Nhiều quan điểm khi thảo luận về Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 29/05/2017
Trước phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi).
Trong phiên họp, đã có 14 đại biểu phát biểu ý kiến, có 5 đại biểu tranh luận về nội dung mà đại biểu quan tâm. Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đã “đối nhau” khi đưa ra những quan điểm về những vấn đề như: biển số đẹp hay không đẹp; Xe ô tô cho tặng có nên hay không…
Báo Điện tử baotainguyenmoitrong.vn xin ghi lại một vài ý kiến của các đại biểu để bạn đọc theo dõi.
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn tỉnh Bình Định: TÔI ĐỀ NGHỊ TẤT CẢ CÁC BIỂN SỐ ĐỀU LÀ TÀI SẢN CÔNG
ĐBQH Nguyễn Văn Cảnh - Đoàn tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội trường sáng 29/5. Ảnh:Quốc Khánh |
Về phân loại tài sản công quy định tại Điều 4. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã tiếp thu ý kiến các đại biểu đề nghị quy định biển số đẹp là tài sản công và chỉ đạo cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo bổ sung kho số khác phục vụ quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật vào Khoản 6, Điều 4 của dự thảo luật.
Tôi xin làm rõ thêm không chỉ biển số đẹp là tài sản công mà tất cả các biển số đều là tài sản công. Việc giải thích đẹp hay không đẹp sẽ để sau này dựa vào nhu cầu của xã hội mà các văn bản dưới luật sẽ quy định.
Theo tôi, vì là tài sản công nên biển số được xem là đẹp phải là biển số được đa số đồng tình khi chúng ta thực hiện khảo sát và từng nhóm số đẹp sẽ được phân ra để đấu giá hoặc định giá tùy thuộc vào hiệu quả đem lại cho ngân sách và tính khả thi trong thực hiện.
Còn các số được cấp theo yêu cầu của chủ phương tiện không thuộc nhóm số đẹp sẽ được quy định chung một mức giá cụ thể. Ví dụ như 20 triệu/số. Đối với những số bắn đúc ngẫu nhiên cũng sẽ thực hiện như hiện nay là không thu tiền.
Vì Khoản 22, Điều 28 của Luật giao thông đường bộ quy định cấm mua bán biển số xe. Trong khi dự thảo luật này không quy định rõ biển số xe là được mua bán.
Vì vậy tôi đề nghị Bộ trưởng xác nhận rõ hơn, nếu Ủy ban thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra, cơ quan soạn thảo đã đồng ý biển số xe được phép đấu giá, định giá bán cho chủ phương tiện và đã quy định như trong dự thảo luật. Khi Quốc hội thông qua nội dung này, sẽ bãi bỏ việc cấm mua bán biển số xe tại Khoản 22 Điều 28 của Luật giao thông đường bộ, nghĩa là biển số xe là tài sản công đủ căn cứ để sau này các văn bản dưới luật quy định việc triển khai đấu giá biển số trừ biển số xe công.
Một số chính sách đưa ra để đạt hiệu quả thì phải có tính khả thi trong thực tiễn. Với trách nhiệm là một trong số những đại biểu đồng ý đề xuất tại hội trường về đấu giá, định giá biển số, tôi cũng tham khảo, trao đổi, quan sát các biển số của nhiều đối tượng để tổng hợp trong thực tiễn.
Bên cạnh đó, qua cảm nhận chủ quan của đại biểu, tôi cũng đã liệt kê cụ thể trong mục series 99.999 số thì có 12.186 số đẹp, dự đoán có 61.500 chủ phương tiện sẽ yêu cầu số theo ngày sinh, ngày cưới, số đặc biệt theo cá nhân họ. Nếu tổng kết 1 series chúng ta có thể thu được 1.639 tỷ đồng.
Với số lượng ô tô bán trong năm 2016 là hơn 300.000 chiếc thì nếu chúng ta thực hiện chủ trương này trong năm 2016 thì chúng ta đã có thể thu được gần 5000 tỷ đồng và nếu chúng ta triển khai tương tự với xe hai bánh thì chúng ta cũng thu được một số tiền tương tự.
Bản tổng hợp số xe và cách tính tiền thu, tôi cũng đã gửi đến cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra. Vì vậy, tôi đề nghị khi Quốc hội thông qua, dự thảo luật có nội dung kho số khác phục vụ quản lý Nhà nước theo quy định của pháp luật theo Khoản 6, Điều 4 thì các cơ quan liên quan sớm triển khai thực hiện để việc đấu giá biển số đáp ứng được nhu cầu của xã hội và tăng ngân sách cho các địa phương.
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng - Đoàn tỉnh Bình Dương: TÔI ĐỀ NGHỊ NÊN CÂN NHẮC CHUYỆN “BIỂN SỐ ĐẸP VÀ KHÔNG ĐẸP”
ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng - Đoàn tỉnh Bình Dương phát biểu tại Hội trường sáng 29/5. Ảnh: Quốc Khánh |
Về ý kiến tranh luận số đẹp và số không đẹp tôi đồng tình quan điểm với đại biểu Phương ở Ninh Bình, tôi phát biểu tại hội nghị chuyên trách rồi, ở đây có vấn đề cử tri có hỏi số đẹp thì nhà nước bán như thế còn số không đẹp công dân có quyền bỏ tiền ra từ chối không, để đảm bảo công bằng không.
Ví dụ số 13 ba chìm bảy nổi nếu số đấy công dân có quyền từ chối đảm bảo công bằng. Ngoài các biển số xe đẹp người ta gọi nôm na thế, vậy các số khác số định danh công dân thì công dân cũng rất có nhu cầu chọn số đẹp… Cho nên đề nghị chúng ta cần nhắc chuyện này.
Liên quan đến chuyện này trong phân loại Điều 4 có nói kho số viễn thông và số khác phục vụ quản lý nhà nước thì kho số khác quản lý nhà nước là kho nào, ngoài số kho khác này còn kho nào không nữa không. Chính vì thế, tôi đề nghị trong luật này, đây là vấn đề tuy nhỏ nhưng lại rất quan trọng, chúng ta quy định ra một nguyên tắc về việc sử dụng các kho số này. Trên cơ sở đó ít ra có luật chuyên ngành về quan điểm cá nhân tôi cũng không đồng tình với chuyện chúng ta đấu giá các loại số…
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Đoàn TP Hà Nội: TÔI ĐỀ NGHỊ XỬ LÝ HÀNH VI NHẬN Ô TÔ, TÀI SẢN BIẾU TẶNG
ĐBQH Ngọ Duy Hiểu - Đoàn TP Hà Nội phát biểu tại Hội trường sáng 29/5. Ảnh: Quốc Khánh |
Hiện nay dự thảo có quy định luật xử lý hành vi sử dụng ô tô, tài sản do biếu, tặng. Tôi đề nghị không chỉ xử lý hành vi sử dụng mà cần phải xử lý cả hành vi nhận. Trên thực tế, hành vi nhận mới là hành vi tiền đề của sử dụng.
Ví dụ, Chủ tịch một tỉnh quyết định nhận tài sản nhưng sau đó về giao cho một đồng chí Ủy viên Thường vụ khối Đảng cấp tỉnh sử dụng. Trong trường hợp đấy là xử lý người sử dụng mà không xử lý người nhận, cho nên tôi đề nghị xử lý cả người nhận và từ "biếu" ở đây theo tôi nên bỏ mà ta chỉ dùng chung là "cho, tặng" vì từ "cho, tặng" mới phù hợp với Bộ luật dân sự. Từ "biếu" mang ý nghĩa đạo đức và ứng xử nhiều hơn nên tôi nghĩ trong luật không nên dùng từ "biếu".
Về Điều 31 về đầu tư, xây dựng trụ sở - đây là vấn đề cần quan tâm đặc biệt trong dự thảo luật này vì việc xây dựng trụ sở chiếm tỷ trọng rất lớn về tài sản công và nếu làm tốt, có những mô hình phù hợp thì nó còn giúp thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, thực hiện mục tiêu cải cách và hiện đại hóa nền hành chính.
Do vậy, tôi nêu 3 đề nghị liên quan đến Điều 31: Thứ nhất, Ban soạn thảo cần có cách tiếp cận mới khác, đó là nên định hướng trụ sở, nên chọn hình thức là mô hình khu hành chính tập trung, coi đây là xu hướng và là bắt buộc nhưng bắt buộc của nó không phải là bắt buộc ngay mà là bắt buộc khi nó phải thỏa mãn điều kiện về mặt quy hoạch, về mặt diện tích và nhu cầu. Chẳng hạn địa phương người ta đủ hết trụ sở rồi thì không thể xây thêm khu hành chính tập trung. Ví dụ, tất cả trụ sở cũ hiện nay đang hỏng hoặc một nhóm trụ sở cũ đang hỏng. Cho nên, tôi nghĩ rằng định hướng thì nên chọn mô hình này nhưng lại phải theo cách đó là chúng ta quy định các điều kiện về quy hoạch, về diện tích và về nhu cầu.
Tôi cũng có một chứng minh rất cụ thể đó là huyện Phúc Thọ trước đây tôi công tác. Năm 1994, Phó Thủ tướng Phan Văn Khải có gợi ý cho địa phương là xây dựng một trụ sở chính quyền và cấp ủy chung và sau khi xây dựng, chúng tôi sử dụng thì thấy nó rất nhiều tiện lợi, từ việc tiết kiệm đến việc đảm bảo quan hệ công tác, tổ chức họp hành đột xuất, người dân đi lại rất thuận lợi. Tôi nghĩ mô hình này nên là mô hình trong tương lai và chúng ta cần quan tâm thực hiện. Chính vì vậy, tôi đề nghị luật chỉ nên dừng lại ở định hướng. Còn sau đấy Chính phủ nên ban hành một nghị định riêng về vấn đề này. Đó là vấn đề trụ sở và các mô hình của nó.
Thứ hai, tôi đề nghị về Điểm c, Khoản 3 nên xác định rõ thời hạn cơ quan, tổ chức, đơn vị được bố trí trụ sở làm việc tại khu hành chính tập trung, có trách nhiệm bàn giao lại trụ sở làm việc tại vị trí cũ cho cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Theo tôi thời hạn nên là 6 tháng kể từ khi cơ quan này nhận trụ sở mới. Vì trên thực tế như trên địa bàn Hà Nội thời gian qua nhiều bộ, ngành sau khi nhận trụ sở mới thì đến rất nhiều năm cũng không bàn giao lại trụ sở cũ mặc dù trong đề án xây dựng đều khẳng định diện tích như vậy đủ điều kiện để bố trí cho cơ quan mới trong điều kiện mới. Tôi nghĩ chúng ta nên quy định thời hạn và các cơ quan phải chấp hành nghiêm túc nội dung này.
Thứ ba, đề nghị dự thảo quy định khi xây dựng trụ sở mới thì cơ quan có nhu cầu trụ sở được phép đề xuất thêm không quá 15% diện tích dự phòng, vì trên thực tế hiện nay chúng ta nhiều trường hợp xây dựng 5 năm sau lại kêu trật, hẹp, sau đấy lại xây dựng trụ sở mới rất tốn kém.
ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn tỉnh Lâm Đồng: NẾU BIẾU XE CHUYÊN DỤNG NHƯ: XE CỨU THƯƠNG, XE PHÒNG CHỐNG BÃO LỤT… LÀ RẤT TRÂN TRỌNG
ĐBQH Nguyễn Tạo - Đoàn tỉnh Lâm Đồng phát biểu tại Hội trường sáng 29/5. Ảnh: Quốc Khánh |
Về quy định cấm sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng sử dụng không đúng mục đích, tiêu chuẩn định mức, chế độ quy định tại Điều 11. Tôi thống nhất cao như các đại biểu trước đây nên sửa lại từ "biếu" sang từ "cho" cho đúng thuật ngữ pháp lý.
Thực tế vừa qua có một số cá nhân đang công tác ở các cơ quan, đơn vị, một số địa phương sử dụng xe ô tô giá trị lớn, không đúng định mức do doanh nghiệp biếu, tặng mà dư luận đã phản ánh, báo chí lên tiếng. Để hạn chế tình trạng này, vừa qua dự thảo Luật quản lý, sử dụng tài sản công (sửa đổi) đã bổ sung thêm quy định nghiêm cấm các cơ quan nhà nước sử dụng xe ô tô và các tài sản khác do các tổ chức, cá nhân biếu, tặng, cho không đúng tiêu chuẩn dịnh mực, chế độ.
Tôi nghĩ rằng quy định này chưa chuẩn với 2 lý do sau đây: Một là, trong điều kiện đất nước ta còn những khó khăn, việc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước biếu, tặng xe ô tô và các loại tài sản khác cho các cơ quan, tổ chức trong nước là một việc làm cần được ghi nhận, nhất là các loại xe chuyên dụng phục vụ công cộng, như xe cứu thương, xe chuyên dụng phòng, chống bão lụt... và tài sản đó đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân, do nhà nước đại diện quyền chủ sở hữu đã được pháp luật công nhận.
Vấn đề đặt ra ở đây là động cơ, mục đích tặng, cho có trong sáng hay không. Việc cho xe hoặc tài sản cho địa phương là một thách thức để có được sự ưu ái trong quan hệ có lợi cho mình hay không hay có lợi cho dự án này, dự án khác hay không. Vì vậy, theo tôi, cách thức xác lập, chuyển giao quyền sở hữu và xác định rõ cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận là ai, đồng thời việc quản lý, sắp xếp, phân bổ lại để sử dụng như thế nào cho đúng và hợp lý mới là nội dung cốt lõi của vấn đề này. Hạn chế thấp nhất và ngăn chặn kịp thời những tiêu cực có thể phát sinh trong thực tiễn và phù hợp với Khoản 3, Mục 2, Chương IV, Điều 105 về tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân và theo pháp luật dân sự đã quy định.
Hai là, dự thảo luật đã quy định tài sản công phục vụ công tác quản lý phục vụ dịch vụ công tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị dù đã được hình thành từ bất kỳ hình thức hợp pháp cũng phải thỏa mãn yêu cầu đầu tiên mà dự thảo đã đặt ra là phải tuân thủ nguyên tắc được nêu tại Điều 7, đó là được sử dụng hiệu quả đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn định mức theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, việc tài sản do các chủ sở hữu tự nguyện chuyển giao quyền sở hữu nhà nước tức là tài sản đó đã được xác lập quyền sở hữu toàn dân do nhà nước đại diễn chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của pháp luật. Khi đưa vào sử dụng phải đảm bảo đúng mục đích, đúng tiêu chuẩn, định mức và theo quy định. Nếu ai đó cố tính sử dụng không đúng mục đích, khi phát hiện thì phải được xử lý một cách kiên quyết, thu hồi điều chỉnh cho phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Đoàn TP Hà Nội: SỬ DỤNG TÀI SẢN VÀO MỤC ĐÍCH KINH DOANH - RẤT DỄ BỊ LỢI DỤNG
ĐBQH Nguyễn Anh Trí - Đoàn TP Hà Nội phát biểu tại Hội trường sáng 29/5. Ảnh: Quốc Khánh |
Điều 55 sử dụng tài sản tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh dịch vụ. Đây là vấn đề rất quan trọng, rất dễ lợi dụng và rất dễ xin tiêu cực.
Trong tình hình mà nguồn ngân sách nhà nước qua bộ, qua các tỉnh còn rất hạn hẹp, nhưng nhu cầu của các đơn vị trực thuộc rất lớn, bởi vậy xu hướng chung thường nói quá lên, xin quá lên để khi phê duyệt họ bớt đi là vừa.
Việc này đã trở thành một văn hóa rất phổ biến khi làm dự trù hiện nay, chưa kể với cơ chế chủ yếu là xin - cho nên khi thân quen, người nhà và thậm chí "sân sau" thì được phân bổ nhiều hơn. Đây là thực tế, phải khẳng định chưa hoặc không sử dụng hết công suất theo thiết kế là một sự lãng phí rất đáng ngăn chặn.
Bởi vậy, Khoản 1, Mục a tôi xin được đọc nguyên văn "đơn vị sự nghiệp công lập được sử dụng tài sản vào mục đích kinh doanh dịch vụ trong các trường hợp sau: tài sản được đầu tư từ ngân sách nhà nước trang bị để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao trước thời điểm luật này có hiệu thực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế. Tài sản được đầu tư từ ngân sách nhà nước trang bị để thực hiện nhiệm vụ nhà nước giao sau thời điểm luật này có hiệu lực thi hành nhưng chưa sử dụng hết công suất theo thiết kế được Thủ tướng Chính phủ quy định". Toàn bộ câu này phải nói rất khó hiểu.
Tôi đề nghị ở Khoản 1, Mục a chỉ có trước thời điểm luật này có hiệu lực thì còn cho làm như vậy, còn sau thì nên có quy định để chấm dứt hiện tượng này, hoặc phải soạn lại cho thật dễ hiểu để thể hiện rõ từ nay trở đi thì phải chấm dứt việc chưa sử dụng hết công suất.
Việt Hùng(lược ghi)