Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á – Thái Bình Dương về ứng phó BĐKH

Thời sự - Ngày đăng : 00:00, 11/05/2017

(TN&MT) - Sáng 11/5 tại TP.HCM, Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á – Thái Bình Dương về "Ứng phó biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập...

 

(TN&MT) - Sáng 11/5 tại TP.HCM, Hội nghị chuyên đề IPU khu vực châu Á – Thái Bình Dương về “Ứng phó biến đổi khí hậu – hành động của các nhà lập pháp nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững” do Liên minh nghị viện Thế giới và Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam phối hợp tổ chức đã khai mạc.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị - Ảnh: Quochoi.vn

Dự Hội nghị có bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội; bà Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP.HCM; ông Trần Hồng Hà, Bộ trưởng Bộ TN&MT; ông Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội; ông Nguyễn Hạnh Phúc, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội;  ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội; Lãnh đạo các Uỷ ban của Quốc hội; Lãnh đạo nhiều Bộ, Ban, ngành Trung ương…

Về phía quốc tế có Ngài Saber Chowdhury, Chủ tịch Liên minh Nghị viện Thế giới; Tổng Thư ký IPU Martin Chungong; Lãnh đạo các Nghị viện trên thế giới và khu vực châu Á – Thái Bình Dương; Lãnh đạo các Tổ chức quốc tế tại Việt Nam…

Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm
Các đại biểu dự Hội nghị chụp ảnh lưu niệm

Phát biểu khai mạc Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Chủ tịch Quốc hội cho biết: Việt Nam cũng như hầu hết các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt là những quốc gia ven biển, quốc đảo nhỏ là những nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng của biến đổi khí hậu (BĐKH). Theo các kịch bản BĐKH của Việt Nam, vào cuối thế kỷ 21, sẽ có khoảng 40% diện tích vùng ĐBSCL, 11% diện tích vùng đồng bằng sông Hồng và 3% diện tích của các địa phương khác thuộc khu vực ven biển sẽ bị ngập nước, sẽ có khoảng 10-12% dân số Việt Nam bị ảnh hưởng trực tiếp, với tổn thất khoảng 10% GDP. Đặc biệt, TP.HCM là địa phương sẽ bị ngập trên 20% diện tích của thành phố.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết: Nhận được được tầm quan trọng của BĐKH đối với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDG), Quốc hội Việt Nam đã nhất trí cao với IPU về nội dung nghị sự của Hội nghị chuyên đề lần này, đó là:

Một là, thảo luận về các mục tiêu phát triển bền vững, tập trung vào mục tiêu về bình đẳng giới và sức khoẻ trong bối cảnh ứng phó với BĐKH.

Hai là, thảo luận về các thách thức, cơ hội và hành động ứng phó với BĐKH.

Ba là, các cam kết quốc tế và vai trò của các cơ quan lập pháp.

Bốn là, việc huy động nguồn lực để thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững nói chung và ứng phó BĐKH nói riêng.

Kết quả của Hội nghị này sẽ được chuyển tới Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU) để chia sẻ với các thành viên IPU, trong đó có đề xuất các giải pháp và hành động của Quốc hội, Chính phủ các nước, các tổ chức  quốc tế cùng ứng phó với BĐKH. Trong chương trình Hội nghị, Việt Nam tổ chức  đi thăm thực địa huyện Cần Giờ, TP.HCM để các địa biểu có trải nghiệm thực tế về tác động của BĐKH ở việt Nam, đồng thời tham khảo về mô hình chuyển đổi kinh tế nhằm thích ứng với BĐKH.

Nhân dịp này, Quốc hội Việt Nam sẽ phối hợp với IPU tổ chức Lễ công bố Bộ công cụ tiêu chí cho các Nghị viện tự đánh giá việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, khuôn khổ hành động, sự tham gia của các Nghị viện trong việc thúc đẩy các SDG.

Phiên họp toàn thể 1 sáng ngày 11/5
Phiên họp toàn thể 1 sáng ngày 11/5

Tham dự Hội nghị quốc tế đầu tiên trên cương vị Bí thư Thành uỷ TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có bài phát biểu tại Hội nghị. Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết: TP.HCM có lịch sử hình thành và phát triển hơn 300 năm, là trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học công nghệ, giáo dục đào tạo, y tế của cả nước và là cửa ngõ giao thương về kinh tế, giao lưu văn hoá lớn của khu vực Đông Nam Á. Với diện tích tự nhiên  2.095 km2 và dân số hơn 10 triệu người, TP.HCM là đô thị đặc biệt, có vị trí và vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Nhiều năm qua, TP.HCM luôn là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng GDP, bình quân 5 năm 2011-2015 là 9,6%/năm, gấp 1,66 lần so với mức trung bình của cả nước, hàng năm đóng góp khoảng 23% tổng sản phẩm quốc nội, 30% tổng thu ngân sách, hơn ¼ tổng kim ngạch xuất khẩu và thu hút 44% tổng số dự án đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Năng suất lao động của TP.HCM bằng 3 lần năng suất lao động bình quân của cả nước. Trên 1km2 ở TP.HCM có 4.773 người dân, gấp 17 lần bình quân cả nước. Trên 1km2 của TP.HCM, sản phẩm nội địa được tạo ra gấp 36 lần, số thuế thu được gấp 45 lần bình quân cả nước. Tuy nhiên, chất thải sinh hoạt, nhu cầu nước sinh hoạt và mật độ giao thông trên 1km2 ở TP.,HCM gấp 17 cả nước là những thách thức rất lớn cho việc bảo đảm môi trường sống tốt cho người dân và làm cho TP.HCM nhạy cảm hơn với tác động của BĐKH.

Về điều kiện tự nhiên, TP.HCM nằm ở cửa ngõ sông Sài Gòn – Đồng Nai, có địa hình thấp nên gần đây phải đối mặt với thách thức mới mang tính thời đại, đó là những ảnh hưởng của BĐKH. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đánh giá TP.HCM là một trong 10 thành phố trên thế giới bị đe doạ nhiều nhất bởi biến đổi khí hậu.

Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân  trao đổi với Tổng Thư ký IPU Martin Chungong. Ảnh: VGP
Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với Tổng Thư ký IPU Martin Chungong. Ảnh: VGP

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, qua đánh giá các yếu tố gây ra BĐKH, các nhà khoa học nhận định các yếu tố có tác động mạnh nhất đến TP.HCM sẽ là nhiệt độ, lượng mưa và triều cường. Trong những năm qua, tình trạng nước biển dâng ngập lụt ở đô thị, xâm nhập mặn ngày càng sâu vào thượng nguồn đã và đang gây ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, nguồn cung cấp nước sạch, cơ sở hạ tầng và đời sống nhân dân TP.HCM. Trước thực trạng này, TP.HCM đã sớm nhận thức được và đã có những chủ trương, chính sách tương ứng để ứng phó với BĐKH ở nhiều mức độ và được lồng ghép vào nhiều lĩnh vực khác nhau như quy hoạch, năng lượng, giao thông, xây dựng, quản lý chất thải, quản lý tài nguyên nước, nông nghiệp. TP.HCM đã tham gia hoạt động của Tổ chức C40 (Tổ chức nhóm nhà lãnh đạo các thành phố trên thế giới có cam kết giảm thiểu và thích ứng với BĐKH); tham gia các hoạt động nhằm giảm thiểu phát thải khí nhà kính. TP.HCM hiện đang phối hợp với Bộ TN&MT Việt Nam và Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để nghiên cứu xây dựng các thể chế, tạo hành lang pháp lý, tiến tới từng bước thực hiện Thoả thuận Paris năm 2015. TP.HCM cũng hợp tác với TP Osaka, Nhật Bản trong chương trình phát triển Thành phố phát thải cac-bon thấp và với Thành phố Rotterdam, Hà Lan trong “Chương trình TP.HCM phát triển về hướng biển thích ứng với BĐKH”. Chúng tôi đã quyết định chủ trương xây dựng TP.HCM trở thành một đô thị thông minh của Việt Nam, trong đó việc giám sát tác động các chỉ số môi trường và giám sát của mọi người dân được triển khai mọi nơi, góp phần bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mọi người dân.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng: Hội nghị ngày hôm nay là cơ hội để TP.HCM mở rộng hợp tác với các nước cũng đang phải đối mặt với vấn đề BĐKH; trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm, tìm những giải pháp hiệu quả nhất để ứng phó  và thích nghi với BĐKH nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, đáp ứng được nhu cầu  xã hội, đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường, nguồn tài nguyên và sự phát triển bền vững cho các thế hệ con cháu mai sau. Bí thư Thành uỷ TP.HCM mong rằng bên cạnh việc tăng cường giao lưu, nâng cao hiểu biết lẫn nhau giữa các quốc gia, các thành phố, Hội nghị lần này còn là kênh kết kết nối thông tin hiệu quả nhằm hướng đến sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, chung sức cùng nhau để ứng phó với BĐKH. Ông Nguyễn Thiện Nhân tin tưởng rằng với sự quyết tâm cao, trách nhiệm và hành động của các nhà lập pháp, nhiều ý tưởng, đề xuất từ Hội nghị sẽ thành hiện thực, góp phần nâng cao hơn nữa vai trò của lập pháp, của Nghị viện trong việc giải quyết những thách thức mang tính toàn cầu.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao
Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao

Sau phiên khai mạc, Hội nghị đã họp Phiên toàn thể 1 với chủ đề “Các Mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của các Nghị viện để đạt Mục tiêu này” dưới sự điều hành của Chủ tịch IPU Saber Chowdhury và Tổng Thư ký IPU Martin Chungong.

Phiên toàn thể 1 có sự tham gia của Tiến sỹ Kamal Malhotra, Điều phối viên thường trú Liên Hiệp quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện UNDP tại Việt Nam; ông Nguyễn Thế Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư; ông Mahn Win Khaing Than, Chủ tịch Quốc hội Myanmar; ông Phuntsho Rapten, Thành viên Hội đồng Quốc gia Bhutan; Tiến sỹ Lokky Wai, Trưởng Đại diện WHO tại Việt Nam; ông Ali Safarneijad, Quyền Giám đốc UNAIDS tại Việt Nam; bà Shoko Ishikawa, Đại diện Quốc gia UN Women Việt Nam; bà Nguyễn Thuý Anh, Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Buổi chiều ngày 11/5, Phiên toàn thể 2 sẽ họp với chủ đề “Ứng phó với biến đổi khí hậu”. Phiên họp chiều 11/5 sẽ giới thiệuk bức tranh tổng quan và cập nhật về tình hình BĐKH trên toàn cầu và tác động của BĐKH đối với sự phát triển bền vững trong khu vực, các thách thức trước mắt và trong dài hạn đi kèm với những cơ hội mở ra cho việc chuyển đổi sang mô hình phát triển bền vững hơn. Các đại biểu sẽ trao đổi về cách thức các quốc gia trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương tiến hành để giải quyết các thách thức, khai thác các cơ hội này và các hành động của Nghị viện.

Điều hành phiên họp toàn thể 2 sẽ là GS Mai Trọng Nhuận, Phó Chủ tịch Uỷ ban Quốc gia về BĐKH và GS Trần Thục, Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn của Uỷ ban Quốc gia về BĐKH của Việt Nam. 

Phiên họp toàn thể 2 sẽ có sự tham gia của Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà; ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; bà Jenty Kirsch Wood, Cố vấn về thích ứng với BĐKH; ông Jesper Moller, Phó Đại diện UNICEF tại Việt Nam; bà Anna Schreyoegg, Cố vấn Chính sách và giảm thiểu tác động của BĐKH, GIZ Việt Nam; nghị sỹ Lorna Anne C.Eden, Trợ lý Bộ trưởng Chính quyền địa phương, nhà ở và môi trường của Fiji…

Việt Đức