Bình Định: Khánh thành Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành
Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 19/05/2017
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành |
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh phát biểu tại buổi Lễ |
Đây là một công trình văn hóa - lịch sử quan trọng ghi dấu sự kiện chia tay lịch sử hai cha con cụ Nguyễn Sinh sắc và Nguyễn Tất Thành tại Bình Định, trước khi Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước.
Trong hành trình tìm đường cứu nước vào những năm đầu thế kỷ XX, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có thời gian sinh sống và học tập tại Bình Định (1909-1910). Trong thời gian này, Nguyễn Tất Thành được cha là cụ Nguyễn Sinh Sắc – lúc đó là Tri huyện Bình Khê (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) gửi đến sống tại nhà thầy giáo Phạm Ngọc Thọ (thầy giáo Trường pháp – Việt Quy Nhơn). Sau sáu tháng nhậm chức Tri huyện Bình Khê, chỉ vì tính thương người, cứu giúp dân lành mà ông bị liên lụy đến bản thân. Tháng 01/1910, Nguyễn Sinh Sắc bị triệu hồi về kinh đô để chịu án phạt.
Chia tay con, Nguyễn Sinh Sắc có dặn Nguyễn Tất Thành: “Nước mất hãy tìm nước, chớ tìm cha”. Nguyễn Tất Thành đã chứng kiến tất cả sự nhiễu nhương, thối nát của chế độ phong kiến, thực dân, điều đó càng thôi thúc người phải mạnh mẽ, nhanh chóng đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc. Tháng 8/1910, Nguyễn Tất Thành rời Quy Nhơn vào Phan Thiết tiếp tục cuộc hành trình tìm đường cứu nước.
Ông Nguyễn Thanh Tùng- Bí thư Tỉnh ủy Bình Định đọc diễn văn Lễ kỷ niệm |
Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành, tượng cao 15,5m (bao gồm phần bệ tượng cao 4,7m), chất liệu đồng ép ngoại nhập, bệ tượng bê tông cốt thép được bọc đồng xung quanh, đặt trong không gian sân tượng đài rộng 3.125m2. Bố cục tượng, cụ Nguyễn Sinh Sắc đứng về phía Bắc, Nguyễn Tất Thành đứng về phía Nam, cùng nhìn ra hướng Biển Đông, tay trái cụ đưa ra phía trước, tay còn lại đặt nhẹ sau lưng con trai Nguyễn Tất Thành. Về trang phục: Nguyễn Sinh Sắc đội khăn xếp, mặc áo dài, chân đi guốc mộc, dáng vẻ khoan thai, khuôn mặt thể hiện sự trừng trải vầng tráng cao, ánh mắt sáng, toát lên sự tin cậy, trìu mến, phong thái của các bậc nho sĩ đương thời. Nguyễn Tất Thành mặc áo sơ mi dài tay, áo bỏ trong quần âu, chân đi giày, dáng vẻ tin cậy, kiên định, hơi rướn người về phía trước, chăm chú lắng nghe cha dặn dò; khuôn mặt thể hiện sự thông minh, rắn rỏi, cương nghị, vầng tráng cao và ánh mắt sáng.
Bức phù điêu, kết cấu bên trong tấm phù điêu bằng bê tông cốt thép, phù điêu bằng đá, hình dáng vòng cung dài 76m, vị trí trung tâm của phù điêu cao 14,5m (bao gồm bệ phù điêu cao 1,5m), được chạm trổ rất công phu với các chủ đề được chia làm 5 nội dung chính: Quê hương Nam Đàn nơi Nguyễn Tất Thành sinh ra và lớn lên; Nơi Nguyễn Tất Thành sống và học tập ở Huế; Khắc họa sự kiện hai cha con gặp nhau tại huyện đường Bình Khê; Những hình tượng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật tháp Chăm của vùng Nam Trung Bộ nơi Nguyễn Tất Thành đã đi qua và hình ảnh trường Dục Thanh nơi Nguyễn Tất Thành đến dạy học một thời gian trên chặng đường ra đi tìm đường cứu nước; Hình ảnh Sài Gòn những năm tháng bị thực dân Pháp đô hộ. Cùng hạ tầng kiến trúc phụ trợ cảnh quan: Bao gồm Sân, vườn, đường dạo bộ, hệ thống điện chiếu sáng công trình và cảnh quan. Thời gian khởi công 290 ngày (01/8/2016 - 17/5/2017) với tổng mức dự án 118.264.887.000 đồng.
Tiết mục hoạt cảnh tại Lễ kỷ niệm |
Công trình tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành là một công trình văn hóa – lịch sử có ý nghĩa chính trị và nhân văn sâu sắc, thể hiện sự gắn bó máu thị giữa tình gia đình, tình phụ tử với tình yêu quê hương, đất nước. Đó là bức tượng về sự tri ân sâu sắc của thế hệ sau với sự hy sinh quên mình của lớp người đi trước, bức tượng về sự kỳ vọng lớn lao, gửi gắm tha thiết của thế hệ trước với thế hệ hậu sinh, một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các nước trên thế giới.
Cắt băng khánh thành Tượng đài Nguyễn Sinh Sắc – Nguyễn Tất Thành |
Mỹ Bình