàn tỉnh Sóc Trăng: ĐỀ NGHỊ BỔ SUNG CỤM TỪ “BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG”

ĐBQH Tô Ái Vang - Đoàn tỉnh Sóc Trăng
ĐBQH Tô Ái Vang - Đoàn tỉnh Sóc Trăng

Chính sách của nhà nước đối với hoạt động chuyển giao công nghệ Điều 4, tại Khoản 1 điều này đề nghị bổ sung cụm từ "bảo vệ môi trường" trước cụm từ "bảo đảm quốc phòng, an ninh", vì gắn liền với quá trình phát triển đất nước phải đặc biệt quan tâm đến công tác bảo vệ môi trường.

Đảng, Nhà nước ta đã đề cao công tác bảo vệ môi trường và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như quá trình hội nhập, trên thực tế chúng ta đã có bài học.

Với lý do trên, đề nghị viết lại Khoản 1 điều này như sau: Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ, phát triển thị trường khoa học và công nghệ, phát triển hệ thống đổi mới, sáng tạo quốc gia, nâng cao trình độ tiềm lực công nghệ quốc gia, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế, xã hội.

Về quyền chuyển giao công nghệ tại Điều 8. Điều 8 dự thảo luật đề nghị xem xét bổ sung một khoản quy định về chuyển nhượng lại quyền sử dụng công nghệ đã nhận chuyển giao, do điều kiện khách quan nên bên nhận chuyển giao không thể tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất.

Với quy định như trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bên nhận chuyển giao công nghệ khi họ không tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất do điều kiện khách quan. Mặt khác, cho phép việc chuyển giao công nghệ sẽ góp phần vào việc phát huy hiệu quả công nghệ đã ứng dụng rộng rãi và phục vụ lợi ích cho con người khi chủ thể chuyển giao không tiếp tục duy trì, tránh lãng phí.

ĐBQH Châu Quỳnh Dao - Đoàn tỉnh Kiên Giang: PHẢI KIÊN QUYẾT NGĂN CHẶN CÔNG NGHỆ LẠC HẬU VÀO VIỆT NAM

ĐBQH Châu Quỳnh Dao - Đoàn tỉnh Kiên Giang
ĐBQH Châu Quỳnh Dao - Đoàn tỉnh Kiên Giang

Điều mà tôi cũng như nhiều đại biểu khác rất lo lắng làm thế nào để ngăn chặn kịp thời những công nghệ lạc hậu tràn về Việt Nam chúng ta. Ở Điều 12, dự thảo cũng quy định rất rõ ở hai điều khoản về cấm chuyển giao công nghệ.

Ở điều khoản thứ nhất, chúng ta thấy cấm chuyển giao vào Việt Nam và chuyển giao công nghệ trong nước. Ở những công nghệ quy định tất cả 7 điểm, tôi xin được phép không nêu cụ thể.

Việc cấm chuyển giao công nghệ từ Việt Nam sang nước ngoài cũng quy định ở hai điểm, tôi nhận thấy những quy định này khá cụ thể hơn so với dự thảo lần trước nhưng bản thân nhận thấy rằng, những quy định này chưa thực sự là những tiêu chuẩn mạnh mẽ để đủ sức ngăn chặn những công nghệ lạc hậu, lỗi thời vào Việt Nam, bởi thực tế chúng ta thấy có những doanh nghiệp bị gài là mua những công nghệ lạc hậu, lỗi thời, thiếu đồng bộ, hay những doanh nghiệp biết nhưng cố tình, thực tế báo chí cũng phản ánh, cố tình mua từ ngân sách nhà nước.

Để khắc phục tình trạng này, đầu tiên mình phải thấy được việc rất cần thiết như phát triển các tổ chức, các cơ quan trung gian trong việc thẩm định, kiểm tra công nghệ trước khi cho nó du nhập vào Việt Nam…

Trong quá trình quản lý hoạt động chuyển giao công nghệ có thực tế phát sinh là chúng ta chưa thu hút được công nghệ cao, công nghệ tiên tiến vào Việt Nam cũng như một số hạn chế trong việc quản lý các luồng công nghệ.

Điều này khiến cho các cơ quan hoạch định chính sách hết sức khó khăn trong việc đánh giá một cách khách quan, toàn diện về hoạt động chuyển giao công nghệ nói chung và hoạt động chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam nói riêng.

Để khắc phục tình trạng này, điều đầu tiên chúng ta thừa nhận cần sớm hoàn thiện cơ chế và ban hành những giải pháp chặt chẽ, đồng bộ và mang tính đột phá hơn so với dự thảo hiện hành. Hy vọng những điểm này chúng ta mau chóng góp phần thực hiện tốt hoạt động chuyển giao công nghệ theo đúng tinh thần của pháp luật để hạn chế tối đa việc chuyển giao những công nghệ lỗi thời, lạc hậu, gây nên những hệ lụy rất đáng buồn cho đất nước Việt Nam.

Hải Ngọc - Châu Tuấn(lược ghi)